TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất

| 26-08-2020, 03:48 | Chính sách

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp, hướng dẫn TP.HCM giải quyết khiếu nại về bồi thường, GPMB bằng tại dự án số 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu.

TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất

Sau 25 năm, dự án 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu vẫn chưa thành hình

Trước đó, một số hộ dân đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh về việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất thực hiện dự án số 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu. Theo đơn khiếu nại, dự án chưa thực hiện xong bồi thường tuy nhiên UBND TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ ầuđ tư.


Bên cạnh đó, người dân cũng cho rằng, UBND TP.HCM đã không thực hiện quy hoạch dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà tự ý điều chỉnh, biến từ đất công sang "đất ông" mà chưa được sự chấp thuận của Chính phủ.

Được biết, năm 1994, UBND TP.HCM xác lập quyền sở hữu với 164 căn nhà tại địa chỉ 1 Bis 1 kép Nguyễn Đình Chiểu, xác định rõ đây là đất thuộc diện công sản từ thời chế độ cũ.

Đến tháng 9/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 624/QĐ-TTg về việc phê duyệt đầu tư dự án Khu nhà ở, mục đích chủ yếu là xây dựng nhà ở cho các hộ dân bị giải tỏa từ các căn nhà ổ chuột dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè..

Tháng 7/1996, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi 1,8 ha đất tại khi I và khu II, giao cho Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 sử dụng. Một phần đất dùng để xây dựng nhà ở phục vụ cho việc di dân trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khu nhà ở cho người tái định cư, khu nhà ở và khu căn hộ cao cấp kinh doanh. Phần đất còn lại được đầu tư xây dựng kinh doanh khu nhà ở, văn phòng cho thuê. Chủ đầu tư này dự kiến xây 365 căn chung cư, 38 nhà phố liền kề và 112 căn nhà ở cao cấp.

Từ mục đích xây nhà ở tái định cư cho người dân dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án đã biến thành chung cư cao cấp thuộc sở hữu tư nhân

Tuy nhiên, sau khi chủ đầu tư này sáp nhập vào Tổng công ty Bến Thành, năm 2004, dự án được Thủ tướng cho phép điều chỉnh. Tháng 4/2004, TP.HCM ký quyết định điều chỉnh dự án lên 816 căn hộ, chiều cao 22 tầng, mục tiêu xây dựng vẫn là tái bố trí dân cư trong khu vực.

Thế nhưng, đã 25 năm trôi qua, khu đất trên dường như đã "hóa đất ông", trở thành dự án căn hộ, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại cao cấp.

Cụ thể, tháng 7/2013, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 (đã sáp nhập) liên doanh cùng Công ty Sao Thủy, thành lập công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy để thực hiện dự án trên.

Sau đó 1 năm, TP.HCM cũng tiến hành chấp thuận chủ đầu tư dự án trên là Bến Thành - Sao Thủy, mục đích thực hiện dự án được chuyển thành nhà ở cao tầng, khách sạn thương mại dịch vụ, theo hình thức sử dụng đất giao tiền có sử dụng đất.

Đến tháng 2/2018, TP.HCM cũng đã có quyết định điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, theo đó 2.770 m2 đất được xây dựng khách sạn, 1,5 ha đất còn lại để xây cao tầng.

Đáng nói, theo báo cáo tài chính năm 2019 của Bến Thành Group, đơn vị này chỉ sở hữu 28% vốn đầu tư tại công ty liên doanh, 72% còn lại là vốn tư nhân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số phận của dự án 1 Bis - 1 kép Nguyễn Đình Chiểu đã hoàn toàn rơi vào tay tư nhân.

Không những vậy, với mục đích ban đầu là nhà tái định cư cho người dân dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nơi đây đã trở thành cao ốc hạng sang và khó lòng các hộ dân này có thể "tái định cư" được.

Đáng chú ý, sau nhiều lần người dân thuộc dự án gửi đơn khiếu nại, ngày 2/3/2020, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đã làm việc cùng UBND TP.HCM về việc tổ chức tiếp dân định kỳ đối với 52 hộ dân đang khiếu nại.

Đầu năm nay, Bộ TN&MT cũng đã có kế hoạch thanh tra dự án 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên, đến nay việc tiếp dân định kỳ, tổ chức đối thoại vẫn chưa diễn ra, dự án cũng được tạm dừng thanh tra do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm