Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp

| 11-09-2020, 04:00 | Chính sách

Thị trường BĐS hiện nay phát triển chưa cân đối. Nguồn cung các sản phẩm BĐS cao cấp hiện đang dư thừa, trong khi đó, các sản phẩm nhà ở tầm trung, vừa túi tiền lại đang thiếu hụt. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp.

Bên cạnh nhà ở thương mại giá thấp, Chính phủ kết hợp cùng Bộ Xây dựng đang tiến hành sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Giai đoạn 2020 nhiều chủ trương chính sách đã được ban hành. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là tháo gỡ thể chế. Điển hình là những điểm nghẽn của thị trường về đất công xen kẹt đã được đề xuất sửa đổi trong các dự thảo nghị định hướng dẫn sửa đổi Luật đất đai.

Như vậy, không chỉ trong năm 2020 mà cho đến 2025 phân khúc nhà ở thương mại và xã hội sẽ khởi sắc rực rỡ.

Sản phẩm nhà ở giá rẻ vẫn khan hiếm trên thị trường

Nhu cầu nhà ở giá rẻ tiếp tục tăng cao

Thị trường bất động sản năm 2019 và đầu 2020 đang diễn ra tình trạng dư thừa nhà ở thuộc phân khúc trung và cao cấp với diện tích lớn, giá bán cao nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị. Cụ thể, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm khoảng 20-30% thị trường tùy từng địa phương và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Trong khi đó, nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2 chiếm đến 70-80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại thiếu hụt.

Một thông tin đang được dư luận quan tâm đó là Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Theo đó, căn hộ chung cư thương mại phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh, diện tích sử dụng tối thiểu không nhỏ hơn 25m2.

Đây là một chủ trương có những điểm tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn về nhà ở của người dân hiện nay. Khó khăn lớn nhất với các đối tượng như người lao động có thu nhập thấp, người nhập cư, người trẻ mới lập gia đình, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… có thể sở hữu được một căn hộ hợp pháp. Việc có được nhà ở sẽ giúp họ an cư lập nghiệp, tháo gỡ được những vướng mắc như hộ khẩu hoặc tạm trú, con cái học hành, một số quy định về thủ tục giấy tờ khác… Hơn nữa, xã hội hiện nay, những người ở độc thân rất phổ biến, trong khi họ không có nhu cầu nhà quá rộng. Việc cho phép xây dựng những căn hộ chung cư 25m2 trở lên như Thông tư 21 là hợp lý. Trên thực tế, giá những căn hộ như vậy sẽ chỉ từ khoảng 500 triệu đồng trở lên nên những đối tượng như trên có khả năng mua được.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đang tham mưu giải quyết chuyển đổi các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội; tháo gỡ những khó khăn tồn tại với các dự án nhà ở xã hội, các dự án phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn.

Theo tờ trình Sở Xây dựng TP.HCM gửi UBND thành phố về việc phê duyệt đề án “Tổ chức thực hiện chương trình phát triển nhà ở cho người dân TP.HCM giai đoạn 2020-2030”, dân số toàn thành phố trong 10 năm qua đã tăng 1.845.261 người, diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 20,1m2/người (năm 2009 là 16,6m2/người). Trong 10 năm tới, Thành phố không khuyến khích làm nhà ở thấp tầng để tận dụng quỹ đất làm nhà ở cao tầng. Chính sách này sẽ giúp đáp ứng số lượng và tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án mới.

Phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở xã hội sẽ khởi sắc

Trước mắt, đến năm 2025, nhiều giải pháp với từng nhóm sản phẩm đã được đề ra trong dự thảo. Theo đó, nhà ở xã hội cần đa dạng hóa phương thức đầu tư, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách. Với nhà ở thương mại cần giải quyết vướng mắc trong việc cung cấp chỉ tiêu quy hoạch, phê duyệt hoặc thỏa thuận tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Nhà ở xã hội để cho thuê, mua được khuyến khích phát triển. Theo đó, thành phố sẽ áp dụng các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp làm nhà ở giá rẻ phục vụ người có thu nhập thấp, đặc biệt là các hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch cần di dời. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông cần được đẩy mạnh để kết nối với các đường vành đai, đô thị vệ tinh.

Cụ thể, với quận 1, 3 sẽ hạn chế các dự án nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo. Đồng thời sẽ tăng chỉ tiêu quy hoạch (mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, dân số…) cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975.

Với các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân và Thủ Đức sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1, các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Với các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh sẽ tăng chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ trước năm 1975, di dời nhà trên và ven kênh rạch. Bên cạnh đó sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại.

Với 5 huyện còn lại sẽ ưu tiên phát triển khu đô thị mới, khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị vệ tinh; phát triển nhà ở theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm