Quy hoạch 'treo' khắp nơi

| 19-10-2020, 04:33 | Chính sách

Theo quy định 3 năm rà soát 1 lần, nếu quy hoạch không khả thi sẽ bỏ. Thế nhưng trên địa bàn TP.HCM, hàng trăm quy hoạch “treo” bền vững hết năm này qua tháng nọ kéo theo những hệ lụy kinh tế, xã hội.

Quy hoạch 'treo' khắp nơi

Khu vực ga Bình Triệu “treo” 18 năm, kéo theo đó “treo” luôn quyền lợi người dân, họ đành tận dụng đất trồng rau - ĐỘC LẬP

“Treo” nhiều thập kỷ

Ông Nguyễn Tấn Tài (KP.3, P.An Phú Đông, Q.12) đại diện cho các hộ dân dọc QL1A đoạn từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Lạc dài khoảng 34 km, bức xúc phản ánh, do UBND TP.HCM quy hoạch lộ giới đoạn tuyến QL1A thuộc địa phận TP.HCM là 120 m từ năm 1995 đến nay khiến các hộ dân ở đây không được chuyển mục đích sử dụng đất ở để xây dựng nhà cửa cũng như được cấp sổ hồng cho căn nhà, miếng đất của mình. Vì không có sổ hồng nên họ không được cấp phép sản xuất kinh doanh, không được thế chấp vay vốn ngân hàng để làm ăn khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn.

“Quyết định 568 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 quy định mặt cắt lộ giới QL1A đoạn qua Q.12 chỉ 70 m. Chúng tôi đã hàng chục lần gửi đơn kiến nghị, kêu cứu lên UBND TP.HCM vì sao vẫn giữ 120 m khiến người dân khổ sở, thiệt hại bao năm nay. TP cần rà soát xem quy hoạch có khả thi hay không. Nếu vẫn giữ quy hoạch, phải tiến hành bồi thường cho người dân, chúng tôi sẽ chấp hành. Nếu không thì tháo treo để trả lại quyền lợi hợp pháp cho chúng tôi”, ông Tài nói.

Căn nhà cấp 4 của ông Tài đã xây dựng được hơn 30 năm có chiều ngang 8 m và chiều dài 12 m hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Qua nhiều lần nâng đường, căn nhà của ông ngày càng thụt xuống và trở thành cái “hang chuột”, mùa mưa nước trên đường chảy ngược vào nhà. “Nhà xuống cấp, nhưng khi tôi đi xin phép xây dựng, chính quyền chỉ cho xây tạm, cam kết không bồi thường khi nhà nước thu hồi. Gia đình chúng tôi khó khăn, nếu đập nhà đi mà không được bồi thường thì tôi xây làm gì? Tôi phải đi nơi khác thuê nhà ở cho an toàn”, ông Tài cho hay.

Cũng có thâm niên tới 3 thập kỷ, từ năm 1992 khi công bố thành lập khu đô thị Nam Sài Gòn thì toàn bộ nhà đất của người dân ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh bị “dính” quy hoạch. Khi đó họ được thông báo chuẩn bị di dời, nhà cửa sẽ bị thu hồi nên không được xây dựng mới, hạn chế sửa chữa, sang nhượng. Thế nhưng từ đó đến nay người dân không thấy mặt nhà đầu tư, tiền cũng không được bồi thường trong khi quyền lợi bị treo chơi vơi. Đáng nói, hạ tầng đường sá không được đầu tư, nhà cửa bị hư hỏng, mục nát; những vườn cây, ruộng rau biến thành đồng cỏ dại, cao quá đầu người kéo dài không biết còn kéo dài bao giờ.

Theo ông Võ Văn On (C3/17, ấp 4, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh), gia đình ông có miếng đất diện tích 8.000 m2 gồm đất nông thôn, đất nông nghiệp tại địa chỉ C3/18, ấp 4 do ông bà để lại từ năm 1954. Đến năm 1992, nhà nước thông báo quy hoạch mảnh đất thành khu B do Công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đã 28 năm qua, dự án vẫn “treo”, gia đình ông chưa nhận được thông báo thỏa thuận đền bù.

Vốn chỉ dựa vào nghề làm nông, nhưng hiện nay xung quanh khu đất bị đô thị hóa với hàng trăm căn nhà mọc lên nên nhà ông không thể làm vườn, làm lúa được nhưng cũng không thể làm gì khác. “Gia đình tôi luôn tuân thủ quy định của nhà nước chờ được đền bù, để làm các dự án có lợi cho xã hội, cho đất nước chứ không phân lô bán nền như nhiều người khác. Tuy nhiên, tới nay quy hoạch treo, dự án chưa được triển khai, đất chưa được đền bù nên mong các vị lãnh đạo xem xét và giúp đỡ gia đình chúng tôi xây công trình tạm để phục vụ kinh doanh, đến khi thực hiện dự án sẽ tháo dỡ không bồi thường”, ông On nói giọng đượm buồn.

Cũng do quy hoạch treo quá lâu nên hiện nay gần như toàn bộ xã Bình Hưng, người dân tìm mọi cách để xây dựng nhà ở, nhà xưởng làm ăn buôn bán trong lúc nhà nước chưa thu hồi đất, chưa bồi thường, tạo thành một khu nham nhở, nhếch nhác...

"Nếu chưa thu hồi đất, phải cho người dân thực hiện quyền của mình là được xây dựng, mua bán, được cấp sổ hồng. Đến khi thu hồi, bồi thường phải theo giá thị trường, có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của người dân"

KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM

Ở khu quy hoạch ga Bình Triệu (Q.Thủ Đức), ông Hoàng Tuấn, một người dân ở đây, cho biết dự án đã treo từ năm 2002 đến nay khiến người dân rơi vào cảnh khốn khó. Đất đai bỏ hoang, nhà cửa xuống cấp, hạ tầng không được đầu tư, không tách thửa làm sổ hồng được...; người dân chỉ mong muốn dự án sớm thực hiện để được bồi thường, di dời đến nơi ở mới nhưng vô vọng. “Quá khó khăn, họ gần như bỏ đi hết, nhà cửa cho người dân lao động hoặc sinh viên thuê kiếm mấy đồng sống qua ngày”, ông Tuấn chán nản kể.

Cho xây dựng và bồi thường

Định kỳ rà soát quy hoạch xây dựng là 10 năm đối với quy hoạch vùng, 5 năm đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, 3 năm đối với quy hoạch chi tiết kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt, vậy tại sao các quy hoạch “treo” có thể tồn tại lưu cữu nhiều thập kỷ? KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng việc rà soát không hiệu quả bởi đánh giá rất phức tạp và chưa có một đơn vị “chủ xị” việc này. “Hiện nay trong khi chờ quy hoạch, phải có chính sách giải quyết quyền lợi của người dân. Nếu chưa thu hồi đất, phải cho người dân thực hiện quyền của mình là được xây dựng, mua bán, được cấp sổ hồng. Đến khi thu hồi, bồi thường phải theo giá thị trường, có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của người dân”, ông Mười đề xuất.

KTS Trần Tuấn cũng cho rằng hiện quy định 5 năm cơ quan chức năng rà soát lại quy hoạch chung 1 lần vẫn chưa đi vào thực chất. Việc rà soát quy hoạch chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự tháo gỡ khó khăn cho người dân. Việc TP.HCM chỉ cấp phép xây dựng tạm cho người dân có đất trong các đồ án quy hoạch không công bằng đối với người dân vì khi thực hiện quy hoạch, phần đất này sẽ không được bồi thường.

Chính vì vậy, theo KTS Trần Tuấn, TP cần kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép TP.HCM cấp phép xây dựng nhà ở chính thức cho người dân dưới dạng công trình thấp tầng trong các đồ án quy hoạch để người dân sinh sống. Không những vậy, cần cập nhật biến động xây dựng vào sổ hồng để khi thực hiện dự án phải bồi thường cho người dân một cách thỏa đáng, thay vì chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn và xây tối đa không quá ba tầng. Nhà xây xong không được hoàn công, không được thừa nhận tài sản trên đất, khi nhà nước thực hiện quy hoạch thì không bồi thường đối với phần xây dựng mới này.

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm