Định hướng quy hoạch TP. Thủ Đức đến năm 2040

| 23-03-2021, 14:09 | Chính sách

Định hướng quy hoạch TP. Thủ Đức đến năm 2040

Một góc TP. Thủ Đức


Cụ thể, tại kỳ họp thứ 24 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.HCM khóa IX tổ chức hôm nay 23/3, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã đã có báo cáo nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.


Ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết, sau khi HĐND TP.HCM cho ý kiến, UBND TP.HCM hoàn tất hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Thủ Đức dự kiến trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo quy định.


Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ TP. Thủ Đức (bao gồm tổng diện tích đất của 3 đơn vị hành chính quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trước đây) với diện tích khoảng 21.156ha, lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000.  


Mục tiêu quy hoạch là trên nền tảng ý tưởng của cuộc thi tuyển quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM”, sẽ nghiên cứu lập quy hoạch chung TP. Thủ Đức theo định hướng đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP.HCM dựa trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội - môi trường gắn liền với kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển. Đồng thời, nâng cấp, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu, đảm bảo gắn kết, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.


Về tính chất đô thị, TP. Thủ Đức hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia, là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM. TP. Thủ Đức là trung tâm hạt nhân phát triển các hoạt động kinh tế tri thức, phát triển kinh tế sáng tạo…


Hiện nay, dân số thường trú tại TP. Thủ Đức là hơn 1 triệu người. Dự báo đến năm 2030, dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người; đạt từ 1,9-2,2 triệu người vào năm 2040; đạt mức 3 triệu người vào năm 2060. Quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.


Theo báo cáo, trên địa bàn TP. Thủ Đức, thực thi các dự án chủ lực tạo thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gồm dự án Công viên phần mềm Quang Trung Thủ Đức; Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ); Trung tâm tính toán hiệu năng cao; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn; Viện nghiên cứu tiên tiến (Đại học Quốc gia TP.HCM); Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược phẩm; Khu thực nghiệm công nghệ cao.


Hạ tầng tài chính thương mại gồm 3 cấu phần gồm Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM (Thủ Thiêm); Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế (Thủ Thiêm); Hệ thống siêu thị và bán lẻ thông minh.


Hạ tầng xã hội gồm 7 cấu phần là hệ thống trường mầm non, trường phổ thông, trường nghề chất lượng cao; hệ thống các bệnh viện, đạt chuẩn quốc tế; hệ thống các không gian mở ngoài trời và các hành lang sinh thái; Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (Thủ Thiêm); Công viên lịch sử văn hóa dân tộc; sân Golf Thủ Đức; Trung tâm thể thao Rạch Chiếc; Quảng trường Hồ Chí Minh (Thủ Thiêm).


Cơ sở hạ tầng của một đô thị thông minh được hình thành gồm 4 lớp chức năng là lớp hạ tầng tự nhiên, lớp hạ tầng xây dựng, lớp hạ tầng công nghệ số và lớp hạ tầng dịch vụ thông minh.


Cũng tại kỳ họp này, sau khi hủy dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2021 của quận 2, 9 và Thủ Đức, TP.HCM giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cho TP. Thủ Đức năm 2021 là hơn 8.327 tỷ đồng và chi ngân sách là hơn 3.155 tỷ đồng. 


Sở dĩ có việc này vì TP. Thủ Đức vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Trước đó, TP.HCM giao quận 2 thu ngân sách hơn 3.830 tỷ đồng, quận 9 thu ngân sách hơn 2.240 tỷ đồng, quận Thủ Đức thu ngân sách hơn 2.250 tỷ đồng.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm