Đà Nẵng sẽ phát triển đô thị về hướng Tây, trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của cả khu vực Đông Nam Á

| 23-10-2019, 10:00 | Chính sách

Đơn vị tư vấn Công ty Surbana Jurong vừa trình bày Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, quy hoạch mới tập trung phát triển các vũng lõi của Đà Nẵng thành những trung tâm đô thị, nghỉ dưỡng hiện đại.

Đà Nẵng sẽ phát triển đô thị về hướng Tây, trở thành trung tâm nghỉ dưỡng của cả khu vực Đông Nam Á


Kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn cho đến giai đoạn hiện nay, và đề xuất các định hướng xây dựng quy hoạch dựa trên kết quả nghiên cứu. Theo đó, về kinh tế, đơn vị tư vấn đề xuất định vị Đà Nẵng là trung tâm phong cách sống và cửa ngõ quốc tế; là trung tâm du lịch - dịch vụ và nghỉ dưỡng hiện đại cho miền Trung Việt Nam và Hành lang kinh tế Đông Tây qua Myanmar, Thái Lan và Lào;



Trong tương lại, TP Đà Nẵng còn là một nút quan trọng trong mạng lưới sản xuất và logistics toàn cầu; là đô thị chính trong vùng đô thị Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, với dân số khoảng 5,8 triệu người. Dự báo, giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng trung bình theo phương án cao nhất là 10,1%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.700 USD, năm 2045 đạt khoảng 25.300 USD.



Về cơ cấu kinh tế, tư vấn đề xuất 4 cụm kết nối bởi công nghệ thông minh, gồm du lịch - nghỉ dưỡng, công nghệ cao, logistics, kinh tế biển; trong đó, chú trọng phát triển du lịch chọn lọc, tích hợp khả năng dịch vụ công nghệ thông tin và kỹ thuật số, đổi mới tập trung vào việc tạo ra một trung tâm logistics, cải thiện dịch vụ khuyến nông trong nông nghiệp và sản xuất ngư nghiệp.



Đối với quy hoạch chung, đơn vị tư vấn đề xuất xác định tầm nhìn Đà Nẵng là một thành phố sông nước bền vững, với những bản sắc riêng, thể hiện qua sự kết nối dễ dàng đến khu vực, và toàn cầu; sự khác biệt về không gian đô thị, kiến trúc, thiên nhiên, văn hóa, lịch, sử; là thành phố thông minh, dễ tiếp cận, đáng nhớ và đáng sống.



Tỷ lệ tăng trưởng dân số được dự báo khoảng 2,2 %/năm, trong đó, tăng trưởng tự nhiên ước tính 1,5%/năm và dân số nhập cư. Đến năm 2030, dân số Đà Nẵng đạt khoảng 1,45 triệu người; năm 2045 là 1,97 triệu người. Theo đơn vị tư vấn, để đạt được dân số này, chính sách nhập cư đóng vai trò quan trọng.


Mô hình đô thị được đề xuất cho Đà Nẵng là một đô thị nén cho khu vực trung tâm và phát triển mở rộng về phía Tây. Với dự báo dân số 1,97 triệu vào năm 2045, thì mật độ khoảng 10.000 - 13.000 dân/km, là mật độ tương đối cao; vì vậy, cần tính toán đến hai phương án, cả nén và mở rộng đô thị. Sau năm 2030, phát triển những khu vực vùng đồi núi phía Tây (hiện tại mới phát triển vùng đất bằng phẳng), khu vực này sẽ có mật độ dân số cao hơn với các chung cư cao tầng.



Cấu trúc đô thị gồm 3 phân vùng phát triển, với khu vực mặt nước dọc theo bờ biển và sông, khu công viên giữa đô thị và khu vực sườn đồi phía Tây; đường chân trời đô thị sẽ cao dần từ phía Đông về phía Tây, đến năm 2045, dân số trẻ sẽ phải sống dịch về ngoại thành, chung cư phía Tây thành phố.



Đơn vị tư vấn cũng đề xuất 2 vành đai kinh tế cho sự phát triển, gồm: vành đai phía Bắc phát triển khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; vành đai phía Nam là khu đổi mới sáng tạo kết hợp khu nông nghiệp công nghệ cao.



Đơn vị tư vấn Surbana Jurong đề xuất chọn phương án phát triển tối đa sân bay Đà Nẵng và liên kết với các sân bay trong khu vực như Phú Bài, Chu Lai; đồng thời, mở rộng cảng Tiên Sa, không phát triển cảng Liên Chiểu. Đường sắt được đề xuất kẹp sát phía Đông đường cao tốc nhằm hạn chế chia cắt đô thị thành 3 mảnh và tận dụng cùng hành lang; nhà ga chuyển về phía Nam, khu vực Hòa Tiến, trở thành động lực phát triển của khu vực này.



Trong khi đó, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng về vị thế, trước tiên cần xác định Đà Nẵng là địa chính trị, là trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo, trung tâm công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp. Do đó, phát triển Đà Nẵng không nên chỉ giới hạn ở địa giới hành chính, mà cần phát triển Đà Nẵng như đô thị lõi của vùng đô thị bao gồm các tỉnh, thành lân cận.



Trong đó, tập trung vào phương án phát triển tối đa sân bay Đà Nẵng, xây dựng đô thị sân bay và liên kết với các sân bay trong khu vực; đồng thời, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu sâu hơn, có sự phân tích, so sánh cụ thể trên cơ sở khoa học đối với vấn đề tiếp tục mở rộng cảng Tiên Sa, hay phát triển cảng Liên Chiểu.



Về phương án xử lý rác thải, theo UBND TP Đà Nẵng, ở thời điểm hiện tại, đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải tại Khánh Sơn là phù hợp, trong đó cần hết sức lưu ý lựa chọn công nghệ xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước.


Cùng với việc chọn liên danh đơn vị tư vấn của Singapore thực hiện điều chỉnh quy hoạch, Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục làm việc với phía nhà tư vấn, chọn đây là đơn vị quản lý quy hoạch, nhằm đảm bảo về lâu dài, thành phố được xây dựng, phát triển theo đúng quy hoạch được phê duyệt, tránh tình trạng tùy tiện thay đổi quy hoạch, phá vỡ không gian, cấu trúc đô thị đã được định hướng.



DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm