Những “thành phố ma” ở Trung Quốc

| 19-06-2019, 16:10 | Chính sách

Hiện rải rác ở Trung Quốc có những "thành phố ma" với hàng loạt những tòa cao ốc không một bóng người. Đây chính là hệ quả của bong bóng giá nhà ở đang ngày một bị thổi phồng, trong khi người dân không thể chi trả nổi cho một nơi để an cư.   
Những “thành phố ma” ở Trung Quốc

Ảnh: Những tòa chúng cư không một bóng người tại Ordos Kangbashi (Trung Quốc). Ảnh: Carla Hajjar/Forbes.


Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không phải là vấn đề nổi cộm hàng đầu khiến chính phủ Trung Quốc đau đầu, mà việc đau đầu chính là giá nhà đang ngày một bị thổi phồng trên thị trường bất động sản.

Giá trung bình một ngôi nhà mới tại 70 thành phố của Trung Quốc đã tăng tới 9,7% trong tháng 12.2018 từ mức tăng 9,3% của tháng trước, theo Tradingeconomics.com. Đây là đợt tăng giá nhà cao nhất trong 44 lần tăng liên tiếp, tính từ tháng 7.2017, bất chấp những can thiệp của chính phủ nhằm kiềm hãm đà tăng.

Hiện rải rác nhiều nơi ở Trung Quốc, những "thành phố ma" với nhiều tòa cao ốc chúng cư cao chọc trời nhưng không một bóng người. Chúng thuộc quyền sở hữu của những đại gia bất động sản, những người đầu tư vào thị trường nhà đất với hy vọng kiếm lời khi giá nhà lên cao.

"Khoảng cách giữa giá trị của những căn nhà mới và khả năng chi trả của những người thuộc tầng lớp bình dân Trung Quốc đã quá rõ ràng," Ruchir Sharma viết trong cuốn sách Những quốc gia đột phá: Theo đuổi phép màu kinh tế tiếp theo. "Những nhà phát triển bất động sản đang xây nên những 'thành phố ma', bởi công nhân Trung Quốc không tài nào đủ khả năng chi trả cho những ngôi nhà mới."


Mức tăng chỉ số giá nhà ở mới xây của Trung Quốc từ tháng 1.2018 tới tháng 12.2018 so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Cục thống kê quốc gia Trung Quốc.


Giá nhà tăng là hậu quả của những chính sách ưu ái cho những người giàu có đầu tư vào bất động sản và sự phát triển chóng mặt của nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua. Bởi những nhà đầu tư sẽ không có ý định bán nhà khi giá chưa như ý muốn, khiến nguồn cung thị trường bất động sản trở nên khan hiếm và đẩy giá những ngôi nhà mua đi bán lại lên cao hơn bao giờ hết. Chỉ số giá nhà mua để bán lại (sencond-hand house index) của Thượng Hải đã tăng từ dưới ngưỡng 1.000 hồi năm 2003 lên gần 4.000 vào năm 2017.

Việc giá nhà tăng cao ngất ngưởng khiến những người có thu nhập trung bình khó lòng sở hữu nổi căn nhà, điều này tác động tiêu cực tới triển vọng phát triển lâu dài của Trung Quốc hơn cả chiến tranh thương mại. Bởi lẽ chiến tranh thương mại có thể được giải quyết một khi cả hai nước tìm được tiếng nói chung.

Giá nhà tăng còn là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc giảm gần 30% trong vòng năm năm qua. Tỷ lệ kết hôn thấp có thể dẫn tới số trẻ em sinh ra ngày một giảm, khiến lực lượng lao động sẽ trở nên ngày một khan hiếm. Trong khi đó, lực lượng lao động Trung Quốc đang phải cạnh tranh gay gắt với lực lượng lao động trẻ và dồi dào của các quốc gia châu Á đang phát triển, trong đó bao gồm Việt Nam, Philippines, Bangladesh...

Không chỉ vậy, khi cán cân về số người đi làm và người nghỉ hưu mất cân bằng, tỷ lệ người phụ thuộc sẽ tăng cao, khiến những người trong độ tuổi lao động sẽ phải gồng gánh nhiều hơn các chi phí phúc lợi dành cho những người về hưu.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm