Ông Lê Hoàng Châu: Cần khuyến khích vốn FDI vào bất động sản

| 19-06-2019, 16:12 | Chính sách

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản được xem là nguồn vốn hợp lý cho các doanh nghiệp địa ốc trong nước trong bối cảnh thắt chặt dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Ông Lê Hoàng Châu: Cần khuyến khích vốn FDI vào bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu tại Hội nghị Bất động sản tháng 12.2018 do Forbes Việt Nam tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Forbes Việt Nam.


Dù nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI nhưng ngành bất động sản hiện đang do các doanh nghiệp trong nước thống lĩnh. Việc thu hút FDI vào bất động sản được xem là nguồn vốn hợp lý cho các doanh nghiệp địa ốc trong nước trong bối cảnh dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này đang ngày càng thắt chặt, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết tại sự kiện "FDI vào bất động sản: Vốn cần nhưng chưa đủ" hôm 28.1.

Thị trường bất động sản năm 2019 có nhiều thách thức, nổi bật là một số quy định nhằm hạn chế vốn tín dụng vào bất động sản có hiệu lực ngay từ đầu năm 2019. Trong một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10.2018, cho vay liên quan đến bất động sản chiếm tỷ trọng 38% đến 40% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại TPHCM.

Thị trường bất động sản các nước khai thác vốn từ thị trường chứng khoán, từ quỹ đầu tư, nhàn rỗi lớn như bảo hiểm, hưu trí, quỹ đầu tư tín thác..., trong khi doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang lệ thuộc lớn vào vốn tín dụng.

Quy mô thị trường bất động sản Việt Nam vào khoảng 25 tỉ đô la Mỹ, trong đó tổng dư nợ đã chiếm tới 20 tỉ đô la Mỹ, tính đến cuối năm 2017, theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín - CEO trường doanh nhân BizLight.

Cơ cấu vốn dựa vào tín dụng khá bất cập và tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi cơ quan điều hành đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản, điều này đặt ra sự cần thiết phải có vốn từ nước ngoài hoặc các thị trường tài chính khác như chứng khoán, quỹ đầu tư... để hỗ trợ và tiếp sức vào bất động sản, ông Tín nhận định.

Theo ông Châu, vốn FDI có thể được xem là giải pháp hợp lý cho nguồn vốn bổ sung vào bất động sản.

Trong nhiều năm trở lại đây, bất động sản luôn nằm trong tốp ba lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất tại Việt Nam. Theo thống kê của cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối năm 2018, lĩnh vực bất động sản đã thu hút gần 60 tỉ đô la Mỹ vốn FDI.

Năm 2018, FDI vào bất động sản đạt kỷ lục 6,6 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Nổi bật là dự án thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ đô la Mỹ do tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư.

Lượng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giai đoạn 2011-2018. Năm 2018, lượng vốn FDI đạt kỷ lục 6,6 tỉ đô la Mỹ vào lĩnh vực này. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.


Nhiều doanh nghiệp trong nước hiện đang có mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp FDI để phát triển dự án.

Bên cạnh vốn, các doanh nghiệp trong nước còn tiếp cận được quy hoạch dự án, phát triển tiện ích theo chuẩn mực quốc tế hay khả năng quản trị, tính minh bạch từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Châu nhận định vốn FDI là rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại. Trong xu thế dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam, dòng vốn cũng sẽ dịch chuyển vào bất động sản công nghiệp, văn phòng và nhà ở. ''Cần phải khuyến khích doanh nghiệp tạo dựng mối quan hệ hợp tác với nước ngoài," ông Châu nói.

Tuy nhiên cũng cần phải quan sát kỹ các doanh nghiệp FDI vào ngành bất động sản Việt Nam. Khi không đủ nguồn vốn, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thường xin giảm quy mô, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian... để có thể tiếp tục sử dụng quỹ đất đã được cấp phép, ông Tín cho biết. Cơ quan quản lý cần đánh giá lại các dự án chậm triển khai hoặc thu hồi các dự án chậm tiến độ để tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm năng.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm