Quy trình khiếu nại, khiếu đất đai theo luật hiện hành

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 28-01-2020, 12:45 | Góc pháp luật

1. Khiếu nại, khởi kiện về đất đai là gì?

Khiếu nại, khiếu kiện, khởi kiện là một trong những quyền của công dân, cơ quan tổ chức… được thực hiện nhằm bảo vệ quyền và nghĩa vụ chính đáng của mình, của tổ chức khi cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, các khiếu nại và khởi kiện theo luật tố tụng hành chính và luật tố dân sự khá nhiều và thường xuyên. Trong đó, các vụ tranh chấp đất đai bao gồm những khiếu nại đất đai, khởi kiện hay khiếu kiện đất đai hiện nay rất phổ biến.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các quy định về vấn đề khiếu nại đất đai là gì, khiếu kiện là gì, khởi kiện là gì, những quy trình, thủ tục, thời hiệu, cách viết đơn, nộp đơn khiếu nại, đơn khiếu kiện đất đai như thế nào... cho đúng quy định. Do đó, bài viết sẽ chia sẻ với bạn đọc các vấn đề pháp lý được pháp luật quy định về khiếu nại đất đai là gì, khiếu kiện - khởi kiện tranh chấp đất đai là gì, thủ tục, trình thủ giải quyết tranh chấp đất đai hiện hành nhằm giúp bạn đọc nắm rõ quy trình kiện tụng tranh chấp đất đai rõ nhất.

Quy trình khiếu nại, khiếu đất đai theo luật hiện hành

Các phương thức giải quyết tranh chấp đất đai

Khiếu nại đất đai là gì?

Khiếu nại về đất đai về bản chất đó là khiếu nại hành chính. Cụ thể khiếu nại đất đai là việc công dân, cơ quan, tổ chức… đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính,hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khiếu nại đất đai là quyền của công dân trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và cơ quan tổ chức… giúp kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp của các hành vi và quyết định hành chính ngăn chặn hành vi trái pháp luật và thực thi tốt quyền giám sát của công dân trong hoạt động quản lý đất đai. Tuy nhiên, theo quy định thì để thực hiện quyền khiếu nại về đất đai thì người khiếu nại sẽ cần thực hiện đúng theo các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ, có đơn khiếu nại đất đai theo quy định của luật khiếu nại tố cáo mới nhất, luật đất đai và luật tố tụng đất đai hiện hành.

Khiếu kiện đất đai là gì?

Khởi kiện đất đai hay khiếu kiện đất đai có hai loại đó là:

- Khởi kiện tranh chấp đất đai trong lĩnh vực dân sự: là khởi việc giải quyết tranh chấp, chiếm dụng đất đai thuộc thẩm quyền của tòa án đối với những tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai (tranh chấp xem ai là người có quyền sử dụng đất) hoặc là những tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất.

- Khởi kiện quyết định hành chính về đất đai hay khiếu kiện hành chính đất đai là: người khiếu nại khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính đến tòa án có thẩm quyền.

Việc khiếu, khởi kiện hành chính về đất đai, khởi kiện tranh chấp đất đai được thực hiện theo trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính theo từng loại vụ việc hành chính hay dân sự.

Quy trình khiếu nại, khiếu đất đai theo luật hiện hành

Khiếu nại đất đai ở đâu? So với các quy định khiếu nại đất đai cũ theo Luật Đất đai 2003 thì hiện nay với Luật Đất đai 2013 thì trường hợp khiếu nại về đất đai sẽ thực hiện theo quy trình khiếu nại hoặc khiếu kiện như sau:

  • Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết lần đầu nếu như người khiếu nại không đồng ý đối với quyết định giải quyết quyết tranh chấp đất đai thì có quyền:
  • Khiếu nại lần hai đến bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực
  • Khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2016 hiện hành.

Như vậy việc giải quyết tranh chấp về đất đai các chủ thể có thể lựa chọn hình thức khởi kiện hoặc khiếu nại đất đai theo quy trình ở tại sơ đồ sau:

Sơ đồ trình tự giải quyết tranh chấp đất đai hiện hành

2. Quy định khiếu nại, khiếu kiện về đất đai mới nhất 2020

Khiếu nại và khiếu kiện đất đai là hai hoạt động khác nhau về cách thực, thủ tục giải quyết tranh chấp mà người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan lựa chọn hình thức khiếu kiện hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước hay khởi kiện tố tụng tranh chấp đất đai tại Tòa án.

Dưới đây là các quy định về trình tự giải quyết chấp đất đai bao gồm cả quyền khiếu nại đất đai và khởi kiện, khiếu kiện đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quy định khiếu nại về đất đai

Hiện nay các quy định khiếu nại hành chính và đất đai sẽ được thực hiện theo các văn bản pháp luật:

  • Luật khiếu nại tố cáo 2011
  • Luật đất đai 2013
  • Luật tố tụng hành chính 2016 thay thế cho luật tố tụng hành chính năm 2013.

Vì vậy, bạn đọc muốn tìm hiểu các thông tin về khiếu nại luật đất đai và quy định luật tố tụng về đất đai sẽ cần tìm hiểu các quy định của luật này.

Đối tượng và chủ thể nộp đơn khiếu nại đất đai

Theo quy định tại Điều 204 Luật đất đai năm 2013:

“1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

2.Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”.

Theo đó, chủ thể và đối tượng khiếu nại tranh chấp đất đai bao gồm:

- Chủ thể có quyền nộp đơn khiếu nại đất đai: Căn cứ Luật đất đai 2013, Luật khiếu nại 2011 quy định các đối tượng khiếu nại đất đai là: Người sử dụng đất, có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất. Cụ thể người có quyền nộp đơn khiếu nại quyết định hành chính đất đai hay khiếu nại hành vi hành chính về đất đai phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Người khiếu nại phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại.
  • Người khiếu nại và phải có đầy đủ hành vi năng lực dân sự và nếu là người đại diện phải đáp ứng yêu cầu người đại diện theo quy định pháp luật.
  • Phải có đơn khiếu nại hành chính - khiếu nại tranh chấp đất đai do người khiếu nại thực hiện và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết trong thời hiệu, thời hạn theo quy định dành cho các khiếu nại về đất đai.

- Đối tượng khiếu nại về đất đai:

  • Khiếu nại quyết định hành chính về đất đai
  • Khiếu nại hành vi hành chính về quản lý đất đai nếu cho rằng hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai

Khiếu nại đất đai ở đâu? Theo quy định thì thẩm quyền giải khiếu nại đất đai như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.

- Chủ tịch UBND cấp huyện:

  • Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình
  • Giải quyết khiếu nại lần 2 đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Chủ tịch UBND cấp tỉnh:

  • Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
  • Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

- Thủ trưởng cơ quan cấp trên khác có nghĩa vụ giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu nếu đó là hành vi hành chính, hoặc quyết định hành chính của mình hoặc cơ quan, cá nhân mà mình quản lý đưa ra.

Thời hiệu khiếu nại đất đai

Đối với vấn đề thời hạn giải quyết đơn khiếu nại về đất đai được quy định theo luật khiếu nại tố cáo mới nhất 2011 là: 90 ngày, tính từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính (những ngày ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu)

Quy định về trình tự giải quyết khiếu nại đất đai

Căn cứ và quy định tại Điều 7 Luật khiếu nại năm 2011 quy định về trình tự khiếu nại: “1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

Do đó, trình tự giải quyết khiếu nại đất đai sẽ có quyền 2 lần khiếu nại và nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai lần 1 hoặc lần 2 hoặc quá thời hạn giải quyết có quyền làm đơn khiếu kiện đất đai.

Cách khiếu nại đất đai

Khi có căn cứ khiếu nại đất đai thì người khiếu nại có thể thực hiện quyền khiếu nại bằng 2 cách theo quy định tại điều 8 Luật khiếu nại 2011.

- Cách thức 1: làm đơn khiếu nại về đất đai hay đơn kiến nghị về đất đai gửi đến nơi có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Cách viết đơn khiếu nại về đất đai (bao gồm đơn khiếu nại quyết định hành và khiếu nại hành vi hành chính) phải có rõ các nội dung sau:

  • Ngày, tháng, năm khiếu nại
  • Tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
  • Nội dung đơn khiếu nại đất đai như: khiếu nại tranh chấp đất đai, khiếu nại đất khai hoang...
  • Liệt kê các tài liệu căn cứ khiếu nại về đất đai
  • Có ký tên hoặc điểm chỉ của khiếu nại đất đai

- Cách thức 2: Đến cơ quan có thẩm quyền khiếu nại trực tiếp.

Trong trường hợp khiếu nại đất đai trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại sẽ hướng dẫn người khiếu nại khiếu nại về đất đai hoặc người tiếp nhận ghi lại nội dung trình bày khiếu nại của người khiếu nại bằng văn bản và sau khi tiếp nhận người khiếu nại đọc lại nội dung hoặc được đọc lại nội dung rồi ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản ghi nội dung khiếu nại đất đai đó.

Tuy nhiên, thường để có căn cứ tính thời hạn giải quyết khiếu nại, nêu rõ vấn đề thì nên làm đơn khiếu nại đất đai.

Cách viết đơn khiếu nại đất đai theo đúng quy định

Quy định khiếu kiện đất đai trong lĩnh vực hành chính

Khiếu kiện đất đai hay khởi kiện hành chính về đất đai là cách thức người khởi kiện không đồng ý với các quyết định giải quyết quyết khiếu nại đất đai lần 1 hoặc lần 2 hoặc quá hạn hoặc không thông qua giải quyết khiếu nại mà thực hiện việc giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án.

Đối tượng khởi kiện hành chính về đất đai

Theo quy định đối tượng khởi kiện hành chính về đất đai được quy định tại điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2016 và Điều 22 Luật Đất đai 2013 như sau:

  • Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
  • Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.
  • Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Quản lý tài chính về đất đai và giá đất.
  • Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
  • Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
  • Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai.
  • Các hoạt động quản lý đất đai khác có ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính cá biệt.

Hồ sơ khởi kiện quyết định hành chính về đất đai

Hồ sơ khởi kiện hành chính về đất đai

Hồ sơ khởi kiện hành chính về đất đai được thực hiện theo quy định tại điều 118 Luật tố tụng hành chính 2016 hiện hành bao gồm:

- Đơn khởi kiện hành chính về đất đai với nội dung đầy đủ theo Điều 118 Luật tố tụng hành chính.

- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện

- Bản sao quyết định hành chính về đất đai

  • Nếu vụ việc đã từng được giải quyết khiếu nại mà không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu này thì người có đơn khởi kiện cần nộp:
  • Đơn khiếu nại hành chính về đất đai hoặc quyết định, thông báo, kết luận về giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai (nếu có),…
  • Cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu trong hồ sơ giải quyết khiếu nại hành chính đó

- Giấy ủy quyền tham gia tố tụng (nếu có);

- Bản sao hộ khẩu, giấy chứng minh thư nhân dân (có chứng thực)

- Nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm nếu không thuộc trường hợp được miễn.

Đồng thời, nếu người khởi kiện vừa có đơn khởi kiện hành chính về đất đai tại toàn và vừa có đơn khiếu nại đất đai đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Tòa án sẽ cần phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn một trong 2 cách thức giải quyết tranh chấp đất đai và có văn bản thông báo cho Tòa án.

Nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm về đất đai

Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm trong thời hạn 07 ngày tính từ ngày nhận được thông báo của toà án về việc nộp tạm ứng án phí khởi kiện hành chính về đất đai trừ những người sau đây được miễn nộp án phí hành chính về đất đai:

  • Người khởi kiện vụ án hành chính về đất đai là thương binh; bố, mẹ liệt sỹ; người có công với cách mạng;
  • Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ;

Thời hiệu khởi kiện hành chính về đất đai

Quy định tại Điều 104, Luật Tố tụng Hành chính 2016 thì thời hiệu khởi kiện hành chính, quyết định hành chính về đất đai là 1 năm tính từ khi biết được hành vi hành chính về đất đai, nhận được quyết định hành chính về đất đai trừ các trường hợp bất khả kháng được trừ vào thời gian tính thời hiệu khởi kiện theo quy định.

Thời hạn giải quyết khởi kiện hành chính về đất đai

Đối với các vụ án hành chính về đất đai thì thời hạn giải quyết tranh chấp (mở phiên tòa sơ thẩm) là từ 4 đến 6 tháng tính từ thời điểm thụ lý vụ án (nộp đơn khởi kiện hành chính đất đai và các chứng cứ chứng minh quyền khởi kiện).

Khởi kiện tranh chấp đất đai trong lĩnh vực dân sự

Giải quyết tranh chấp đất đai sẽ có trong lĩnh vực dân sự và hành chính. Phụ thuộc vào nội dung tranh chấp, khởi kiện mà sẽ do tòa án dân sự hay hành chính giải quyết.

Căn cứ pháp lý khởi kiện tranh chấp đất đai

Hiện nay các quy định điều chỉnh giải quyết tranh chấp đất đai được thể hiện tại các văn bản pháp luật đó là:

  • Luật Đất đai năm 2013
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP

Hình thức giải quyết tranh chấp đất đai trong dân sự

- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ tương đương thì Người khởi kiện nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân Huyện nơi có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ án.

- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ tương đương thì lựa chọn hai hình thức sau:

  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm để yêu cầu giải quyết sơ thẩm.

Điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai trong dân sự

- Các chủ thể khởi kiện là cá nhân, tổ chức đại diện hợp pháp của tổ chức cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự và có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến quyền sử dụng đất của mình bị xâm hại hoặc Cơ quan quản lý đất đai có thể bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước trong lĩnh vực đất đai.

- Việc khởi kiện tranh chấp đất đai trong dân sự phải đúng thẩm quyền tòa án

- Vụ việc tranh chấp phải còn thời hiệu khởi kiện.

- Vụ việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay có hiệu lực pháp luật.

- Vụ việc đã được tiến hành hòa giải tại cơ sở nhưng không thành: Trước khi nộp đơn khởi kiện đất đai đến tòa án cấp có thẩm quyền nơi có đất đai tranh chấp thì người khởi kiện phải gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải.

Việc hòa giải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã và đây là một trong những điều kiện cần phải có trong hồ sơ thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp ra Tòa án).

Điều kiện khởi kiện tranh chấp đất đai theo thủ tục luật tố tụng dân sự

Thẩm quyền giải quyết khởi kiện đất đai trong dân sự

Theo quy định các tranh chấp đất đai được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết tranh vụ án dân sự của tòa bao gồm những:

  • Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai (tranh chấp xem ai là người có quyền sử dụng đất)
  • Tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất.

Thông thường các các vụ tranh chấp đất đai, đơn khởi kiện tranh chấp đất đai trong dân sự bao gồm:

  • Khởi kiện đất đai liên quan đến địa giới hành chính, tranh chấp lối đi chung...
  • Kiện tụng tranh chấp đất đai: đòi lại đất và tài sản gắn liền với đất
  • Khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai về ranh giới, phân chia tài sản khi ly hôn, thừa kế, hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển đổi, mua bán, cho thuê, góp vốn, bảo lãnh, thế chấp…) về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là tòa án nơi có bất động sản tranh chấp.

Thời hiệu nộp đơn khởi kiện tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết theo thủ tục dân sự sẽ có cách tính thời hiệu theo quy định Bộ luật dân sự 2015 đối với từng trường hợp cụ thể.

  • 3 năm: Khởi về hợp đồng mua bán đất đai, sang nhượng, cho thuê, gửi giữ, cầm cố, thế chấp…:
  • 3 năm: Khởi kiện bồi thường thiệt hại về đất đai
  • 30 năm: Khởi kiện về thừa kế đối với yêu cầu chia di sản là bất động sản (căn hộ, nhà đất)
  • 10 năm: Khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
  • Không áp dụng thời hạn: khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn.

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai trong dân sự

- Nộp hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai đến tòa án có thẩm quyền. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai sẽ phụ thuộc vào nội dung của từng vụ án tranh chấp đất đai mà sẽ có các loại giấy tờ tài liệu khác nhau nhưng sẽ thường có:

  • Đơn khởi kiện tranh chấp đất đai
  • Giấy tờ chứng thực cá nhân của người khởi kiện
  • Biên bản hòa giải tại UBND xã .
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà;
  • Các giấy tờ xác nhận quyền sử dụng đất, chủ quyền nhà (trong trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất);
  • Các giấy tờ liên quan tới giao dịch đất đai, nhà ở có tranh chấp: Giấy tờ cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ, mua bán… hoặc các giấy tờ tài liệu thể hiện có quan hệ này;

Sau khi kiểm tra nhận đơn và có thông báo và nộp tạm ứng án phí thì được xem hồ sơ khởi kiện đã được thụ lý và theo thời hạn quy định sẽ có mở phiên tòa sơ thẩm.

Nếu kết quả xét xử giải quyết tranh chấp đất đai tại phiên tòa sơ thẩm không được chấp thuận toàn bộ hoặc 1 phẩm nội dung bản án thì các bên đương sự có quyền nộp đơn kháng cáo trong thời hạn 15 kể từ ngày vụ án có tuyên án sơ thẩm.

Đối với những vị án tranh chấp về đất đai nên tham khảo các tư vấn hoặc hỗ trợ của các luật sư tranh tụng đất đai để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mình do những vụ án giải quyết tranh chấp đất đai rất phức tạp.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về pháp luật giải quyết tranh chấp đất đai, bao gồm các hình thức khiếu nại tố cáo về đất đai là gì, cũng như khiếu kiện hành chính về đất đai và khởi kiện tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng dân sự. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu được quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích khi bị xâm phạm, giúp giải quyết vụ việc nhanh chóng hơn.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm