Quy định về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 9-10-2020, 08:57 | Kiến thức

Theo các cơ quan chức năng, khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng vi phạm quy định sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Tại nhiều nơi, người dân công khai xây dựng nhà ở, nhà xưởng, trang trại… trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp và có chiều hướng có diễn biến ngày càng phức tạp. Nếu như ở các tỉnh đồng bằng, người dân đổ đất lấp ruộng, ao, hồ… rồi phân lô, bán nền, thì ở miền núi, họ xẻ núi, bạt đồi, phá rừng lấy đất làm nhà, trang trại.

Tuy có sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều cơ quan Nhà nước nhưng những vụ vi phạm này chưa được xử lý dứt điểm và khiến dư luận bức xúc. Cuối năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2019/NĐ – CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai mà nội dung chủ yếu là tăng các hình thức chế tài trong hoạt động xây dựng trên đất nông nghiệp trái phép.


Quy định về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp là gì?

Theo khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau:


Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
Đất trồng cây lâu năm.
Đất rừng sản xuất.
Đất rừng phòng hộ.
Đất rừng đặc dụng.
Đất nuôi trồng thủy sản.
Đất làm muối.

Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Nguyên tắc sử dụng đất nói chung

Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc sử dụng đất “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”. Theo đó việc xây dựng công trình trên nhóm đất nông nghiệp được xem là hành vi dịch chuyển sang nhóm đất phi nông nghiệp trái phép và là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về quản lý, sử dụng đất; đồng nghĩa chủ sử dụng đất (tổ chức, cá nhân) sai phạm sẽ bị áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nhằm hoàn trả hiện trạng ban đầu đúng với mục đích sử dụng đất được cấp.

 TP Hải Phòng, vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp xảy ra ở nhiều quận, huyện. Năm 2019, ở địa phương này có 6.194 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Điển hình là: Quận Đồ Sơn có 252 trường hợp, huyện Thủy Nguyên có 860 trường hợp, quận Hải An có 956 trường hợp, quận Lê Chân có 1.217 trường hợp, huyện An Lão có 948 trường hợp… Trong đó toàn thành phố mới xử lý được 1.236 trường hợp vi phạm.

Ở Hà Nội, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây bị các đơn vị, cá nhân chiếm dụng và xây dựng các công trình trái phép là một ví dụ. Theo phản ảnh của người dân địa phương, tại thôn Ba (thôn Trung Tâm), thôn Đông A, thôn Khoang Sau, thôn Cao Sơn… không ít hộ dân ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; điển hình là cụm công trình, gồm: Sân bóng đá nhân tạo 1.500m²; nhà dựng khung sắt thép, lợp mái tôn có diện tích 63m²; bể chứa 34,75m² và hồ bơi 129,36m² của hộ ông Đào Quốc Trí đã xây dựng và tồn tại từ nhiều năm qua mà chưa bị các cơ quan chức năng xử lý.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp cũng đáng báo động. Tại các quận: 9, Thủ Đức và các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… tình trạng ngang nhiên phân lô đất nông nghiệp, xây nhà, rồi chuyển nhượng trái phép diễn ra công khai. Mặc dù UBND các địa phương nêu trên đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa “hạ nhiệt”. Ví dụ, ở những khu vực vùng ven như các xã: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi), xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), các phường: Phú Hữu, Phước Long B (quận 9) và phường Linh Trung, Tam Phú (quận Thủ Đức)… hàng chục công trình vi phạm xảy ra.

Phạt ra sao, chế tài thế nào khi xây dựng trên đất nông nghiệp?

Theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì tùy vào từng loại đất nông nghiệp cụ thể và diện tích bị chuyển sang nhóm đất phi nông nghiệp trái phép mà chủ sử dụng đất (cá nhân, tổ chức) sẽ bị phạt tiền với các mức phạt khác nhau, đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (phải phá dỡ công trình xây dựng) cũng như phải nộp lại số lợi ích có được do hành vi vi phạm, cụ thể theo các nội dung sau:

Lưu ý: Mức phạt trên đây áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân (mức phạt đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt đối với cá nhân khi có cùng hành vi vi phạm). Việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp sẽ bị phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài việc bị phá dỡ thì người vi phạm còn bị phạt tiền. Chủ sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất sang nhóm đất phi nông nghiệp được phép xây dựng để đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Diện tích chuyển trái phép Mức phạt Biện pháp khắc phục hậu quả
Nông thôn Đô thị
I Chuyển từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp
1 Dưới 0,01 héc ta Từ 03 – 05 triệu đồng Phạt gấp đôi (bằng 02 lần mức phạt đối với khu vực nông thôn) – Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp buộc đăng ký đất đai nếu đủ điều kiện.

– Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2 Từ 0,01 đến dưới 0,02 héc ta Từ 05 – 10 triệu đồng
3 Từ 0,02 đến dưới 0,05 héc ta Từ 10 – 15 triệu đồng
4 Từ 0,05 đến dưới 0,1 héc ta Từ 15 – 30 triệu đồng
5 Từ 0,1 đến dưới 0,5 héc ta Từ 30 – 50 triệu đồng
6 Từ 0,5 đến dưới 01 héc ta Từ 50 – 80 triệu đồng
7 Từ 01 đến dưới 03 héc ta Từ 80 – 120 triệu đồng
8 Từ 03 héc ta trở lên Từ 120 – 250 triệu đồng
II Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp
1 Dưới 0,02 héc ta Từ 03 – 05 triệu đồng – Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp buộc đăng ký đất đai nếu đủ điều kiện.

– Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2 Từ 0,02 đến dưới 0,05 héc ta Từ 05 – 10 triệu đồng
3 Từ 0,05 đến dưới 0,1 héc ta Từ 10 – 15 triệu đồng
4 Từ 0,1 đến dưới 0,5 héc ta Từ 15 – 30 triệu đồng
5 Từ 0,5 đến dưới 01 héc ta Từ 30 – 50 triệu đồng
6 Từ 01 đến dưới 05 héc ta Từ 50 – 100 triệu đồng
7 Từ 05 héc ta trở lên Từ 100 – 250 triệu đồng
III Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp
1 Dưới 0,02 héc ta Từ 03 – 05 triệu đồng Phạt gấp đôi (bằng 02 lần mức phạt đối với khu vực nông thôn) – Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp buộc đăng ký đất đai nếu đủ điều kiện.

– Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

2 Từ 0,02 đến dưới 0,05 héc ta Từ 05 – 08 triệu đồng
3 Từ 0,05 đến dưới 0,1 héc ta Từ 08 – 15 triệu đồng
4 Từ 0,1 đến dưới 0,5 héc ta Từ 15 – 30 triệu đồng
5 Từ 0,5 đến dưới 01 héc ta Từ 30 – 50 triệu đồng
6 Từ 01 đến dưới 03 héc ta Từ 50 – 100 triệu đồng
7 Từ 03 héc ta trở lên Từ 100 – 200 triệu đồng

Việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp sẽ bị phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài việc bị phá dỡ thì người vi phạm còn bị phạt tiền. Chủ sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất sang nhóm đất phi nông nghiệp được phép xây dựng để đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm