5 cách kiểm tra NHÀ THẾ CHẤP ngân hàng để hạn chế tối đa rủi ro

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 18-11-2020, 06:38 | Kiến thức

5 cách kiểm tra NHÀ THẾ CHẤP ngân hàng: Kiểm tra thông tin người bán

Sau một quá trình tìm kiếm trên thị trường hoặc trên Internet, bạn đã tìm được cho mình một ngôi nhà ưng ý và có ý định đến xem nhà. Trong quá trình này, bạn cần kiểm tra kỹ càng ngôi nhà đó có gặp những vấn đề bất lợi như nhà đang thế chấp ngân hàng, đang bị tranh chấp hoặc một số tình huống khác.


5 cách kiểm tra NHÀ THẾ CHẤP ngân hàng để hạn chế tối đa rủi ro

Mua nhà thế chấp, lợi nhiều rủi ro cũng nhiều

Bạn nên tìm cách để tìm hiểu một số thông tin về người bán như:

  • Người bán nhà đất có đang vướng nợ nần và cần phải thế chấp tài sản để trả nợ hay không?

  • Người bán nhà đất có "dính" vào các giao dịch vay nóng, lãi cao nào hay không?

  • Người bán nhà đất có thành thật tất cả các thông tin về pháp lý, chất lượng căn nhà,...với bạn hay không?

  • Người bán có lảng tránh các vấn đề liên quan tới tranh chấp hay thế chấp hay không?

  • Cùng một số câu hỏi cần thiết khác.

Thông thường những thông tin trên bạn sẽ tìm hiểu được thông qua việc tiếp xúc, điều tra thị trường xung quanh như tìm hiểu từ hàng xóm, môi giới,...

Tuy nhiên cách tốt nhất để tránh việc mua bán nhà đang bị thế chấp, người mua nên tham khảo thông tin và liên hệ cơ sở mua bán nhà đất uy tín. Nếu không phải là mua bán từ chỗ thân quen thì bạn nên chọn các cơ sở môi giới có giấy tờ hoạt động hợp pháp, làm việc minh bạch, chuyên nghiệp và được nhiều khách hàng tin tưởng.

5 cách kiểm tra NHÀ THẾ CHẤP ngân hàng: Kiểm tra thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khi bất động sản được thế chấp tại ngân hàng, ngân hàng sẽ ghi rõ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đính kèm một tờ giấy riêng (đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai). Các thông tin này được thể hiện ở mặt số 3 hoặc số 4 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong trường hợp người bán cố tình giấu thông tin về việc bất động sản đang bị thế chấp, có thể họ chỉ cho bạn xem bản photo hoặc sẽ gỡ tờ giấy chứng nhận thế chấp ra.

Quan sát kỹ bạn sẽ thấy ở 1 góc nào đó của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có 1 nửa dấu giáp lai hoặc dấu của ghim bấm, bạn cần lưu ý các điểm này.

5 cách kiểm tra NHÀ THẾ CHẤP ngân hàng: Kiểm tra thông tin tại văn phòng công chứng

Cách làm này khá đơn giản, bạn chỉ cần yêu cầu người bán cung cấp bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (sổ đỏ/ sổ hồng), sau đó bạn đem lên văn phòng công chứng để nhờ các nhân viên tra cứu thông tin xem nhà đất đó có đang bị thế chấp hay không.


Công chứng là cách để đảm bảo an toàn cho một giao dịch mua bán nhà đất

Lưu ý, bạn có thể sẽ mất một khoản phí nhỏ cho việc kiểm tra trên tùy thuộc vào mỗi văn phòng công chứng.

Tuy nhiên, dù bạn có xác định được rằng đó là nhà đất đang thế chấp thì bạn vẫn được phép tiến hành mua bán nếu được ngân hàng thế chấp cho phép. Để an toàn, bạn nên mang tất cả những giấy tờ liên quan đến việc mua bán nhà đất ra phòng công chứng, nơi sẽ làm hợp đồng mua bán để được kiểm tra và tư vấn những rủi ro tiềm ẩn.

Sau khi các thủ tục, hồ sơ được làm xong bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn và xuống tiền rồi sở hữu nhà trong thời gian gần nhất.

5 cách kiểm tra NHÀ THẾ CHẤP ngân hàng: Kiểm tra thông tin tại cơ quan có thẩm quyền

Bạn có thể kiểm tra nhà đất thế chấp ngân hàng thông qua Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có nhà, đất đó. Tuy nhiên cách này chỉ thực hiện được khi người bán thế chấp nhà đất cho ngân hàng, còn việc người bán thế chấp nhà đất cho cá nhân hoặc các tổ chức vay nóng sẽ không kiểm tra được thông tin thế chấp.

Thông thường khi làm thủ tục thế chấp ngân hàng thì người thế chấp cần phải tiến hành các thủ tục và phải thông qua các cơ quan có thẩm quyền. Sau mỗi một khâu trong quy trình thì thông tin thế chấp sẽ được lưu lại. Vì vậy việc kiểm tra thông tin nhà đất thế chấp tại các cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn chính xác và an toàn.

5 cách kiểm tra NHÀ THẾ CHẤP ngân hàng: Hợp đồng đặt cọc

Thông thường, khoản tiền đặt cọc sẽ không vượt quá 10% giá trị mua bán, đồng thời trong hợp đồng đặt cọc phải nêu đầy đủ các thông tin như: Thời gian và địa điểm đặt cọc, thông tin các bên tham gia giao dịch, hình thức thanh toán, xử lý tiền đặt cọc khi phát hiện hành vi vi phạm hợp đồng…


Trường hợp bên bán công khai hoặc người mua phát hiện ra rằng nhà đất định mua đang thế chấp, bạn cần lập biên bản cam kết 3 bên gồm bạn (người mua) – người bán (bên thế chấp) – ngân hàng (bên nhận thế chấp). Nội dung biên bản sẽ liên quan đến việc thanh toán tiền mua giữa bên bán với bên mua và thanh toán tiền nợ giữa bên bán với ngân hàng. Văn bản này sẽ giúp ràng buộc quyền, nghĩa vụ của cả 3 bên trong việc thanh toán tiền, xử lý vi phạm hợp đồng cũng như xử lý tài sản là căn nhà thế chấp.

Thủ tục tiến hành mua nhà đang thế chấp ngân hàng

Để có thể tiến hành mua nhà đang thế chấp ngân hàng thì cần có sự xuất hiện của 3 bên gồm người bán, người mua và đại diện ngân hàng thế chấp. Sau đó 3 bên sẽ thương lượng và đưa ra một bản hợp đồng mua bán có giá trị ràng buộc giữa 3 bên. Khi lập hợp đồng, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, người mua cần đọc kỹ biên bản, các điều khoản thỏa thuận phải cụ thể, rõ ràng, ghi rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, các trường hợp phát sinh khác.

Sau đó, các bên tiến hành theo các bước sau:

  • Bước 1: Bên mua tài sản thế chấp nộp tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng đó và yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản.

  • Bước 2: Các bên gồm bên thế chấp, bên nhận thế chấp (ngân hàng), bên thứ ba nhận mua tài sản thế chấp sẽ cùng ký với nhau Biên bản thỏa thuận ba bên. Ngân hàng chỉ được quyền mở phong tỏa tài khoản ngân hàng khi các thủ tục chuyển nhượng được hoàn tất.

  • Bên thế chấp tiến hành xóa đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sau khi đã có Biên bản thỏa thuận ba bên.

Trong quá trình mua bán nhà thế chấp ngân hàng cũng sẽ xảy ra một số trường hợp như số tiền bán nhà nhiều hơn số tiền nợ, người bán không muốn tiền mà muốn một tài sản khác thay thế để đảm bảo,...Tùy trường hợp mà các bên sẽ tiến hành thương lượng nhưng điều quan trọng nhất đó là đảm bảo các điều khoản thương lượng phải làm thành văn bản và được công chứng.

Để chắc chắn hơn, bạn nên tìm đến những luật sư, chuyên gia hoặc những đơn vị môi giới có uy tín và kinh nghiệm để làm người tư vấn và hạn chế tối đa rủi ro.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm