Cần lưu ý những gì khi góp tiền mua nhà cùng người khác?

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 18-01-2021, 03:40 | Kiến thức

Nhiều người góp tiền mua nhà, ai sẽ là người đứng tên chính trên giấy tờ nhà?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai thì: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.


Như vậy, pháp luật có ghi nhận trường hợp sở hữu chung đối với tài sản là đất đai, nhà ở. Bạn hoàn toàn có quyền đứng tên chung hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và sau đó cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.


Tuy nhiên, khi cùng nhau sở hữu căn hộ chung cư, mọi việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt căn hộ đều phải được sự đồng ý của cả 2 người. Nếu không thể thống nhất được, 2 người bắt buộc phải khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết, phân chia tài sản này. Đây là điều bạn cần lưu ý khi sở hữu tài sản dưới hình thức này. 


Cần cân nhắc cẩn trọng khi hùn tiền mua nhà cùng người thân, bạn bè

Rắc rối phổ biến khi góp tiền mua nhà là gì?

Để bạn hiểu rõ hơn về vấn đề rắc rối khi góp tiền mua nhà chung với người thân, chúng tôi sẽ lấy trường hợp sau ra làm ví dụ minh họa. Câu chuyện như sau:


Năm 2014, vợ chồng tôi, vợ chồng anh trai và bố mẹ tôi góp tiền mua chung một ngôi nhà có diện tích đất 52m2, xây một trệt, ba lầu trong một con hẻm xe hơi quận Tân Phú, giá 2,3 tỷ. Vợ chồng tôi và vợ chồng anh trai cùng góp 450 triệu, còn lại là của bố mẹ tôi.


Trước đây, cả nhà tôi thuê mấy phòng trọ gần nhau tại quận Tân Bình, ở suốt mấy năm rất vui vẻ. Bố tôi làm việc ở Sài Gòn đã khoảng 20 năm, từ trước khi tôi đỗ đại học. Sau này, khi tôi và anh hai xin được việc ở đây thì mẹ tôi cùng bé út cũng lên nốt. Đến khi tôi và anh hai cưới vợ, chúng tôi tiếp tục thuê phòng trọ gần bố mẹ ở cho vui. Năm ngoái, bố mẹ tôi được ông cậu sống ở nước ngoài cho ít tiền nên ông bà cũng bán luôn nhà dưới Vĩnh Long rồi rủ gia đình tôi và anh trai góp thêm tiền mua chung nhà tại Sài Gòn.


Lúc đó, cả tôi và anh trai đang có ý định đặt cọc mua căn hộ chung cư bình dân rộng khoảng 60m2, giá gần một tỷ ở Bình Tân. Bố tôi thì không thích ở chung cư vì không muốn có người khác sống trên đầu mình. Còn hai anh em tôi cũng muốn sống gần nhau và gần bố mẹ, thấy góp tiền mua chung nhà, vừa đỡ tốn tiền mà vẫn được ở rộng (một tầng trừ cầu thang, ban công cũng còn khoảng 45m2) nên đều đồng ý. Tuy nhiên đến bây giờ tôi cảm thấy mình đã sai lầm khi mua chung nhà.

Ngôi nhà chúng tôi mua vốn là nhà xây sẵn. Tầng trệt là phòng khách và bếp, cả nhà dùng chung. Lầu một, chia hai phòng cho bố mẹ tôi và cậu em út ở. Lầu hai cũng hai phòng là của gia đình nhà tôi gồm vợ chồng và một đứa con. Lầu ba hai phòng thuộc sở hữu của gia đình anh hai.

Từ ngày ở chung, chúng tôi chưa xảy ra mâu thuẫn gì lớn. Những bất đồng nhỏ kiểu mẹ tôi lau nhà xong, bọn con hay cháu lại đi dép bẩn vào thì trước đây vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, dù sao trước đây chúng tôi cũng có sự tự do nhất định khi các phòng trọ tách biệt nhau. Bây giờ, mẹ tôi mắng con anh hai, tôi cũng được nghe ké. Rồi ai đi đâu cũng phải qua phòng khách tầng trệt hay muốn nấu ăn thì đều phải xuống bếp chung (các gia đình ăn riêng, chỉ ăn chung vào cuối tuần).

Tôi làm công việc kế toán, thỉnh thoảng phải mang cả việc về nhà nên rất cần sự tĩnh lặng. Từ ngày về đây, tôi gần như không làm được việc ở nhà vì xung quanh quá đông người. Dù đã đóng kín cửa phòng thì tôi vẫn nghe thấy những âm thanh bên ngoài. Tôi còn đặc điểm thính ngủ nên nửa đêm chỉ cần ai mở cửa sắt dưới tầng trệt tôi đều nghe bị thức giấc. Thậm chí đôi khi gia đình anh tôi làm gì ầm ĩ trên lầu tôi cũng thấy đau đầu. Có nhà mới, bố mẹ tôi đón rất nhiều khách đến chơi. Bố tôi lại mới sắm được bộ loa đài, nên ông hay rủ rê mọi người hát hò. Nhiều khi chẳng phải cuối tuần nhưng ông và mấy người hàng xóm vẫn hát đến 10h.

Thêm nữa, tiếng là nhà mình mua (tôi cũng có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng nhiều lúc tôi có cảm giác giống như đang ở nhờ nhà bố mẹ. Bố tôi rất gia trưởng, ông nói gì là vợ con phải nghe theo. Tôi muốn thay cánh cửa sổ ở phòng của mình ông cũng can thiệp.

Đặc biệt, chung sổ đỏ nên việc gì liên quan đến giấy tờ đều rất khó khăn. Đợt vừa rồi tôi muốn mượn ngân hàng ít tiền để góp vốn cùng bạn bè đánh hàng từ Campuchia về nhưng bố và anh trai không đồng ý cho tôi mượn sổ đỏ đi thế chấp.

Bây giờ tôi bắt đầu hối hận về việc mua chung nhà. Tôi muốn có một tài sản của riêng mình để tự định đoạt nó. Tôi nói ý định muốn ra ở riêng với vợ, vợ tôi tỏ ra rất hào hứng. Lúc trước quyết định mua chung nhà tôi cũng chỉ thông báo với vợ, vợ đồng ý nhưng không hào hứng như bây giờ.

Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy việc góp tiền mua nhà cùng người thân ban đầu sẽ không xảy ra vấn đề gì, nhưng về lâu dài ít nhất cũng xảy ra những xung đột, khi nghĩ lại về quyết định góp tiền mua nhà, nhiều người có lẽ phải hối hận.


Khi cùng đứng tên giấy tờ nhà chung, mọi vấn đề như sửa chữa, cải tạo đều phải thông qua những người có tên trên giấy tờ

Vậy phải lưu ý gì khi góp tiền mua nhà cùng người thân?

Nhằm giúp bạn đọc phòng tránh rủi ro khi góp tiền mua nhà cùng người thân, chúng tôi đưa ra 9 lưu ý dưới đây:

Thứ nhất: Chỉ nên góp tiền mua nhà với những người mà bạn cho là thân nhất, chẳng hạn như: Anh/Chị/Em ruột, Ba/Mẹ, Vợ/Chồng hoặc một người bạn rất thân.

Thứ hai: Những người góp tiền chung nên có số tiền đóng góp ngang nhau, bao nhiêu người thì chia ra bấy nhiêu phần tương đương nhau. Ví dụ: Nếu bạn vay mua căn hộ 3 tỷ và có 3 người hùn tiền mua chung thì phải đảm bảo mỗi người đóng vô 1 tỷ đồng, không nên chia lẻ người đóng 1 tỷ, người đóng 1,5 tỷ và người đóng 500 triệu. Điều này có thể dẫn đến những rắc rối sau này, ví dụ người đóng ít hơn lại được sử dụng phần diện tích ngang với người đóng nhiều sẽ dễ gây ra mâu thuẫn. Xem thêm: Kinh nghiệm mua nhà đơn giản trong 8 bước.

Thứ ba: Khi lên kế hoạch góp tiền mua nhà, tất cả những ai góp vô nên để tên trên giấy tờ nhà đất, tránh một người đứng tên sổ, dễ phát sinh vấn đề khi bán nhà.

Thứ tư: Chú ý phần diện tích nhà sau khi mua. Phải lên kế hoạch phân chia cụ thể và công bằng, tránh người được ít, người được nhiều khi mà số tiền đóng góp ngang nhau.

Thứ năm: Khi muốn sửa chữa hay cải tạo lại nhà, cần phải hỏi ý kiến của tất cả những người đồng sở hữu ngôi nhà, nhất quyết không nên tự mình đưa ra quyết định.

Thứ sáu: Nếu có ý định dành phần diện tích của mình được hưởng cho mục đích thuê nhà, hãy đảm bảo việc này không làm ảnh hưởng lên những người đồng sở hữu ngôi nhà.

Thứ bảy: Hạn chế việc cầm cố sổ đỏ (giấy tờ nhà) cho mục đích vay vốn ngân hàng.

Thứ tám: Nếu về sau có ý định bán nhà, phần tiền thu về nên rõ ràng và chia ra công bằng sao cho các bên đều thỏa mãn, tránh gây sứt mẽ tình cảm bạn bè, gia đình.

Thứ chín: Nếu có điều kiện, hãy tự mình mua nhà và đứng tên duy nhất trên giấy tờ nhà, hạn chế việc góp tiền với người khác.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm