Cha mẹ có phải hỏi ý kiến của con khi bán nhà đất hay không?

| 14-11-2019, 11:07 | Kiến thức

Hỏi: Bố tôi đang rao bán ngôi nhà mà gia đình tôi đang ở. Tôi muốn hỏi khi cha mẹ bán nhà đất của gia đình thì có cần hỏi ý kiến của con cái hay không?


Trả lời:

Đối tượng sử dụng đất là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp được được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Người sử dụng đất sẽ được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (còn gọi là Sổ đỏ), trong đó hộ gia đình và cá nhân là đối tượng phổ biến nhất.

Cha mẹ có phải hỏi ý kiến của con khi bán nhà đất hay không?
Cha mẹ có phải hỏi ý kiến của con khi bán nhà đất hay không? Ảnh minh họa

Hộ gia đình sử dụng đất theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Căn cứ theo quy định trên, con cái chỉ được công nhận có chung quyền sử dụng đất với cha mẹ khi nằm trong những trường hợp dưới đây:

- Có cùng quan hệ huyết thống (con đẻ) hoặc nuôi dưỡng (con nuôi).

- Cùng chung sống tại thời điểm được cơ quan nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

- Có đóng góp, cùng cha mẹ tạo lập nên quyền sử dụng đất.

Khi đã có chung quyền sử dụng thì con cái cũng sẽ được tham gia vào các quyền lợi như chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho quyền sử dụng đất.

Hợp đồng, văn bản giao dịch mua bán quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải nhận được sự đồng ý và ký tên của những người cùng đứng tên trên Sổ đỏ hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Theo đó:

Tại khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT đã quy định, việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch nhà đất chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản (có công chứng, chứng thực) của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất.

Đồng thời, văn bản về việc đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cả các thành viên trong gia đình đã được công chứng hoặc chứng thực cần phải kẹp vào hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Theo đó, cha mẹ phải cần phải có sự đồng ý của con cái trong gia đình bằng văn bản được công chứng/ chứng thực khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với trường hợp là đất của hộ gia đình.


(Theo nguoiduatin)
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm