Cần làm gì để giảm ô nhiễm không khí trong nhà?

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 23-12-2019, 11:37 | Kiến thức

Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), mức độ ô nhiễm không khí trong nhà có thể cao gấp 8 lần so với ô nhiễm không khí ngoài trời. Tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà gây nên rất nhiều vấn đề nguy hại đối với sức khỏe bởi chúng ta dành phần lớn thời gian ở nhà. Vậy có cách nào để cải thiện không khí trong nhà?

Trên thực tế, từ 30 năm trở lại đây, con người đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà nhưng phải đến gần đây, các nhà khoa học mới lên tiếng báo động về tình trạng này bởi nó ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu. Không chỉ bởi tỷ lệ mắc bệnh, tử vong do ô nhiễm không khí gia tăng mà đa phần các ngôi nhà hiện nay đều được thiết kế kín, thiếu sự thông thoáng khiến các tác nhân gây ô nhiễm ngày càng tích tụ với nồng độ cao.

Mặt khác, ô nhiễm không khí trong nhà thường khó nhận biết và ít được chú ý. Nhiều người cho rằng, khí thải công nghiệp, khí thải giao thông là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, theo tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí trong nhà được đánh giá là vấn đề nghiêm trọng nhất bởi có tới 80% hoạt động của con người diễn ra tại nhà. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ nuôi con nhỏ thì thời gian ở trong nhà chiếm đến 90%.

Ô nhiễm không khí trong nhà gây nguy hiểm đến sức khỏe con người nhưng lại khó nhận biết và ít được chú ý.

Vậy ô nhiễm không khí trong nhà là gì?

Năm 1991, tài liệu từ Bộ Môi trường Ý đã định nghĩa ô nhiễm không khí trong nhà là sự ô nhiễm khi có sự hiện diện của các chất gây ô nhiễm có tính hóa học, vật lý và sinh học trong không khí của các môi trường bị giới hạn. Các chất này không hiện diện một cách tự nhiên với số lượng lớn trong không khí ngoài trời của hệ sinh thái.

Hiểu nôm na, ô nhiễm không khí trong nhà là sự gia tăng ở mức cao hơn bình thường của các tác nhân hóa học, vật lý, sinh học trong ngôi nhà, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Tác hại của ô nhiễm không khí trong nhà

Rõ ràng, dù là ô nhiễm không khí ngoài trời hay trong nhà thì cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Tác động ngắn hạn của ô nhiễm không khí trong nhà thường là mệt mỏi, khó thở, dị ứng, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, chóng mặt, khô và kích ứng mắt, mũi, họng, khô da đầu…

Xét về lâu về dài, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác có thể phát triển sau thời gian phơi nhiễm kéo dài hoặc lặp đi lặp lại. Những tác động tiêu cực bao gồm bệnh hô hấp, bệnh tim, ung thư, gây tử vong sớm.

  • Các bệnh hô hấp

  • Sống trong ngôi nhà có nguồn không khí ô nhiễm đồng nghĩa với việc chúng ta thường xuyên phải tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cản trở hô hấp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp mà phổ biến là viêm xoang, viêm phế quản và hen suyễn.

  • Ung thư

  • Việc tiếp xúc thường xuyên với các hợp chất độc hại như amiăng, nicotine, acrolein, formaldehyde, toluene, benzen… sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.

  • Các vấn đề tim mạch, đường tiêu hóa và thận

  • Carbon monoxide, tác nhân chính gây ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về tim mạch, gây nguy cơ tử vong. Cùng với đó, đường tiêu hóa và thận cũng chịu ảnh hưởng khi chúng ta hít phải không khí ô nhiễm ở trong nhà.

  • Các vấn đề về hệ thần kinh

  • Nếu tiếp xúc thường xuyên với formaldehyde hay chì sẽ dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến hệ thần kinh, bao gồm bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ.

  • Kích ứng da

  • Chất ô nhiễm Formaldehyde là nguyên nhân gây ra các kích ứng da, bao gồm viêm da và dị ứng.

Bất ngờ với nguyên nhân gây kích ứng da do ô nhiễm không khí.
  • Viêm phổi tăng cảm

  • Việc thường xuyên tiếp xúc với nấm mốc, bụi bẩn trong nhà làm phát sinh tình trạng viêm phổi tăng cảm, gây khó thở cùng nhiều triệu chứng giống như cúm.

  • Giảm khả năng sinh sản

  • Nicotine, amiăng, phthalates… tồn tại trong không khí ô nhiễm có thể làm giảm chất lượng tinh trùng, suy giảm nồng độ testosterone và dẫn tới sự phát triển không bình thường của các cơ quan sinh dục.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà

Theo các chuyên gia sức khỏe, có 11 nguyên nhân phổ biến gây ô nhiễm không khí trong nhà ở phần lớn các hộ gia đình hiện nay:

  • Sự phát triển của nấm mốc

  • Các bào tử nấm mốc là nguyên nhân chủ yếu làm giảm chất lượng không khí trong nhà, đặc biệt trong điều kiện thời tiết ẩm ướt. Chúng thường hình thành ở kệ bếp, tường nhà, quần áo, thảm…

  • Sơn tường

  • Đa phần các loại sơn tường thông thường đều có chứa chì. Mặt khác, nhiều loại sơn còn chứa các hợp chất dễ bay hơi gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.

  • Do hoạt động đun nấu thường ngày

  • Nhiều người dân ở vùng nông thôn vẫn giữ thói quen đun nấu bằng rơm, củi, lá cây và than. Trong khi người dân ở thành phố thường đun nấu bằng bếp điện, dầu hỏa, than, gas. Đun nấu bằng dầu hỏa và than thải ra lượng chất gây ô nhiễm không khí đáng kể, là nguồn gây ô nhiễm chính ở trong nhà. Bếp gas gây ô nhiễm ít hơn so với dùng than, dầu nhưng vẫn phát thải ra khí carbon monoxide và carbon dioxide.

  • Sơn, vecni trên đồ nội thất, đồ gia dụng

  • Nhiều đồ nội thất, đồ gia dụng bằng gỗ, tre, mây, cói… được phủ vecni, sơn nhằm gia tăng tuổi thọ và tính thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong thành phần của vecni thường chứa chì, thủy ngân, bột sắt công nghiệp… đều là những chất gây nguy hại cho sức khỏe.

Cần làm gì để giảm ô nhiễm không khí trong nhà?
Ẩn trong những món nội thất được sơn màu ấn tượng là những tác hại khôn lường đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Thảm trải sàn, thảm chùi chân

Là vật dụng rất phổ biến nhưng thảm trải sàn, thảm chùi chân cũng là nơi cư ngụ của rất nhiều vi sinh vật gây hại như ve, bọ, rận, mạt bụi – những tác nhân gây bệnh ngoài da và bệnh hen suyễn.

Bên cạnh đó, nhiều loại thảm làm bằng chất liệu nhân tạo có chứa hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như benzen, formaldehyde, toluene.

Hương thơm nhân tạo

Phần lớn các sản phẩm xịt phòng, sáp thơm, khử mùi hiện nay đều có glycol ether gốc ethylene và phthalates trong thành phần. Đây là những chất gây ra các vấn đề về thần kinh, cản trở sự tiết hormone trong cơ thể và rối loạn nội tiết ở trẻ sơ sinh.

Chưa kể, nhiều gia đình có thói quen để băng phiến trong bếp, tủ quần áo để khử mùi và đuổi gián mà không ý thức được rằng băng phiến có chứa naphthalene, một hợp chất dạng khí gây ung thư.

Hóa chất tẩy rửa

Hầu hết các sản phẩm tẩy rửa đều có chứa hợp chất dễ bay hơi như aerosol gây các vấn đề về hô hấp. Thậm chí, một số dung dịch tẩy trắng có chứa chlorine trong thành phần, đây là chất có nguy cơ tạo thành khí clo có thể gây tử vong.

Đốt nến

Nguyên liệu để sản xuất nến chủ yếu là paraffin, một phụ phẩm của dầu mỏ, được làm trắng bằng thuốc tẩy. Khi được đốt cháy, nến giải phóng ra toluen và benzen rất độc hại. Để tạo hương thơm, tạo màu cho nến, nhiều nhà sản xuất còn cho thêm thuốc nhuộm nhân tạo, thường có chứa acrolein gây ung thư phổi.

Khói thuốc lá

Hút thuốc lá khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khói thuốc có thể ám vào quần áo, thảm, rèm cửa, sofa… làm giảm chất lượng không khí. Hơn nữa, nicotin có trong khói thuốc vốn là hợp chất gây ung thư nổi tiếng.

Hóa mỹ phẩm

Việc sử dụng các sản phẩm sơn móng tay, keo xịt tóc… sẽ giải phóng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi vào không khí trong nhà.

Thú cưng

Nghe có vẻ hơi nực cười nhưng mèo, chó, chim và các loài bò sát… cũng là các nguồn gây ô nhiễm đáng kể. Lông, phấn, vảy da và ký sinh trùng… trên cơ thể vật nuôi là nguồn cơn phổ biến gây dị ứng cho người.

Cần làm gì để giảm ô nhiễm không khí trong nhà?

Bằng cách thực hiện những việc làm khoa học sau, bạn có thể kiểm soát đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà.

Thường xuyên dọn dẹp, hút bụi và lau nhà

Sạch sẽ là một trong những yêu cầu quan trọng để cải thiện bầu không khí trong nhà. Việc vệ sinh, hút bụi, lau chùi sàn nhà và đồ đạc nên được tiến hành ít nhất 2 lần mỗi tuần nhằm hạn chế bụi bẩn tích tụ trên các bề mặt và nhiều yếu tố gây ô nhiễm khác. Các chuyên gia cũng khuyến nghị nên hút bụi thảm trải sàn, thảm chùi chân hàng tuần.



Hút bụi đều đặn 1-2 lần mỗi tuần là một trong những cách làm giảm ô nhiễm không khí trong nhà thiết thực.

Sử dụng máy hút mùi khi nấu ăn

Không phải ai cũng nhận ra nhưng nấu ăn có thể là nguyên nhân làm không khí trong nhà bị ô nhiễm đáng kể. Những chất ô nhiễm này có thể do thực phẩm, chất béo, dầu ăn bị đốt cháy ở nhiệt độ cao.

Bật máy hút mùi mỗi khi nấu ăn để loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong quá trình nấu ăn.

Sử dụng quạt hút mùi, quạt thông gió góp phần giảm tình trạng này. Tùy vào công suất, kiểu dáng mà máy hút mùi có thể loại bỏ từ 10-100% các chất gây ô nhiễm liên quan đến quá trình nấu nướng.

Ngoài ra, việc sử dụng than đá, than củi để nấu nướng, sưởi ấm làm sản sinh khói, muội than gây ô nhiễm không khí trong nhà. Bạn có thể chuyển sang sử dụng bếp điện để giảm thiểu ô nhiễm cho ngôi nhà.

Ngôi nhà không khói thuốc

Tuyệt đối không cho phép bất cứ ai hút thuốc hay sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine trong nhà. Khói thuốc lá có thể tồn tại trong nhà hơn 2 giờ sau khi hút xong và gần như rất khó để xua hết đi được ngay lập tức. Nếu không may phải chung sống với người hút thuốc lá, hãy yêu cầu họ hút thuốc ở bên ngoài nhà. Cách tốt nhất là động viên người thân bỏ thuốc ngay hôm nay vì sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Xây dựng ngôi nhà không khói thuốc, tạo nên môi trường sống lành mạnh.

Chú trọng thông gió

Mở cửa lớn, cửa sổ vào những ngày không khí trong lành để không khí được lưu thông. Điều này cũng giúp đẩy các chất ô nhiễm trong nhà ra ngoài, đồng thời làm cho ngôi nhà đón nhận được ánh mặt trời nhiều hơn. Tuy nhiên, nên hạn chế mở cửa ra vào, cửa sổ vào thời điểm không khí bên ngoài ô nhiễm nặng, nhất là khi nhà bạn ở gần đường lớn, gần các khu vực ô nhiễm.

Nếu hệ thống thông gió đã cũ kỹ, bám bẩn, hãy thay mới (nếu có thể) hoặc vệ sinh, bảo dưỡng để đảm bảo các thiết bị luôn hoạt động trong điều kiện tốt nhất.

Sử dụng kết hợp thông gió tự nhiên và thông gió nhân tạo.

Sử dụng máy lọc không khí

Ngoài ra, nếu có điều kiện, đừng ngại ngần trang bị cho ngôi nhà một chiếc máy lọc không khí. Thiết bị này giúp loại bỏ chất gây ô nhiễm không khí trong nhà và mang lại nguồn không khí sạch, giàu oxy. Nên nhớ, máy lọc không khí chỉ hoạt động tốt khi được vệ sinh, thay màng lọc định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Sử dụng máy lọc không khí giúp loại bỏ chất gây ô nhiễm trong nhà.

Để giày dép bên ngoài

Giày, dép đi từ bên ngoài mang theo bụi bẩn, các chất gây ô nhiễm vào trong nhà. Do vậy, hãy chắc rằng, bạn đã làm sạch giày dép trước khi mang chúng vào nhà. Cách tốt nhất là nên đặt tủ giày ngoài sân thay vì để trong phòng khách hay phòng ngủ.

Giày dép nên được để bên ngoài phòng khách hay phòng ngủ.

Sử dụng thảm chùi chân

Nếu buộc phải mang giày, dép vào nhà, bạn cần đảm bảo giũ sạch đất, cát, bụi bẩn trên giày, dép với thảm chùi chân. Đặt một tấm thảm ngay trước cửa ra vào để ngăn đất, cát, các chất gây ô nhiễm hay nước bẩn từ bên ngoài xâm nhập vào nhà. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ, nếu được đặt đúng chỗ và bảo trì đúng cách, thảm chùi chân có thể giữ lại 85% bụi bẩn xâm nhập vào nhà.

Một tấm thảm chùi chân đặt ngay lối vào có thể ngăn cản tới 85% bụi, đất vào nhà thông qua giày, dép.

Tuy nhiên, khi mua thảm, cần chắc chắn rằng những tấm thảm bạn chọn được nhuộm bằng màu tự nhiên để đảm bảo an toàn. Nên tránh chọn những tấm thảm có màu quá đậm vì chúng thường được nhuộm khá nhiều màu.

Kiểm soát nấm mốc thông quá độ ẩm

Nếu có máy tạo độ ẩm, chỉ nên điều chỉnh độ ẩm trong nhà ở mức 40-50% nhằm hạn chế sự phát triển của nấm mốc.

Bếp và phòng tắm là những nơi có độ ẩm cao nhất trong nhà, tạo môi trường thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển. Vì thế, cần giữ cho những khu vực này luôn khô thoáng. Nếu phát hiện vòi nước bị rò rỉ, cần sửa hoặc thay mới ngay để khu vực này không gây ra tình trạng ẩm ướt.

Máy hút ẩm làm giảm độ ẩm trong nhà vào những ngày nồm.

Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy lựa chọn các loại điều hòa được tích hợp công nghệ tạo ion diệt khuẩn, giải phóng ion hydro và oxy hoạt tính.

Lựa chọn sơn, nội thất thông minh

Trong lần dọn nhà đón Tết tới đây, nếu có dự định sơn lại nhà, bạn nên chọn mua sơn không chì với hàm lượng hợp chất dễ bay hơi thấp (ghi nhãn Low-VOC) để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, hãy lựa chọn nội thất làm bằng gỗ tự nhiên, được hoàn thiện với công nghệ xử lý bề mặt (sơn, phủ vecni) an toàn.

Nội thất làm bằng gỗ tự nhiên sẽ an toàn hơn, chỉ có nhược điểm là giá thành khá cao.

Chăm sóc thú cưng kỹ càng

Như đã đề cập ở trên, lông, tế bào da chết và ký sinh trùng trên động vật là thủ phạm phổ biến gây ô nhiễm không khí trong nhà. Thường xuyên cắt tỉa lông và tắm rửa cho thú cưng sẽ giúp giảm đáng kể các tác nhân gây dị ứng có trên vật nuôi. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn không cho vật nuôi vào phòng ăn và phòng ngủ.

Tắm rửa cho thú cưng thường xuyên để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng.

Hạn chế sử dụng các sản phẩm có hương liệu hóa học

Cần hạn chế dùng các chất tẩy rửa, nhang, chất tạo mùi thơm, tinh dầu, chất diệt/xua đuổi côn trùng vì chúng có thể giải phóng ra các hợp chất dễ bay hơi gây ô nhiễm nặng nề cho bầu không khí trong nhà. Thay vào đó, nên chuyển sang sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hữu cơ, sản phẩm diệt côn trùng, tạo hương thơm có nguồn gốc tự nhiên.

Hạn chế sử dụng các sản phẩm có hương liệu hóa học.

Việc sử dụng nước hoa, sơn móng tay, tẩy sơn móng tay, keo xịt tóc nên được thực hiện ở gần cửa sổ hay trong phòng thoáng khí.

Giặt chăn, ga, vỏ gối thường xuyên

Mỗi khi từ bên ngoài trở về nhà, chúng ta mang theo hàng tấn bụi bẩn, chất gây dị ứng bám trên quần áo, tóc và cơ thể vào nhà. Với những gia đình có thú cưng thì lượng chất bẩn còn tăng lên gấp đôi. Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng nên giặt chăn, ga, vỏ gối hàng tuần để hạn chế bụi bẩn tích tụ trong nhà.

Hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà bằng cách giặt chăn, ga, vỏ gối định kỳ.

Đưa cây xanh vào không gian sống

Cây xanh được xem là những cỗ máy lọc không khí tự nhiên hiệu quả nhất. Hãy lựa chọn những cây nội thất phổ biến như lưỡi hổ, trầu bà, thường xuân, đa búp đỏ, cỏ lan chi… vì chúng vừa đẹp, dễ trồng, lại có tác dụng giảm thiểu tác động của nhiều hợp chất gây ô nhiễm như carbon monoxide, amoniac, formaldehyde…

Thanh lọc không khí trong nhà với cây xanh.

Hy vọng rằng, với những thông tin trên đây, bạn đã nhận diện được nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà cũng như hình dung rõ hơn về những công việc cần làm để cải thiện bầu không khí, bảo vệ sức khỏe của gia đình mình.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm