Bất động sản công nghiệp cần gì để tiếp tục đà tăng trưởng sau đại dịch?

| 29-01-2021, 02:20 | Góc nhìn chuyên gia

Ảnh minh họa.

Năm 2020 vừa qua đi, đánh dấu một năm vật lộn khá vất vả của hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khi dịch Covid -19 bùng phát và kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. 


Mặc dù vậy, theo báo cáo của các công ty tư vấn bất động sản, trong đại dịch, thị trường bất động sản (BĐS) khu công nghiệp là mảng duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.


Cụ thể, theo báo cáo Toàn cảnh Thị trường Bất động sản 2020 được CBRE - Công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường bất động sản công bố mới đây, quý 4/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp đã có từ năm 2019 tại năm tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm (đpt) theo năm. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại bốn tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam cũng đạt 87,0%, tăng 2,5 đpt theo năm.


Theo ghi nhận giá thuê đất tại một số khu công nghiệp như Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP.HCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% đến 30% theo năm. 


Lý giải cho sự phục hồi nhanh chóng của phân khúc BĐS công nghiệp trong thời gian qua, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho rằng, chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ trong việc hỗ trợ và mở rộng các BĐS công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam là một yếu tố tích cực. 


Cùng với đó, những chuyển biến theo tình hình kinh tế thế giới cũng như chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là một điểm cộng cho chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.


Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia Savills, tiềm năng của BĐS công nghiệp trong những tháng tiếp theo của năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam. 


Theo TS. Sử Ngọc Khương, BĐS công nghiệp có liên quan đến nhiều yếu tố như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, giao thông vận tải… Đồng thời, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại, do đó vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS KCN taị Viêt Nam cũng là một bài toán cần phải quan tâm.


Theo ông Khương, đây là một bài toán tổng thể giữa Chính phủ và các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, kho vận cũng như là các chuỗi cung ứng trên tinh thần hợp tác công tư, vì ngân sách của Chính phủ không thể phân bổ đều cho hết các ngành nghề nên việc phối hợp công tư thoả đáng sẽ góp phần giải quyết bài toán trên. 


Hơn nữa, các nhà vận hành chuỗi cung ứng chuyên nghiệp cũng là yếu tố rất quan trọng vì khi các chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu thì chúng ta cũng cần các công ty có tầm cỡ để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư BĐS công nghiệp. 


“Bên cạnh đó, các thủ tục trong xuất nhập khẩu cũng là bài toán cần phải cân nhắc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngoài nước trong việc thông quan hàng hoá cũng như là xuất hàng hoá ra nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu được chi phí, tạo lợi thế để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài”, ông Khương nhấn mạnh.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm