Kiến trúc nhà lệch tầng trong phong thủy và cách hóa giải

| 26-06-2019, 16:34 | Phong thuỷ

Các tấm sàn của nhà lệch tầng không kéo dài suốt mà thay đổi tạo nên các ống hút gió xuyên từ tầng này sang tầng kia. Khác với nhà ống thông thường, độ cao của các tầng không đồng nhất và có sự chênh lệch nhất định.

Ưu, nhược điểm của nhà lệch tầng

Nhà lệch tầng không chỉ đảm bảo không gian sống tiện ích mà còn có tính thẩm mỹ cao. Tại các tỉnh thành khu vực phía Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng có khí hậu khô nóng quanh năm nên các gia đình có mặt bằng xây dựng hẹp ngang, chiều sâu dài, diện tích khiêm tốn thường chọn kiến trúc nhà lệch tầng để có thể sở hữu không gian sống thoáng sáng, tầm nhìn đa dạng.

Thế nhưng, theo quan điểm phong thủy, nếu xây dựng không khéo, nhà lệch tầng sẽ tạo thành các luồng xung khí từ các mặt sàn tác động tiêu cực tới người sống và sinh hoạt trong nhà, ảnh hưởng tới tài vận lẫn sức khỏe của các thành viên gia đình...

Sự khác biệt về độ cao giữa các không gian hoặc các tấm sàn là đặc trưng của nhà lệch tầng. Sự thay đổi về độ cao sẽ mang lại dáng vẻ độc đáo, mới lạ cho ngôi nhà thay vì vẻ đơn điệu của không gian nhà ống vốn thẳng và đều.

Kết hợp cùng giếng trời, cầu thang, nhà lệch tầng giúp giải quyết vấn đề tạo độ thông thoáng cho ngôi nhà. Bởi lẽ, các tấm sàn không kéo dài suốt mà thay đổi, tạo thành những ống hút gió xiên giữa tầng này với tầng kia.

Mặt khác, kiểu nhà lệch tầng cũng cung cấp tầm nhìn đa dạng, khả năng đi lại và quan sát thoải mái, không đơn điệu, nhàm chán. Sau khoảng chục bậc cầu thang, bạn có thể vào được 1 tầng. Vậy nên, hầu hết các ngôi nhà lệch tầng đều mang lại cho gia chủ cảm giác “là lạ”, vô cùng hấp dẫn.

Việc sử dụng không gian trong nhà lệch tầng cũng tiện dụng hơn. Ví dụ, các khu phụ như phòng cho người giúp việc, kho, nhà xe... được bố trí ở tầng trệt với chiều cao vừa phải, bên trên thiết kế bếp hoặc phòng khách.

Khác với nhà thẳng tầng có chiều cao "cứng", đối với nhà lệch tầng, gia chủ có thể tùy thích làm độ cao cho trần nhà.

Kiến trúc nhà lệch tầng trong phong thủy và cách hóa giải
Phác thảo mẫu thiết kế nhà lệch tầng. (Ảnh minh họa: ĐXG)

Tuy vậy, nhà lệch tầng cũng có khá nhiều nhược điểm. Trước hết, giao thông trong nhà bị chia ra do các cao độ khác nhau kết nối bằng cầu thang nên gây ra một số bất tiện. Chẳng hạn, ra khỏi cửa phòng là bạn phải lên hoặc xuống cầu thang, đặc biệt là đối với nhà nhỏ. Với gia đình có người già, trẻ nhỏ hoặc người tàn tật, điều này vô cùng bất tiện. Thậm chí, trường hợp không làm phòng vệ sinh theo từng tầng thì sẽ xảy ra tình trạng từ tầng này phải lên, xuống tầng khác sử dụng toilet.

Xét về độ cao, kiểu nhà lệch tầng có thể sẽ không phù hợp với vùng quy hoạch có bắt buộc khống chế chiều cao từng tầng. Tỷ lệ chiếm chỗ của chiếu nghỉ thang và ô cầu thang luôn lớn cũng là nhược điểm của nhà lệch tầng.

Ngoài ra, so với nhà thẳng tầng thì nhà lệch tầng không linh hoạt về mặt cơ động cũng như đa năng hóa không gian bởi không gian bị giới hạn khi đi lại.

Những giải pháp hóa giải

Khi thiết kế cầu thang cho nhà lệch tầng, gia chủ cần bố trí sao cho cầu thang khi đổ vào cửa phòng không ảnh hưởng tới chỗ ngồi làm việc, nơi đặt giường ngủ. Đồng thời, để tránh gây nguy hiểm trong quá trình lưu thông giữa các tầng nhà, số bậc cầu thang của trục cầu thang từ tầng này sang tầng khác phải là bậc lẻ. Lý do là, khi đi cầu thang, bạn luôn bắt đầu từ chân trụ; để an toàn, không bị trặc chân, hẫng nhịp thì bước kết thúc cũng phải bằng chân trụ. Vì thế, chủ nhân phải thiết kế số bậc cầu thang của mỗi tầng là số lẻ để đảm bảo nhịp lưu chuyển an toàn của cầu thang. Song, bạn chỉ cần lưu ý số bậc của từng tầng chứ không quan trọng số bậc của cả trục cầu thang.

Mẫu tam sơn làm bằng xi măng. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Phong thủy học cho rằng, hình thái của ngôi nhà có tác động nhất định đến sức khỏe, tài vận của các thành viên sống trong nhà. Thông thường, nhà lệch tầng có cao độ trần tùy thích nên hình thái của khá nhiều ngôi nhà vi phạm cấm kỵ phong thủy. Chẳng hạn, ngôi nhà có phía sau thấp hơn phía trước cả về mặt mái, mặt trần và mặt sàn bị gọi là "nhà vô hậu", không hề tốt cho gia chủ.

Trong khi đó, không ít gia đình lại thiết kế nhà phía sau cao hơn phía trước cả mặt mái, mặt trần và mặt sàn. Kiểu nhà này được cho là có hậu tọa sơn, tốt trong phong thủy. Chuyên gia phong thủy Song Hà cho biết, để tránh phạm phải thế xấu nhà vô hậu, trong quá trình xây dựng, gia chủ nên xử lý sao cho ít nhất mặt phía trước và phía sau nhà đồng độ cao với mặt mái, mặt trần.

Nếu nhà phạm phải thế vô hậu, gia chủ có thể hóa giải bằng cách tạo sơn giả ở mặt sàn phía sau theo thế Tam sơn bao gồm: Huyền Vũ sơn, Thanh Long sơn, Bạch Hổ sơn. Cụ thể, tính từ phía hậu nhà nhìn ra mặt tiền, vị trí của Tam sơn là: Ở chính giữa cao nhất là Huyền Vũ sơn, Thanh Long sơn bên trái thấp hơn, thấp nhất là Bạch Hổ sơn bên phải. Hơn nữa, Tam sơn cần có bề mặt mịn, kết hợp cùng cây xanh mini, tránh hình thù kỳ quái. Lưu ý, Tam sơn không tạo thế nhọn hoắt mang hình Hỏa, cần tạo thế hình Mộc cao dài thuôn hoặc thế hình Thổ vững chãi, đồ sộ.


(Theo Tuổi trẻ Online)
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm