Mất bao lâu để trở thành "thầy" phong thủy đúng nghĩa?

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 27-11-2019, 16:44 | Phong thuỷ

Mất bao lâu để trở thành "thầy" phong thủy đúng nghĩa?

10.000 giờ

Malcolm Gladwell, tác giả cuối sách nổi tiếng “Những kẻ xuất chúng” đã nghiên cứu những người chuyên nghiệp trong các lĩnh vực như vận động viên hockey, nghệ sĩ dương cầm, nhà soạn nhạc… và cho biết, trong mỗi trường hợp họ phải mất 10.000 giờ luyện tập để trở nên thực sự giỏi.

Với con số là 10.000 giờ, thì mỗi người phải thực hành và thực hiện công việc trong bao nhiêu năm? Nếu bạn dành 1 giờ mỗi ngày, thì nó là 27 năm. Nếu bạn dành 3 giờ mỗi ngày, nó sẽ xấp xỉ khoảng 10 năm.

Malcolm Gladwell ví dụ, giả sử công việc của bạn là một lập trình viên, bạn chưa bao giờ lập trình trước đó cả, bạn thực sự viết mã 40 giờ mỗi tuần (40 giờ chỉ ngồi viết mã, không kiểm tra email hay họp hành gì cả) và bạn chỉ được phép dành ra hai tuần để đi nghỉ mát mỗi năm. Sau 5 năm, bạn sẽ có tiềm năng để trở thành một chuyên gia phát triển phần mềm.

Đồng quan điểm, chuyên gia phong thủy, kiến trúc sư Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông cho rằng, để trở thành một chuyên gia phong thủy, hay một nhà nghiên cứu phong thủy, hoặc gọi là thầy phong thủy, thì một người cũng phải dành thời gian để học hành, nghiên cứu, thực hành trong thực tiễn với khoảng thời gian tối thiểu là 10.000 giờ. Nếu một ngày, một người dành đủ 8 tiếng thì tương đương 3,5 năm (không nghỉ ngày nào, kể cả lễ, Tết).

Chúng ta thấy, trong thực tế, quy định chung của Nhà nước là làm việc 8 tiếng/ngày và 5 ngày/tuần, nhưng số người thực sự làm việc chuyên cần đủ 8 tiếng là không nhiều. Bình quân, thực sự một người chỉ làm việc hiệu quả khoảng 3 giờ/ngày, thì thời gian cần thiết tối thiểu trở thành chuyên gia cũng vào khoảng 10 năm. Như vậy, giữa lý thuyết và thành quả thực tế cũng là cả một khoảng cách.

Bắt đầu từ đâu?

Như chúng ta thấy, phong thủy hiện nay có nhiều trường phái và một thầy phong thủy thời hiện đại phải uyên thâm tất cả các trường phái đó. Mỗi trường phái phong thủy cũng giống như một bộ môn chuyên ngành mà một sinh viên phải học và sinh viên phải thi đỗ tất cả các bộ môn mới có thể ra trường.

Vậy, với phong thủy, phải bắt đầu từ đâu?

Theo chuyên gia Hoàng Trà, khi xem phong thủy cũng chia thành hai đường Âm, Dương rõ rệt. Trong đó, xem theo đường Dương là xem bằng kiến thức học trên sách vở của các bậc thánh nhân truyền lại. Thầy phong thủy phải học tất cả các loại sách về phong thủy và uyên thâm tất cả các trường phái phong thủy.

Từ đó biết đâu là man thư, đâu là sách thuộc loại “tam sao thất bản”, đâu là sách chính tông, vận hành và thực hành trong thực tiễn để biết đâu là kiến thức chuẩn. Ngoài ra, thầy phong thủy phải tu tâm để có tâm thanh tịnh thì mới được độ để giác ngộ ở cảnh giới cao, bởi cuốn sách này là chìa khóa mở cuốn sách khác, mỗi cuốn sách là một mảnh ghép trên một bức tranh hoàn chỉnh.

Còn xem phong thủy theo đường Âm là người thầy được độ theo đường tâm linh, không cần đọc sách mà có thể soi được phong thủy địa lý, biết được đất có nằm trên long mạch hay không, đất thịnh hay đất suy, đất có mồ mả hay có vong hồn hay không. Thầy địa lý đó chỉ thẳng cho gia chủ ở hướng nào và đất nào là tốt nhất, kể cả là hướng tuyệt mệnh, ngũ quỷ, họa hại. Chúng ta gọi người đó là nhà ngoại cảm. Dù thế nào thì người đó luôn được các bậc tâm linh độ mệnh song hành.

Tóm lại, dù là đường Âm hay đường Dương, thì vẫn là kiến thức của các bậc hiền thánh, tiền bối đi trước truyền trực tiếp hoặc truyền lại qua sách vở. Do đó, nó luôn đòi hỏi những người đủ tâm và đủ đức sẽ là người hữu duyên trở thành truyền nhân kế tục.

“Dù tu luyện và học theo con đường nào đi chăng nữa, các thầy liên tục học để hoàn thiện, tịnh hóa thân tâm càng cao thì quyền năng càng hiện hữu bấy nhiêu và thành tựu của các thầy cũng như nhau”, chuyên gia Hoàng Trà nhấn mạnh.

Quan trọng là hữu duyên

Ở Việt Nam không có trường học hay cơ sở đào tạo chuyên về phong thủy, do đó, cách để một người mới muốn tìm hiểu về phong thủy vẫn là qua sách vở của các bậc tiền nhân để lại. Tuy nhiên, đi về lĩnh vực có tính đặc thù như nghệ thuật, y học và phong thủy… thì quan trọng nhất đối với một người vẫn là sự hữu duyên.

Với việc tự đọc sách và tự tìm hiểu, trải nghiệm, kết quả của mỗi người cũng rất khác nhau. Giống như học sinh, sinh viên cùng một thầy, cùng một kiến thức mà khi đi thi cũng có người điểm thấp, người điểm cao. Hoặc cùng một chuyên ngành được đào tạo như nhau, sau này ra làm việc thì trình độ thành thạo và ứng dụng vào thực tế khác nhau và là một quá trình rất dài.

Chuyên gia Hoàng Trà cho rằng, người học phong thủy đầu tiên vẫn phải học trường phái Loan đầu xem về địa hình, địa thế. Ở Việt Nam, có sách của thánh nhân là cụ Tả Ao, nhưng có những người nghiên cứu sách của cụ 10 năm cũng không xong, không thấu hiểu được các vấn đề cụ Tả Ao đề cập.

Dù là đọc sách của Việt Nam hay của các nước phương Đông, khi nào dịch nghĩa hết các kiến thức trong sách của cụ Tả Ao, như thế cũng được coi là hoàn thành bộ môn đầu tiên về phong thủy Loan đầu. Tuy nhiên, trong sách phong thủy Tả Ao, không chỉ đề cập mỗi về Loan đầu, mà còn nói rất nhiều, rất thâm thúy về các trường phái khác, kể cả Huyền không Phi tinh…

Hiện nay, người học phong thủy thường được học và tiếp xúc đầu tiên là trường phái phong thủy Bát trạch và luận tiếp đến 24 sơn, tiếp đến người ta có thể nghiên cứu Dương trạch tam yếu. Có những người cũng theo trường phái Cảm xạ và có các dụng cụ đo đạc khác nhau để biết được các thông số năng lượng tốt, xấu ở các phương vị khác nhau.

Tuy nhiên, cũng chỉ là các nhánh, hay thậm chí là một hướng trong quá trình thực hành phong thủy. Bởi một thầy địa lý phong thủy giỏi đến một khu đất hay một nhà nào đó, họ cũng sẽ nhận được những tín hiệu thông tin tốt xấu và đó chính là cảm ứng của cơ thể khi người thầy đó đắc được một cảnh giới nhất định.

Hiện nay, có rất nhiều người nghiên cứu ứng dụng, vận hành phong thủy Huyền không Phi tinh, nhưng bộ môn Huyền không thuộc về logic toán học và học cũng không phải dễ. Nó được ví như toán học cao cấp ở đại học trở lên. Còn các bộ môn Bát trạch cũng chỉ là toán học cấp 1 mà thôi. Cho nên, không nhiều người có thể uyên thâm được Huyền không.

Tuy nhiên, dù có giỏi về các thuật toán trong Huyền không, thì các sách dạy về Huyền không luôn luôn nói phải giỏi về trường phái Loan đầu. Và khi ứng dụng xem cho mỗi cá nhân, thì phải giỏi cả xem lá số Tứ trụ. Như vậy, một thầy phong thủy đủ giỏi thời hiện đại, phải là 3 trong 1.

Phải là thầy địa lý, thầy phong thủy, thầy lá số. Gọi ngắn gọn thầy phong thủy là chưa đủ, phải gọi là thầy phong thủy địa lý, hay đúng hơn là thầy địa lý phong thủy.

Chỉ nói riêng, một người thầy được người dân tín nhiệm là thầy giỏi về xem lá số cũng đã không nhiều người đạt được. Để học xem lá số cũng không đơn giản. Như chúng ta thấy, hiện nay, trên các trang mạng đã lập sẵn lá số ra và cả cho cả những lời luận giải và bình giải. Thậm chí, còn bình giải đến cả tháng, cả ngày, nhưng tỷ lệ đúng và chuẩn chỉ không cao. Nếu các luận giải trên mạng đúng được trên 70% chắc chúng ta sẽ phải gọi các website này là thầy.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm