Dạo quanh những cây cầu thân thuộc của Sài Gòn

| 7-01-2021, 04:03 | Khám phá - Trải nghiệm

Cầu Sài Gòn, cầu Mống, cầu Khánh Hội, cầu Ông Lớn, cầu Bình Lợi, cầu Nhị Thiên Đường,… là những cây cầu gắn liền với lịch sử, cuộc sống của người dân thành phố mang tên Bác. Trải qua năm tháng những cây cầu trở thành một phần kỷ niệm để những người đi xa nhớ về thành phố.


Những chiếc cầu mọc lên sừng sững giữa lòng thành phố như một biểu tượng của Sài Gòn năng động, trẻ trung, và hiện đại nhưng cũng không kém phần lãng mạn, thơ mộng mỗi khi về đêm. Chúng tạo nên một bức tranh muôn màu tươi đẹp cho Sài Gòn. Cùng Propzy khám phá Sài Gòn qua những cây cầu này nhé.

Cầu Sài Gòn

Dạo quanh những cây cầu thân thuộc của Sài Gòn

Cầu Sài Gòn (trước năm 1975 tên là cầu Tân Cảng) là một trong những cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nối đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với Xa lộ Hà Nội (Quận 2), Thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến khi đường hầm Thủ Thiêm được xây dựng xong thì đây vẫn là cửa ngõ chính để vào nội ô Thành phố Hồ Chí Minh từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Cầu được công ty Johnson Drake and Piper thi công từ tháng 11 năm 1958 đến ngày 28 tháng 6 năm 1961 thì hoàn thành.


Cầu dài 986,12 m, gồm 32 nhịp, trong đó có 3 nhịp với chiều dài 267,45m. Cầu được sửa chữa 3 lần vào các năm 1995, 1996. Năm 1998, cầu được tiến hành nâng cấp và sửa chữa với tổng kinh phí 54 triệu franc từ nguồn vốn viện trợ của Pháp và đến tháng 6 năm 2000 thì hoàn thành. Sau khi nâng cấp, mặt cầu được mở rộng từ 19,63m lên 24m đạt tải trọng H30-XB80, có 4 làn xe, có tải trọng 32 tấn, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao của thành phố Hồ Chí Minh.


Gần chân cầu phía quận Bình Thạnh có hai khu du lịch Văn Thánh và Tân Cảng. Bạn có thể dừng chân tại đây để nghỉ ngơi, thư giãn trong không gian mát rượi của cây xanh.

Cầu Khánh Hội

Cầu Khánh Hội bắc qua kênh Bến Nghé, ngay cửa ngõ sông Sài Gòn và kế bên bến Nhà Rồng, là một trong 11 cầu trọng yếu trên đại lộ Đông Tây – tuyến đường đẹp và hiện đại nhất của thành phố hiện nay. Đây là cây cầu quay độc nhất vô nhị ở Sài Gòn được người Pháp xây dựng năm 1904.


Với cầu Khánh Hội, sau lần đập bỏ cầu quay, đến năm 2006 để phục vụ tuyến đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm, nó tiếp tục bị tháo dỡ để xây mới cao hơn. Cầu dài gần 167 m, rộng 22 m, 4 làn xe. Cầu mới có dáng cong mềm mại và cách điệu, góp phần tạo nên điểm nhấn mỹ thuật khá đẹp mắt, bên cạnh Bến Nhà Rồng và cột cờ Thủ Ngữ – ngọn đèn giao thông điều tiết thuyền bè trên rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn xưa. Đứng nơi đây bạn có thể ngắm được toàn cảnh sông Sài Gòn.

Cầu Mống



Cầu Mống cũng là một trong những cây cầu bộ hành nổi tiếng thu hút nhiều bạn trẻ Sài Gòn đến đây. Cầu Móng bắc qua kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, nối liền quận 1 và quận 4, có chiều dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, được xây dựng bằng thép rất kiên cố. Ngày 19/11/2015, cầu Mống được TP.HCM trao bằng xếp hạng là một trong 10 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.


Cầu Mống có kết cấu độc đáo, tựa như một cầu vồng màu xanh ngọc bích vắt qua dòng kênh yên bình ngay trung tâm thành phố. Vào mỗi sáng sớm và buổi chiều, cầu Mống thu hút hơn trăm người đến đây để tập thể dục, vui chơi, chụp ảnh. Đây là điểm đến được nhiều bạn trẻ và những đôi lứa yêu nhau lựa chọn để cùng hàn thuyên, trò chuyện dưới làn gió mát lạnh từ sông Sài Gòn thổi vào, hay đơn giản là tay trong tay ngắm hoàng hôn buông xuống, tận hưởng nhịp sống yên ả giữa Sài Gòn náo nhiệt.

Cầu chữ Y


Cầu Chữ Y nằm về phía đông của Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, nối liền Quận 5 với Quận 8. Cầu có hình chữ Y, từ đường Nguyễn Biểu cách chợ Bến Thành 2 km, bắc qua 2 con kênh là kênh Bến Nghé và kênh Tẻ, đến vùng chợ Rạch Ông và vùng cù lao Chánh Hưng của Quận 8. Cầu có 3 nhánh tạo thành chữ Y, nên được người dân đặt luôn tên này, lâu ngày trở thành tên chính thức. Đứng trên cầu, ta có thể nhìn thấy được toàn bộ quang cảnh cảng Sài Gòn và một phần thành phố với bán kính khoảng 2 km.


Cầu chữ Y đã đi vào lịch sử cách mạng của nhân dân quận 8, mang những nét tiêu biểu của cả 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là 1 danh lam thắng cảnh độc đáo, nên thơ ở phía Tây – Nam TP. HCM.

Cầu Ông Lớn




Cầu Ông Lớn nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh thuộc quận 7, bắc qua rạch Ông Lớn. Cây cầu có kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam. Từ xa, bạn có thể dễ dàng nhận ra cầu Ông Lớn với chiếc áo khoác màu đỏ đặc trưng.


Nằm trên tuyến đường đô thị lớn nhất và hiện đại nhất TP.HCM, đại lộ Nguyễn Văn Linh, điểm du lịch Hồ Chí Minh này mang nét nhộn nhịp, tấp nập của một thành phố sôi động nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại nhờ cảnh quan sông nước và cây cối xung quanh.Với vẻ đẹp độc đáo, nổi bật của mình, cây cầu này không những là điểm đến của nhiều bạn trẻ mà còn là địa điểm chụp ảnh, chụp hình cưới lý tưởng của nhiều cặp uyên ương.

Cầu Nhị Thiên Đường (mới)


Cầu Nhị Thiên Đường 1 dài khoảng một km bắc qua Kênh Đôi quận 8, được xây dựng năm 1925. Đây là cầu có bề dày lịch sử, nằm ở cửa ngõ kết nối Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây, qua Quốc lộ 50. Điểm đặc biệt của công trình là hàng cột xanh rêu trên cầu (tương tự sắc xanh của ô cửa sổ trong các biệt thự Pháp xưa) và các mái vòm cong dưới chân cầu giống nhưng các cầu cổ nổi tiếng ở châu Âu. Ngoài ra, dù được thi công trong thời đại hoàng kim của cầu sắt nhưng Nhị Thiên Đường lại ngoại lệ khi xây hoàn toàn bằng bêtông cốt thép.

Cầu Nhị Thiên Đường 2 mới xây trên nền cầu cũ (hơn 90 tuổi) với kiểu dáng, kết cấu của công trình tương tự cầu Nhị Thiên Đường 1. Một số chi tiết như trụ đèn được lưu lại để ghi lại một giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển thành phố.

Cầu Bình Lợi


Cầu sắt Bình Lợi là cây cầu đầu tiên vượt sông Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1900 và hoàn thành vào tháng 2/1902. Cầu nằm tại km1719 + 089 thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Nha Trang thời Pháp thuộc. Sau 117 năm đi vào hoạt động cầu sắt Bình Lợi (bên phải) đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt khi thủy triều lên, các tàu thuyền qua lại đều bị mắc kẹt.


Cầu Bình Lợi mới bắc qua sông Sài Gòn, nối quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, được khởi công từ tháng 4/2015. Khi đi vào hoạt động, cầu sẽ tạo thuận lợi cho các tàu, sà lan có trọng tải đến 5.000 tấn vận chuyển hàng hóa, container từ các cảng biển, bến thủy nội địa ở TP HCM đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, góp phần giảm tải cho đường bộ.

Cầu Calmette



Cầu Calmette bắc qua kênh Bến Nghé thuộc địa phận quận 1 sang đường Đoàn Văn Bơ quận 4. Nhờ bốn nhánh cầu phụ để thông ra đường Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt giúp đường đi rút ngắn lại và dễ duy chuyển hơn.


Cầu Calmette được xây dựng ở nước ta vào thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Sài Gòn, chưa có tài liệu ghi chép về thời gian đầu tiên khi cây cầu này được xây dựng. Theo lời những người dân sống lâu năm ở đây thì lúc xây dựng lại cầu bằng bê tông cốt thép khoảng đầu thập niên 50 hoặc 60. Hoặc cũng có thể là cùng thời điểm xây lại cầu bê tông Khánh Hội cố định để thay thế cầu quay cũ.


Năm 2006, cầu cũ lại được tháo dỡ để xây dựng cầu mới lớn hơn, chịu được nhiều tải hơn. Cầu mới có chiều dài khoảng 300 mét, rộng đến 22 mét, thiết kế. Bên cạnh đó có đến 6 làn xe để duy chuyển rất thuận lợi. Từ ngày cầu Calmette hoàn thiện, góp phần lớn cho hướng lưu thông qua lại từ Quận 1 sang Quận 4 được thông thoáng hơn.

Cầu Ánh Sao


Từ lâu, Cầu Ánh Sao đã trở thành một biểu tượng quen thuộc trong lòng người dân Sài Gòn. Nhắc đến Sài Gòn hiện đại, nhộn nhịp và lung linh, chắc chắn không thể thiếu cầu Ánh Sao, tọa lạc ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cây cầu bộ hành đầu tiên của Việt Nam, và cũng là một trong những cây cầu đẹp nhất Sài Gòn với hệ thống chiếu sáng lung linh, huyền ảo ở sàn, bậc, gầm cầu cùng hệ thống phun nước hai bên hông rất bắt mắt. Hệ thống chiếu sáng cầu được sử dụng bằng pin thu năng lượng mặt trời được lắp ở hông cầu, tạo cho người đi trên cầu có cảm giác đang bước đi trên muôn ngàn những vì sao.


Ở hai đầu cầu là 2 quảng trường rộng được thiết kế lạ mắt: Phía bờ Tây (Khu Kênh Đào) là quảng trường mô phỏng hình nửa mặt trăng và phía bờ Đông (Khu Hồ Bán Nguyệt) mô phỏng hình mặt trời. Cầu Ánh Sao chỉ dành cho người đi bộ nên nơi đây thu hút rất nhiều bạn trẻ Sài Gòn tập trung, cùng chuyện trò, dạo phố và chụp hình cùng nhau.

Cầu Phú Mỹ



Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn nối Quận 2 và Quận 7, thuộc đường vành đai ngoài của Thành phố Hồ Chí Minh. Cầu Phú Mỹ không chỉ là một công trình trọng điểm của Việt Nam, mà còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới. Hiện đại nhất ở đây là phần kỹ thuật dây văng, trên thế giới chỉ có vài cây cầu như thế.


Đến đây bạn sẽ có cảm giác như đang ở một khúc sông quê với mênh mông sông nước cùng những ốc đảo trải dài. Thấp thoáng dưới hàng dừa xanh mướt là mái lá nghiêng che, đâu đó ngược xuôi chiếc ghe thuyền trái chín. Buổi tối dọc hành lang cầu ríu rít tiếng cười nói của các đôi bạn trẻ với những chiếc khóa tình yêu treo khắp các lan can.

Cầu Thủ Thiêm 1


Cầu Thủ Thiêm là một cây cầu nối hai bờ Sông Sài Gòn thuộc Quận 2 và Quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh. Cầu có 6 làn xe, nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và trung tâm hiện hữu của thành phố.


Cầu Thủ Thiêm dài 1.250 m, phần cầu chính gồm 5 nhịp, 6 làn xe; phần cầu dẫn phía Bình Thạnh gồm bốn nhánh, mỗi nhánh 2 làn xe; cầu dẫn phía quận 2 dài 160 m, rộng tương đương 6 làn xe. Từ khi khánh thành đến nay, Cầu Thủ Thiêm đã dần trở thành điểm đến yêu thích bởi cảnh quan tuyệt đẹp cùng không gian khoáng đạt. Khi đến đây vào lúc xế chiều hay chập tối, bạn sẽ bắt gặp nhiều nhóm bạn trẻ rủ nhau lên cầu hóng gió. Đây còn là một điểm câu cá lý tưởng.

Nếu có dịp đến thăm TP Hồ Chí Minh, bạn đừng quên ghé thăm những cây cầu xinh đẹp này nhé.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm