Phong cách nội thất Eco – “sàn diễn” của vật liệu tự nhiên

| 15-06-2020, 03:41 | Nội thất

Hiện nay, việc đưa không gian xanh vào nhà ở, nhất là tại các đô thị, thành phố lớn luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của rất nhiều người. Theo đó, phong cách nội thất Eco được xem là giải pháp lý tưởng để hiện thực hóa giấc mơ trở về với “Mẹ Thiên Nhiên”. Thiết kế nội thất theo phong cách này luôn mang đến cho bạn môi trường sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên, nhấn mạnh sự phối kết hợp ăn ý giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo.

Vậy nội thất Eco là gì? Đâu là những đặc trưng nổi bật? Ứng dụng vào thiết kế nhà ở cụ thể ra sao? Hãy cùng Dothi.net tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.

Phong cách nội thất Eco là gì?

Nguồn gốc hình thành

Vào những năm đầu thế kỷ XX, phong cách Eco bắt đầu xuất hiện và được nhắc đến khá nhiều trong các tác phẩm hội họa của Pablo Picasso, Georges Braque. Đến cuối thế kỷ XX, trào lưu này phát triển rất mạnh mẽ, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là thiết kế nội thất. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, khi không gian xanh ngày càng bị thu hẹp, nội thất Eco càng khẳng định vị thế quan trọng, hướng tới xu hướng phát triển sinh thái, bền vững.

Khái niệm nội thất Eco

Cái tên “Eco” bắt nguồn từ thuật ngữ oekologie, được nhà sinh học người Đức Ernst Haeckel đưa ra vào năm 1866, dựa trên từ gốc Hy Lạp là oikos (trong nhà) và logos (môn khoa học) hay “môn khoa học nghiên cứu ngôi nhà tự nhiên”. Thuật ngữ này là nguồn gốc của tên gọi cho bộ môn sinh thái học “ecology” chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa sinh vật sống và tự nhiên.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản, phong cách nội thất Eco là một xu hướng sinh thái, kêu gọi lối sống đề cao tinh thần trách nhiệm với môi trường tự nhiên, bảo vệ hệ sinh thái trên toàn cầu. Đáng chú ý, ngoài những giá trị cũng như nguyên tắc liên quan đến môi trường và hệ sinh thái, khi đưa phong cách Eco vào thiết kế nội thất, kiến trúc sư còn kết hợp vào đó nét đẹp của thiên nhiên, thể hiện rõ tay nghề của thợ thủ công. Không gian nhà vì thế vừa rất tiện nghi, vừa thân thiện, hòa hợp với thiên nhiên rộng lớn.

Phong cách nội thất Eco – “sàn diễn” của vật liệu tự nhiên
Phong cách nội thất Eco đề cao yếu tố tự nhiên, hướng tới phát triển bền vững.

Những đặc trưng nổi bật của phong cách nội thất Eco

Không chỉ đặc biệt phù hợp với những công trình theo chủ nghĩa tôn trọng và đề cao tính nhân văn, bảo vệ môi trường, nội thất Eco được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế văn phòng, trường học, nhà ở… Nếu muốn bài trí nhà theo phong cách này, bạn cần nắm rõ những điểm đặc trưng cơ bản, nổi bật sau đây.

Sử dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên

Đây là đặc điểm nổi bật nhất, tạo nên sức hút khó cưỡng của phong cách nội thất Eco. Phong cách này chủ yếu sử dụng dòng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên như gỗ, đá, mây tre, cói, gạch, thủy tinh, giấy, sản phẩm dệt may và vật liệu tái chế thân thiện với môi trường.

Gỗ là vật liệu chủ đạo của phong cách nội thất Eco

Xưa nay, gỗ là nguyên vật liệu chính được sử dụng phổ biến trong thiết kế nội thất. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian nhất định, gỗ bị lấn át bởi dòng vật liệu tổng hợp đa dạng với giá thành rẻ hơn. Thế nhưng, theo xu hướng phát triển bền vững, vật liệu gỗ quay trở lại và khẳng định giá trị về mặt chất lượng lẫn tính thẩm mỹ. Ngoài vật liệu gỗ xẻ, các loại ván ép cũng được sử dụng từ gỗ thứ cấp hoặc phế liệu gỗ đã qua quá trình xử lý nhưng không sử dụng hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường nước xung quanh.

Đặc biệt, vật liệu gỗ trong nội thất Eco có khả năng tái chế rất cao, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, đồng thời góp phần vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Các sản phẩm bằng gỗ rất bền, có thể sử dụng từ thế hệ này qua thế hệ khác, không gây tiêu tốn nguồn tài nguyên thiên nhiên – tiêu chí quan trọng hướng tới sự phát triển bền vững mà phong cách Eco thể hiện.

Nội thất phong cách Eco chủ yếu được làm từ vật liệu gỗ.

Các sản phẩm dệt may

Đây cũng là chất liệu được ứng dụng rất đa dạng và linh hoạt trong những ngôi nhà hoặc căn hộ phong cách Eco. Ví dụ, trong phòng khách nhà phố, chất liệu vải thô từ rèm cửa sổ hoặc thảm trải sàn hay vỏ gối tựa sofa sẽ phối kết ăn ý với nội thất gỗ tự nhiên, mang đến vẻ đẹp mộc mạc, tạo cảm giác gần gũi, thân thiện cho không gian sống.

Bên cạnh đó, nội thất phong cách Eco còn sử dụng những vật liệu phổ biến như cói, mây tre, đất sét, giấy, vải vụn, thủy tinh… và gỗ tái chế. Điều này giúp sử dụng nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên một cách khoa học, hiệu quả, đồng thời hạn chế tối đa việc gây tác động xấu tới môi trường.

> Có thể bạn quan tâm: “Sống khỏe” với phong cách nội thất Organic

Phong cách nội thất Eco thường sử dụng các sản phẩm thủ công làm phụ kiện trang trí.

Nội thất Eco chuộng màu đơn sắc, nhẹ nhàng

Trong thiết kế nội thất nói chung, màu sắc luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu bởi chúng không chỉ quyết định tính thẩm mỹ của công trình mà còn ảnh hưởng nhất định đến tâm trạng và cảm xúc của những người sống trong không gian đó. Phong cách nội thất Eco chủ yếu sử dụng bảng màu đơn sắc nhẹ nhàng, mô phỏng lại các nhân tố của tự nhiên như đất, nước, cây xanh tạo cảm giác thân thiện, yên bình. 

Xanh lá và nâu

Những gam màu chủ đạo, được dùng nhiều nhất là xanh lá và nâu. Trong đó, sắc xanh là màu của lá cây, nâu – màu thân cây, màu của đất. Sự phối kết ăn ý giữa hai tông màu này giúp làm nổi bật và tôn vinh lẫn nhau, mang đến cho không gian sống vẻ đẹp tươi mới, tràn đầy năng lượng. Mặt khác, chúng còn mang lại ấn tượng thị giác rất tốt, khiến người ngắm liên tưởng đến những cánh rừng xanh ngát. Theo đó, ngôi nhà bạn trở nên thoáng rộng hơn, có chiều sâu hơn.

Phòng ăn mộc mạc, yên bình với sắc xanh lá kết hợp màu nâu gỗ.

Trắng và be

Đây cũng là hai gam màu được sử dụng nhiều khi trang trí nhà theo phong cách Eco. Những gam màu trung tính, nhẹ nhàng sẽ làm sáng căn phòng của bạn, đồng thời là phông nền lý tưởng để nội thất (sofa, bàn trà, ghế thư giãn…) hoặc phụ kiện (chậu hoa, tranh treo tường, thảm trải…) màu sắc trở nên nổi bật, bắt mắt hơn.

Mẫu phòng khách được bài trí theo phong cách Eco lạ mắt.

Tông màu ấm áp 

Thường thì các kiến trúc sư rất hạn chế việc sử dụng những gam màu quá mạnh hoặc quá trầm bởi chúng sẽ khiến không gian mang vẻ trầm mặc, giảm bớt nét tươi vui, trẻ trung, hiện đại –  đặc trưng vốn có của phong cách Eco. Tuy vậy, ngoài những gam màu phổ biến nêu trên, bạn có thể sử dụng thêm các gam màu nóng như đỏ, vàng, cam. Mục đích là để tạo bầu không khí ấm áp, mang lại vẻ đẹp tươi sáng, tràn đầy năng lượng cho không gian sống.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng màu nóng làm điểm nhấn và đảm bảo sự hài hòa, thống nhất cho tổng thể không gian chung. Chẳng hạn, họa tiết kẻ sọc đỏ của thảm trải sàn, vỏ gối tựa sofa hay một vài món đồ trang trí màu đỏ nhỏ xinh sẽ mang lại hiệu ứng thẩm mỹ rất tốt.

Sắc đỏ, cam ấm áp trở thành điểm nhấn tinh tế cho không gian tiếp khách.

Thiết kế không gian mở và tối đa hóa ánh sáng tự nhiên

Mục đích cuối cùng của phong cách nội thất Eco là tạo ra một không gian mở thoáng đãng, mang đến bầu không khí thư giãn, thoải mái nhất có thể. Chính vì thế, kiến trúc sư luôn đưa ra phương án bố trí mặt bằng nội thất mở, đồng thời tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng tự nhiên chủ yếu đến từ cửa chính, hệ thống các khung cửa sổ, giếng trời, nơi kết nối giữa khu vực  trong nhà và ngoài trời.

Thiết kế không gian mở và ánh sáng tự nhiên là hai yếu tố luôn đi cùng với nhau, có quan hệ tương hỗ. Không gian mở không có tường bê tông, vách ngăn hoặc dùng vách ngăn rỗng vừa tạo cảm giác rộng rãi, thông thoáng hơn cho ngôi nhà, vừa không cản trở đường đi của ánh sáng. Đây cũng là xu hướng thiết kế nội thất phổ biến, được ưa chuộng nhất hiện nay, là giải pháp cứu cánh cho những căn hộ nhỏ, nhà phố có diện tích khiêm tốn.

Phong cách nội thất Eco được ứng dụng phổ biến trong thiết kế phòng cho trẻ.

Trong thiết kế nội thất phong cách Eco, ánh sáng dù là tự nhiên hay nhân tạo đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra bầu không khí ấm áp, tươi vui. Để tận dụng nhiều nhất ánh sáng tự nhiên, bạn nên mở rộng khung cửa, ưu tiên thiết kế cửa kính trong suốt, hạn chế các phụ kiện chắn sáng như mành, rèm hoặc sử dụng rèm hai lớp để điều tiết linh hoạt độ sáng vào phòng.

Nội thất Eco hạn chế sử dụng loại đèn có kiểu dáng quá cầu kỳ, phức tạp, nhiều màu sắc, tiêu tốn điện năng thắp sáng. Thay vào đó, gia chủ thường chọn các loại đèn hắt, đèn trần đơn giản, vừa giúp tiết kiệm điện, vừa tạo cảm giác thư thái, dễ chịu.

Bài trí nhà theo phong cách nội thất Eco không thể thiếu cây xanh

Không chỉ tạo điểm nhấn sinh động, mát mắt cho không gian sống, cây xanh còn là trợ thủ đắc lực trong việc điều hòa không khí, hấp thụ các chất độc hại, khử mùi hôi…, cực kỳ có lợi cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của những người sống trong nhà. Có thể nói, phong cách nội thất Eco sẽ thật sự không đầy đủ hoàn toàn nếu thiếu đi bóng dáng của cây xanh trong nhà. 

Là một thực thể của tự nhiên, cây xanh – yếu tố không thể thiếu trong mọi công trình nhà ở, căn hộ, biệt thự được thiết kế theo phong cách Eco. Bạn có thể trang trí tất cả các phòng chức năng trong nhà với cây xanh. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn loại cây phù với phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà tắm. 

Cây xanh là yếu tố không thể thiếu khi bài trí nhà theo phong cách Eco.

Nếu diện tích hạn chế, bạn nên ưu tiên sử dụng những chậu cảnh nhỏ xinh đặt trên bàn ăn, bàn trà, bệ cửa sổ, bàn bếp… để tạo điểm nhấn trang trí tươi vui. Lưu ý, cây trồng trong nhà nên là loại cây ưa bóng râm, dễ trồng, dễ chăm sóc và dễ phối cảnh với tổng thể không gian chung. Nếu thích phá cách và điều kiện cho phép, bạn có thể trồng một vài cây lớn ở góc phòng, giếng trời (nếu có).

Ứng dụng phong cách nội thất Eco vào thiết kế nhà ở

Để có thể hình dung rõ ràng hơn về phong cách nội thất này, bạn có thể tham khảo một số gợi ý bài trí các phòng chức năng cơ bản dưới đây:

Phòng khách

Phòng khách là bộ mặt của gia chủ, phòng gây ấn tượng đầu tiên khi quan khách bước vào nhà. Thế nên, bạn hãy dành chút thời gian và công sức để trang trí không gian tiếp khách với nội thất phong cách Eco thân thiện, tạo cảm giác chào đón ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngoài vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, bạn có thể sử dụng họa tiết cây, hoa, lá trên gối tựa, tranh treo tường, thảm trải… để tạo điểm nhấn mát mắt. Cùng với đó, có thể thêm bộ kệ gỗ gắn tường kiểu dáng thanh thoát để bày đồ trang trí hoặc cây hoa nhỏ xinh.

Không gian tiếp khách yên bình với sofa và bàn trà làm từ chất liệu mây tre đan mộc mạc.
Mẫu thiết kế phòng khách dành cho những người yêu thích vật liệu tự nhiên.

Phòng ngủ

Tương tự nội thất Bắc Âu, phong cách Eco là lựa chọn phù hợp để bài trí không gian ngủ nghỉ bởi nó mang lại sự dễ chịu, thoải mái và gần gũi với thiên nhiên. Ngoài sử dụng nội thất chính như giường, tủ quần áo, bàn trang điểm làm từ vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, phòng ngủ phong cách này không thể thiếu một vài chậu cây xanh phù hợp (nha đam, lưỡi hổ, dây nhện, thường xuân…) đặt ở góc phòng hoặc trên bàn đầu giường, bệ cửa sổ (nếu có). Đồng thời, nội thất phòng ngủ nên giản lược tối đa để tạo độ thông thoáng cho không gian.

Cây xanh, ánh sáng và vật liệu gỗ tạo thành bản hòa ca hoàn hảo trong phòng ngủ này.
Nếu thích phòng ngủ phong cách đơn giản, nhẹ nhàng thì nội thất Eco là một trong những lựa chọn nên ưu tiên hàng đầu.

Phòng bếp ăn

Nhà bếp là nơi thường xuyên bị ám mùi dầu mỡ, thức ăn nên việc thiết kế, trang trí nội thất phong cách Eco cũng rất phù hợp để giúp cải thiện chất lượng không khí. Một phòng bếp thoáng đãng và xanh mát sẽ tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người nội trợ, từ đó khơi nguồn cảm hứng chế biến những món ăn thơm ngon. Khéo léo sử dụng giá kệ, bạn hoàn toàn có thể bố trí được cả vườn thảo mộc trong phòng bếp, mang đến sự tươi mới, tràn đầy năng lượng cho căn phòng. Ánh sáng tự nhiên là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với phòng bếp phong cách Eco. Ánh sáng có thể đến từ khung cửa sổ, giếng trời, cửa mở ra sân sau nhà.

Góc phòng bếp ấm cúng với nội thất gỗ tự nhiên chủ đạo.
Mẫu phòng ăn phong cách Eco hiện đại, sử dụng nội thất kiểu dáng thanh thoát.

Phòng tắm

Trước đây, nhiều người quan niệm phòng tắm chỉ là không gian phụ, không cần thiết phải đầu tư vào thiết kế và trang trí. Tuy nhiên, đây là không gian hết sức riêng tư – nơi bạn được rũ bỏ hết bụi bẩn, thậm chí là cả những ưu phiền sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Phòng tắm vì thế ngày càng được chú trọng đầu tư hơn. Với phong cách Eco, bạn hãy biến căn phòng này thành “thác nước” giữa rừng cây hay đại dương xanh mát bằng cách sử dụng giấy dán tường họa tiết, tranh tường hoặc gạch ốp lát 3D sống động. Thêm một vài chậu cây xanh, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi tích cực về mặt thị giác.

Mẫu phòng tắm phong cách Eco điển hình.
Phòng tắm tuy không rộng rãi nhưng vẫn rất thoáng sáng, bài trí ấn tượng.

Như vậy, những thông tin trên sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan nhất về phong cách nội thất Eco. Nếu đang có ý định thiết kế hoặc cải tạo nhà theo hướng này, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của kiến trúc sư, người có chuyên môn, kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao nhất.

 

Lam Giang

 

> Vì sao phong cách thiết kế nội thất Art Deco luôn giữ được độ “nóng” với giới mộ điệu?

> “Thoát tục” và an lạc với phong cách nội thất Zen

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm