Sở Xây dựng Bình Dương: Dự án Vita Riverside chưa được huy động vốn

| 17-06-2020, 18:14 | Thị trường 24h

Vừa qua, Tài chính Doanh nghiệp đã đăng tải bài viết: “Tuấn Điền Phúc và Tạo Tín Phát đang huy động vốn trái phép tại dự án Vita Riverside”. Theo đó, nhiều thông tin rao bán đất nền tại dự án Vita Riverside, tại phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được quảng cáo rầm rộ, nhiều nhân viên tổ chức nhiều điểm phát tờ rơi, chèo kéo khách hàng.

Qua tìm hiểu thực tế của PV, hiện nay dự án Vita Reverside đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng dở dang, hệ thống đường giao thông chưa được rải thảm nhựa, chưa bó vỉa hè; hệ thống điện chiếu sáng chưa lắp đặt… Vậy nhưng, Công ty Tạo Tín Phát và Tuấn Điền Phúc lại bắt tay nhau thu tiền của hàng trăm khách hàng, gây ra rất nhiều rủi ro cho người mua. Nếu dự án chưa được các cơ chức năng cấp phép, khi bị xử phạt thì dự án sẽ phải dừng thi công người mua sẽ lãnh đủ hậu quả.

Sở Xây dựng Bình Dương: Dự án Vita Riverside chưa được huy động vốn

Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 78/QĐ-XPVPHC ngày 20/5/2020


Cụ thể, phương thức thanh toán trả chậm không lãi suất được chia làm 8 đợt, khách hàng đặt cọc 50 triệu đồng/nền, sau 7 ngày sẽ ký “Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và thanh toán 40% giá trị nền đất bao gồm cả tiền đặt cọc. Các đợt thanh toán tiếp theo cách 30 ngày tuỳ theo tỷ lệ mà công ty đưa ra và tới đợt thứ 7, khi khách hàng đã thanh toán 95% giá trị nền đất mới được ký “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Còn phương thức thanh toán nhanh là khách hàng ký “Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và thanh toán luôn 95% giá trị nền đất sau 7 ngày đặt cọc, nhưng phải đến 6 tháng sau mới được ký “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, hình thức ký “Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đã được rất nhiều chủ đầu tư sử dụng để thu tiền của khách hàng trong thời gian vừa qua lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và có những trường khách hàng mất tiền “oan” vì hình thức hợp đồng kiểu “lách luật” này.

Ngoài ra, tính đến ngày 14/5/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, chưa nhận hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc (Vita Riverside) tại phường Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên.

Theo Chi cục quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay Công ty Tuấn Điền Phúc chưa lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất dự án khu nhà ở Tuấn Điền Phúc. Công ty Tuấn Điền Phúc cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí theo quy định.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Dương đã chỉ đạo kiểm tra thông tin bán đất nền trái phép tại dự án Vita Riverside.


Liên quan đến vụ việc này, Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, dự án Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc (tên thương mại Vita Riverside, do Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc làm chủ đầu tư) đến nay chưa được Sở cấp Giấy phép xây dựng theo quy định. Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra và phát hiện chủ đầu tư Khu nhà ở Tuấn Điền Phúc tổ chức thi công hạ tầng kỹ thuật trái phép tại dự án và đã xử phạt vi phạm hành chính.

Về biện pháp ngăn chặn tình trạng mua bán nhà ở khi chưa đủ điều kiện, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã có Công văn về việc đề nghị chủ đầu tư các dự án phải hoàn chỉnh thủ tục theo quy định trước khi đưa sản phẩm vào giao dịch, mở bán dự án, gửi tất cả các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn để thực hiện.

Riêng đối với việc Công ty TNHH MTV Tuấn Điền Phúc bán sản phẩm khi chưa đủ điều kiện theo quy định, Sở Xây dựng Bình Dương cho biết sẽ, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật. 

Hệ luỵ của “Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất”

Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng, đối với những hợp đồng mang tính chất “lách luật” như thế này, khi xảy ra vấn đề tranh chấp thì khách hàng là người chịu thiệt vì đây là một hợp đồng giả. Các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, trong đó cả chủ đầu tư và người mua nhà đều biết rõ mục đích thật sự của giao dịch không phải là góp vốn hay vay vốn mà là nhằm mục đích mua bán nhà.

“Hợp đồng góp vốn là một trong những cách mà rất nhiều chủ đầu tư hiện nay cho rằng đang “lách luật” để huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán bởi theo quy định của Luật kinh doanh Bất động sản và Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì việc huy động vốn để xây dựng Dự án nhà ở khi chưa đủ điều kiện mở bán do Sở Xây dựng địa phương cho phép bằng văn bản là hành vi vi phạm pháp luật và bị cấm”, Luật sư Ý cho biết thêm.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm