Chi phí “đội vốn”, giá nhà khó giảm

| 22-06-2020, 09:13 | Thị trường 24h

Chi phí “đội vốn”, giá nhà khó giảm

Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, mức giá trung bình trên thị trường TP.HCM trong khoảng thời gian từ cuối năm 2019 cho đến hết quý I/2020 đạt mức cao kỷ lục trong cả thập kỷ qua, gần 2.900 USD/m2 (khoảng 66 triệu đồng/m2).

Căn hộ giá có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm, hiện giá thấp nhất trên thị trường rơi vào khoảng 27 - 28 triệu đồng/m2. Các dự án căn hộ mới tại TP.HCM được phân bổ ở các khu vực xa trung tâm như quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh… cũng đã có mức giá chào bán với khoảng giá trung bình từ 30 - 35 triệu đồng/m2.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam phân tích, nguồn vốn để phát triển bất động sản nhà ở là từ người mua trả tiền trước, từ việc đi vay ngân hàng nhưng giờ ách tắc ngay chỗ cấp phép xây dựng, rất nhiêu khê.

Nếu kéo dài thì sản phẩm bất động sản sẽ không ngừng bị “đội vốn”, dự kiến nếu hiện nay có sản phẩm bán chừng 25 - 30 triệu đồng/m2, nhưng sắp tới sẽ phải bán lên 35 triệu đồng/m2. Vì bản thân các doanh nghiệp phải căn cứ giá thành đầu vào để tính toán đầu ra, đầu vào cao thì đầu ra tăng, cuối cùng chỉ có người mua nhà là lãnh đủ.

Đồng quan điểm, các nhà phát triển bất động sản đều cho rằng sở dĩ giá bất động sản tại TP.HCM không ngừng tăng cao là do chi phí đầu vào thời gian qua quá cao, quỹ đất để phát triển dự án ngày càng khan hiếm, hoặc có mua được giá cũng cao. Và với tình trạng như hiện nay mà nói, giá bất động sản khó có thể giảm được, trừ khi có nguồn cung được tung ra thị trường cân bằng với nhu cầu thực tế.

Theo ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, để một dự án “đắp chiếu” lâu năm thì đương nhiên giá bất động sản sẽ tăng lên vì các chi phí tài chính phát sinh buộc doanh nghiệp phải cộng vào giá thành. Giá trị bất động sản khó giảm vào lúc này. Nếu có giảm thì do giảm lợi nhuận của doanh nghiệp để bình ổn giá thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu của nhiều người. "Nếu chúng tôi vẫn giữ được kỳ vọng lợi nhuận như trước đây thì giá bất động sản sẽ tăng", ông Dũng nhận định.

Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ của Bộ Xây dựng mà còn liên quan các bên như Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành khác để đẩy mạnh phân khúc nhà giá thấp. Cụ thể, hỗ trợ về đất đai như thế nào để kéo giảm giá xuống? Có thể cho doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất hay thậm chí giảm tiền thuế cho phân khúc này? Hay thậm chí có giải pháp hỗ trợ về vốn khi doanh nghiệp tham gia. Hay rất nhiều thủ tục liên quan trong hoạt động xây dựng thì được ưu đãi, ưu tiên gì để thực hiện phát triển nhà giá thấp...

Theo Gia Miêu/Laodong.vn

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm