Trường đua ngựa 9.500 tỷ của đại gia Hàn Quốc tại Sóc Sơn vẫn ‘bất động’ vì thiếu giấy phép kinh doanh đặt cược

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 26-06-2020, 10:50 | Thị trường 24h

Dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa tại Sóc Sơn (Hà Nội) có tổng mức đầu tư 9.577 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD, riêng hạng mục trường đua ngựa có vốn đầu tư khoảng 348 triệu USD. Nguồn vốn thực hiện dự án được huy động từ vốn tự có của nhà đầu tư 120 triệu USD, vay từ các tổ chức tín dụng 300 triệu USD.

Dự án này cũng hướng tới mục tiêu kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất dự án thông qua đầu tư, xây dựng, kinh doanh khách sạn 3 sao, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng chuẩn 3 sao, trung tâm thương mại, hội nghị, hội thảo trong khu vực dự án.

 Hình minh họa

Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến 125ha, trong đó trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.

Trường đua ngựa Sóc Sơn dự kiến được đầu tư theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1, từ quý I/2018 đến quý III/2019, hoàn tất các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng; giai đoạn 2, từ quý IV/2019 đến quý I/2024, triển khai xây dựng tất cả hạng mục dự án.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cho đến nay tổ hợp hoành tráng này vẫn đang “nằm im chờ thời” do chưa được cấp phép kinh doanh đặt cược.

Một trường hợp khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như dự án trường đua ngựa Sóc Sơn là dự án đua chó của tập đoàn Vabis (của doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ). Dự án này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007, nhưng vẫn phải chờ đợi hành lang pháp lý để hoạt động.

Nhưng điều lo ngại là đến khi có văn bản hướng dẫn, tập đoàn Vabis có nguy cơ phải quay về điểm xuất phát do được yêu cầu xin cấp lại chủ trương đầu tư. Vì vậy, dù dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể đi vào hoạt động.

 Hình minh họa

Theo Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam, tình trạng của 2 dự án nói trên tiêu biểu cho sự thiếu đầy đủ, không đảm bảo quản lý toàn diện các khía cạnh của hệ thống văn bản pháp lý. Điều này dẫn đến sự khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, làm kéo dài thời gian cấp phép cho các dự án.

Ngoài văn bản pháp luật thiếu đầy đủ, những yếu tố được xem là “cản trở” sự phát triển của ngành dịch vụ vui chơi, giải trí có thưởng có thể kể đến như mức thuế suất cao (30% - 40% tùy trò chơi) hoặc thủ tục phức tạp (đòi hỏi người chơi Việt Nam phải xuất trình nhiều loại giấy tờ chứng minh thu nhập)…

Hiệp hội nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam cho rằng chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục chứng minh tài chính đối với người Việt Nam vào casino, xem xét hỗ trợ nhà đầu tư bằng những gói trợ cấp hoặc ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp như cắt giảm hoặc áp dụng mức thuế suất thấp…

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm