Dư 70-100 triệu m2 nhà ở trung - cao cấp trên cả nước

| 25-06-2020, 05:33 | Thị trường 24h

Theo thông tin Bộ Xây dựng, thị trường cả nước hiện đang dư thừa khoảng 70-100 triệu m2 sàn nguồn cung nhà ở trung, cao cấp. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp lại đang bị thiếu hụt.

Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản 2019 sau giai đoạn tăng trưởng liên tiếp hiện đang ghi nhận xu hướng chững lại tại một vài phân khúc với nguồn cung giảm 10%, lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018. Đặc biệt, các chỉ tiêu của thị trường từ giai đoạn những tháng cuối năm 2019 đều giảm. Lượng giao dịch bất động sản so với cùng kỳ năm trước đó cũng giảm hơn 70% trong khi nguồn cung dự án mới cũng ghi nhận mức giảm hơn 40%.

Từ lâu không còn xa lạ với thị trường, vấn đề mất cân đối trong quan hệ cung - cầu bất động sản đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết hiệu quả. Đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp với giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên, nhu cầu nhà ở của người dân hiện chỉ chiếm từ 20-30%, trong khi nguồn cung nhà ở loại này lại chiếm hơn 65% tổng số sản phẩm triển khai. Ước tính, số m2 sàn trung cấp đang dư thừa trên thị trường hiện lên tới khoảng 70-100 triệu m2. 

  

Thị trường bất động sản đang thiếu hụt dòng sản phẩm nhà bình dân nhưng lại dư thừa loại hình nhà ở trung - cao cấp. Ảnh minh họa

Trong khi đó, dù nhu cầu chiếm đến 70-80% thị trường nhưng nguồn cung của phân khúc nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 lại thiếu trầm trọng. Điển hình trong đó là tình trạng lệch pha cung cầu ngày càng nghiệm trọng đang diễn ra phổ biến tại các thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội. Số liệu từ HoREA chỉ ra rằng, TP.HCM trong 2 quý gần đây gần như không ghi nhận thêm bất cứ một dự án nhà ở bình dân nào được khởi công. Nghiên cứu từ DKRA Việt Nam cũng cho thấy, loại hình nhà giá rẻ đã không còn xuất hiện trên thị trường từ năm 2019 trở lại đây trong khi phân khúc cao cấp, hạng sang đang chiếm hơn 30% tổng sản phẩm chào bán tại TP.HCM. Trên thực tế, các địa phương vẫn chưa quan tâm thực hiện vấn đề rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu các dự án BĐS để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

 Hình minh họa

Không chỉ riêng loại hình nhà thương mại bình dân, sự khan hiếm về nguồn cung còn xảy ra đối với nhà ở xã hội. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng, hiện đang có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH trên cả nước dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân trong các khu công nghiệp. Trong đó, 248 dự án đã hoàn thành với khoảng hơn 103.500 căn và 264 dự án đang tiếp tục triển khai với khoảng 216.500 căn. Riêng 206 dự án nhà ở xã hội hiện đang tạm dừng thi công hoặc bị chậm tiến độ. So với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, đến nay các dự án nhà ở xã hội trên cả nước mới đang hoàn thành hơn 5.175.000m2, đạt khoảng 41,4%.

Nhà nước hiện cũng chưa đưa ra cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, có quy mô vừa và nhỏ để phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân. Trong khi đó, bên cạnh vấn đề chưa bố trí vốn cho nhà ở xã hội, các địa phương cũng chưa quan tâm hỗ trợ chủ đầu tư bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án. Nhà nước hiện cũng chưa đưa ra các định chế tài chính cho phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội. Hệ thống hành lang pháp lý cũng đang cho thấy những rào cản với thị trường và hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Mặt khác, thị trường hiện cũng đang chịu sự chi phối của nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Để giúp thị trường BĐS phát triển theo hướng bền vững, minh bạch, theo các doanh nghiệp, họ vẫn cần tới sự trợ lực từ chính sách liên quan tới đất đai, thủ tục, tài chính,… và sự đồng hành, nhập cuộc của các địa phương.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm