Giá bán nhà phố, căn hộ có xu hướng đi ngang và giảm từ 3 – 5%

| 17-07-2020, 05:27 | Thị trường 24h

Thị trường Bất động sản (BĐS) đã đi qua được nửa chặng đường của năm 2020 với những biến động, thách thức lớn từ đại dịch Covid-19. Điều này đã cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản, ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các cá nhân có nhu cầu BĐS. Vậy, viễn cảnh nào cho thị trường 6 tháng cuối năm? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta cùng nhìn lại bức tranh tổng thể của thị trường BĐS quý I và II trong năm 2020: 

Thị trường BĐS nửa năm 2020 tại TP.HCM có nhiều biến động trước tác động covid-19

Con vi-rút nhỏ bé làm cả thế giới lao đao

Nhắc đến năm 2020, người ta sẽ nghĩ ngay đến đại dịch Covid-19. Cuối năm 2019, từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc xuất hiện một con vi-rút lạ, chỉ trong thời gian ngắn vi rút này đã nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và cả nền kinh tế. Việt Nam chúng ta dù đã làm tốt trong công tác phòng chống dịch nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề về mặt kinh tế và BĐS cũng nằm trong số đó. Để bảo vệ sức khỏe người dân Chính phủ buộc phải đưa ra chính sách giãn cách xã hội và cấm nhập cảnh với các trường hợp không cần thiết. Điều đó đã tác động lớn đến nền kinh tế mà đặc biệt là BĐS, ngành chịu tác động mạnh mẽ và rất nhiều nhóm ngành hàng khác nhau của nền kinh tế (hơn 90 ngành nghề), cùng với đó là hàng triệu lao động. Tuy vậy, cùng với kiểm soát dịch bệnh hiệu quả thì thị trường cũng dần khởi sắc. Chúng ta cùng nhìn lại diễn biến thị trường BĐS tại thành phố Hồ Chí Minh theo thống kê của Propzy:


Giá bán nhà phố, căn hộ có xu hướng đi ngang và giảm từ 3 – 5%

Số lượng các sản phẩm rao bán (nguồn cung bất động sản) có xu hướng gia tăng. Đại dịch Covid-19 đã làm các doanh nghiệp và nhà đầu tư lao đao, khiến dòng tiền bị ngưng trệ. Áp lực từ chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu buộc họ phải đưa ra chính sách bán nhanh các tài sản, thậm chí chấp nhận chịu lỗ để ưu tiên giữ tiền mặt. Tuy nhiên, nguồn cầu lại không nhiều do chính sách cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự khiến hàng loạt lao động bị thất nghiệp dẫn đến nhu cầu BĐS trong dân hầu như đều sụt giảm. Ở phân khúc cho thuê, nhiều thương hiệu, cửa hang mà đặc biệt là lĩnh vực F&B (dịch vụ ăn uống) phải trả mặt bằng vì không trụ nổi dẫn đến lượng bất động sản chào thuê tăng lên rõ rệt.


Về giá bán: giá bán trung bình của nhà phố và căn hộ có xu hướng đi ngang và có giảm đôi chút từ 3 – 5% tùy khu vực. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu do lượng cung nhiều hơn cầu cũng như tâm lý thận trọng của người dân sau đợt dịch covid-19. 

Về giá thuê: có lẽ phân khúc cho thuê là là phân khúc chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch. Với việc các thương hiệu, cửa hàng trả mặt bằng cùng chính sách hạn chế nhập cảnh đã khiến cho nguồn tiền đầu tư từ nước ngoài suy giảm nghiêm trọng do đó việc mở rộng kinh doanh vào lúc này dường như là bất khả thi. Các yếu tố đó đã đẩy phân khúc cho thuê vào bối cảnh đìu hiu. Dễ thấy nhất ở các tuyến đường lớn khi trước đây là các tuyến phố kinh doanh sầm uất thì nay trở nên vắng vẻ với các biển Cho thuê nhà dán chằng chịt. Trên các trang web đăng tin BĐS hay Mạng xã hội ta cũng dễ bắt gặp các tiêu đề “cần tiền, cho thuê gấp, giảm giá mạnh,…”

Giá bán nhà phố, căn hộ có xu hướng đi ngang và giảm từ 3 – 5%

Xét về tổng thể có thể khẳng định rằng thị trường đã có phần khởi sắc, nhưng sẽ là viển vông nếu cho rằng thị trường có thể hồi phục ngay được khi đại dịch Covid vẫn còn đang hoành hành ở một số quốc gia trên Thế giới và Việt Nam vẫn áp dụng chính sách hạn chế nhập cảnh ít nhất cho đến tháng 09/2020. 

Tuy nhiên suy cho cùng dù trong hoàn cảnh nào thì BĐS vẫn được xem là kênh trú ẩn an toàn và là loại hình đầu tư có mức sinh lời cao, được nhiều người ưa chuộng.  Vừa qua Chính phủ đã thông qua một số chính sách có tác động tích cực đến thị trường BĐS, có thể điểm qua:

– Quyết định 430/QĐ-TTG: Ngày 3/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 430 về việc phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Tp.HCM đến năm 2025.

– Quyết định 41/2020/NĐ-CP: Ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

– Nghị quyết số 41/NQ-CP: Ngày 9/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc hỗ trợ an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, đồng thời thực hiện các giải pháp cho sản xuất kinh doanh, trong đó có thị trường BĐS.

– Nghị quyết số 71/2018/QH14: Trong năm 2020, từ Nghị quyết này Chính phủ cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, và bổ sung 2.000 tỉ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.

Cùng với các chính sách trên, tâm lý thận trọng của người dân dần được gỡ bỏ, các hoạt động giao dịch bắt đầu sôi động trở lại. Dựa trên các cơ sở đó, người viết nhận định 6 tháng cuối năm 2020, thị trường sẽ phục hồi theo cách chậm mà chắc.

– Đối với loại hình mua bán: giá nhà phố phân khúc trung bình sẽ tăng nhẹ khoảng 10-15%. Phân khúc căn hộ sẽ khó khăn hơn do đây không phải là sự lựa chọn tối ưu cho các nhà đầu tư mà thiêng về đối tượng khách hàng có nhu cầu ở thực. Vì thế, giá sẽ ít có biến động do tình trạng giảm lương, thất nghiệp vẫn còn tồn đọng.

– Đối với loại hình cho thuê: người viết nhận định khó có thể phục hồi ngay trong năm 2020 được vì dòng tiền từ nước ngoài đổ về vẫn còn bị hạn chế, các hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh, thương mại du lịch vẫn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ít nhất cho đến khi nào Thế giới giải được hoàn toàn bài toán mang tên Covid-19. Giá thuê BĐS dự tính sẽ đi ngang hoặc có chiều hướng giảm nhẹ, cùng với các điều khoản hỗ trợ với người thuê.

– Về xu hướng đầu tư: phân khúc nhà phố và đất nền bình dân sẽ được ưu tiên hơn vì pháp lý rõ ràng, độ rủi ro thấp, tính thanh khoản cao, phù hợp với tài chính của nhiều người. Với việc tăng giá nhanh trong giai đoạn 2015-2018 giá BĐS ở khu vực nội thành đã dần đến mức bão hòa. Ngược lại cùng với sự phát triển về hạ tầng, kết nối giao thông thuận tiện, các tiện ích,…khiến khu vực ngoại thành đã và đang trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn với nhu cầu về chỗ ở cao, dư địa phát triển còn nhiều, trong đó phải kể đến các khu vực như Quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Quận 12, Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi.

Propzy 

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm