Trúng thầu hàng loạt dự án, TNR Holdings và Hano-Vid có khiến thị trường BĐS tỉnh lẻ "bội thực"?

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 20-07-2020, 04:56 | Thị trường 24h

Trúng thầu hàng loạt dự án, TNR Holdings và Hano-Vid có khiến thị trường BĐS tỉnh lẻ "bội thực"?
Phối cảnh dự án dự án TNR GoldSilk Complex Hà Nội.

Liên tiếp trúng thầu nhiều dự án bất động sản tỉnh lẻ

Mới đây, Mạng đấu thầu Quốc Gia đã công bố loạt thông báo về đơn vị trúng thầu dự án đô thị, trong đó, Bất động sản Hano – Vid trúng thầu 2 dự án “khủng” ở Lai Châu và Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể tại Hà Tĩnh, Bất động sản HANO- VID trúng thầu Dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, huyện Hương Sơn, quy mô 10,8ha, với tổng đầu tư 799.053.000.000 VNĐ. Trong khi đó tại Lai Châu, đơn vị này trúng thầu dự án Khu dân cư 5A – 7B, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, quy mô 50ha, với tổng vốn đầu tư 1.200.784.000.000 VNĐ.

Thông tin công bố trên Mạng Đấu thầu Quốc gia về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trúng thầu dự án
Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, huyện Hương Sơn.

Không chỉ trúng thầu 2 dự án có quy mô nghìn tỷ nêu trên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, Hano – Vid và TNR Holdings liên tiếp trúng thầu hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ, có quy mô từ vài chục tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Cụ thể, tháng 10/2018, Hano-Vid là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển tại Dự án Đầu tư xây dựng Khu dân cư phía Tây Nhà máy Bia Đông Mai, phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với quy mô 70ha.

Đến tháng 1/2019, liên danh TNR Holdings Việt Nam - Hano-Vid đã được Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP. Bắc Kạn công bố là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển tại Dự án Khu dân cư Đức Xuân 4, TP. Bắc Kạn (giai đoạn I). Tổng diện tích đất sử dụng cho Dự án là 6,7 ha với số vốn đầu tư dự kiến 59,42 tỷ đồng.

Cùng thời điểm này, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến theo hình thức chỉ định thầu, và liên danh TNR Holdings Việt Nam - Hano-Vid tiếp tục trúng thầu, dự án có tổng mức đầu tư 438,51 tỷ đồng.

Vào tháng 2/2019, Hano-Vid là nhà đầu tư duy nhất vượt qua vòng sơ tuyển tại dự án Khu dân cư tổ 3, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông với giá trị 684,1 tỷ đồng.

Tại Hà Tĩnh, tháng 8/2019, Hano-Vid đã tham gia dự thầu dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, huyện Hương Sơn và trở thành nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển. Dự án có tổng mức đầu tư gần 814 tỷ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích đất 107.961,14 m2 ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Cũng trong năm 2019, liên danh CTCP May - Diêm Sài Gòn và CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, những doanh nghiệp cùng "group" với Hano-Vid cũng đã lọt qua vòng sơ tuyển dự án Dự án Khu dân cư đô thị ven sông Hội, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 2) có quy mô 21ha, tổng mức đầu tư 898 tỷ đồng.

Mới đây nhất, vào tháng 4/2020, Hano-Vid đã trúng thầu dự án Khu dân cư tổ 6, tổ 7 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh theo hình thức chỉ định thầu. Dự án có diện tích đất 8ha, tổng chi phí thực hiện gần 324 tỉ đồng.

Trong khi đó, trong đầu năm nay, Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn và Hano-vid là 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển Dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 2, huyện Hương Sơn có tổng mức đầu tư trên 403 tỉ đồng.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì thời gian tới, Công ty CP Bất động sản Hano-vid (độc lập hoặc cùng với liên danh) sẽ góp mặt tại ít nhất 10 dự án với tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 6 nghìn tỷ đồng. 

Thấy gì từ mối liên hệ giữa TNR Holding Việt Nam và Hano-Vid?

TNR Holdings Việt Nam và Hano-Vid vốn không  phải là những cái tên xa lạ gì trong giới đầu tư bất động sản, bởi họ đã và đang sở hữu những dự án lớn, trải dài từ nam ra bắc.

Mối quan hệ giữa Hano-Vid và TNR Holdings Việt Nam khá mật thiết. Ngoài liên danh đầu tư tại các dự án kể trên, tại dự án Goldsilk Complex Hà Nội, Hano-Vid là chủ đầu tư, còn TNR Holdings Việt Nam là đơn vị quản lý và phát triển Dự án.

Đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản TNR Holdings, đây là một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đầu tư TNG (hiện nay là Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group). Tại Hà Nội, TNR Holdings sở hữu hàng loạt dự án như: TNR Tower Hoàn Kiếm, TNR Láng Hạ (Sky City), TNR Nguyễn Chí Thanh, TNR Goldmark City, TNR GoldSeason, TNR GoldSilk Complex...; tại TP.HCM, TNR Holdings nắm giữ các dự án như: TNR Nguyễn Công Trứ, TNR The GoldView...

Thời gian qua, TNR Holdings Việt Nam và Công ty Cổ phần Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân cũng trúng thầu nhiều dự án lớn tại các tỉnh. Theo đó, Liên danh Việt Hân - TNR Holdings Việt Nam được chỉ định thầu Dự án Đầu tư xây dựng Khu biệt thự sông Uông, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Tổng diện tích đất sử dụng là 320.167 m2.

Trong tháng 12/2018, Việt Hân và TNR Holdings Việt Nam lần lượt trở thành nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển 2 dự án đầu tư phát triển đô thị tại Cao Bằng.

Cụ thể, Việt Hân trúng sơ tuyển Dự án Phát triển đô thị số 9A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng với tổng chi phí thực hiện Dự án là hơn 529 tỷ đồng và diện tích đất sử dụng là 19,5 ha; TNR Holdings Việt Nam liên danh với Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang trúng sơ tuyển Dự án Phát triển đô thị số 7A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng với tổng chi phí thực hiện Dự án là 337,5 tỷ đồng.

Gần đây, TNR Holdings là cái tên được nhiều người nhắc đến nhất trong giới bất động sản miền Bắc khi nhiều dự án do doanh nghiệp này thực hiện liên tục dính vào những vụ lùm xùm với cư dân.

Cụ thể, tại dự án TNR Stars Đồng Văn, khi tranh chấp giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư kéo dài từ nhiều năm nay không được giải quyết dứt điểm. Khách hàng tỏ ra bức xúc khi đã ký hợp đồng mua bán và thực hiện đóng 95% giá trị hợp đồng chuyển nhượng nhưng đến hiện nay vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.

Mới đây, hàng trăm người dân đã tụ tập, căng băng rôn tại trụ sở Tập đoàn TNG ( số 54 Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) hô vang khẩu hiệu “Tập đoàn TNR – Dự án Đồng Văn – lừa đảo dân cư”, đồng thời lên tiếng phản ánh TNR lừa đảo, chiếm dụng hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng.

Ngoài ra, TNR Holdings cũng vướng nhiều tai tiếng, bị cư dân tố “lừa đảo”, “bội tín”… liên quan đến việc tranh chấp chung cư, mâu thuẫn với cư dân tại các dự án lớn như Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); TNR Goldsilk Complex (số 430 Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội),…

Khách hàng mua đất tại Khu nhà ở KCN Đồng Văn II tố TNR Holdings Việt Nam "lừa đảo". 

Còn Công ty CP Bất động sản Hano-Vid, theo tìm hiểu, doanh nghiệp này thành lập ngày 26/11/2010, có trụ sở tại 430, Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội.

Hano-Vid được thành lập bởi 3 pháp nhân là: Công ty cổ phần Dệt Hà Đông, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group), với vốn điều lệ 771,5 tỉ đồng. Hiện, công ty có vốn điều lệ 3.544 tỉ đồng.

VID Group là tiền thân của TNG Holdings Việt Nam (Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam là công ty thành viên). Thời điểm thành lập Hano-Vid, VID Group đã góp tới 60% vốn tại CTCP Bất động sản Hanovid để triển khai dự án tổ hợp Goldsilk Complex tại Hà Nội.

Đầu tháng 3/2020, Hano-Vid đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 2.392 tỷ đồng lên 3.544 tỷ đồng, đồng thời thay đổi Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật từ ông Phạm Đình Cao sang ông Nguyễn Thế Đạt.

Động thái tăng vốn khủng được cho là động thái chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư các dự án bất động sản tỉnh lẻ của Hano-Vid.

Thị trường tỉnh lẻ, hấp dẫn nhưng không dễ "ăn"

Xu hướng đầu tư tỉnh lẻ đã xuất hiện trong khoảng 2-3 năm trở lại đây khi quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, những đô thị tỉnh lẻ giàu tiềm năng phát triển và đang được các doanh nghiệp bất động sản nhắm tới.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ cuối năm 2017, thị trường bất động sản tại các tỉnh lẻ đã “nóng” lên nhờ những dự án từ các chủ đầu tư lớn. Hàng loạt dự án của nhiều “ông lớn” được ra mắt ở cả các thị trường Bắc, Trung, Nam.

Có thể nói, cơ hội và tiềm năng của bất động sản tỉnh lẻ vẫn đang mở rộng, song bên cạnh những cơ hội đầu tư nên nắm bắt, các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo khi chuyển hướng đầu tư vào các thị trường “mới nổi” này. Bởi khi quyết định đầu tư vào một thì trường mới mẻ và còn khá ít dự án thì cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận nhiều rủi ro.

Thị trường bất động sản tỉnh lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, đối với bất động sản ngoại tỉnh, không phải khu vực nào cũng có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, do diện tích đất đai rộng lớn, những khu vực có thanh khoản cao không nhiều. Dù giá mềm nhưng nếu không phù hợp với đặc tính của dân cư trong tỉnh thì việc ra hàng sẽ rất khó khăn. Không ít dự án phân lô bán đất xong rồi bỏ hoang hoặc thay đổi quy hoạch ban đầu, mà người gánh chịu rủi ro không ai khác chính là khách hàng. Điều này đã được chứng minh rõ ràng qua thực tế thị trường thời gian qua.

Mặt khác, khi đầu tư vào bất động sản tỉnh lẻ, các doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án lớn cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều doanh nghiệp đang bị “chôn” vốn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh do dự án không thể triển khai được, lượng vốn này rất lớn. Điều này ảnh hưởng đến nguồn vốn, tiềm lực tài chính của nhiều doanh nghiệp và tiến độ dự án.

Trong khi đó, việc huy động vốn của doanh nghiệp (như vốn vay từ ngân hàng) khi phát triển dự án tại tỉnh lẻ sẽ kém hơn so với khi phát triển dự án tại thành phố lớn do giá trị tài sản đảm bảo, thế chấp hay bảo lãnh của doanh nghiệp có dự án ở tỉnh lẻ thường bị định giá kém hơn rất nhiều.

Ngoài ra, còn chưa kể đến việc cơ sở hạ tầng tại tỉnh lẻ còn thiếu và yếu, hạ tầng vật chất (điện, đường giao thông) và hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, khu vui chơi, khu hành chính) chưa phát triển đồng bộ…

Thực tế, khi bất động sản dịch chuyển về các tỉnh lân cận thành phố lớn, thị trường bất động sản sẽ được mở rộng và nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, ở các tỉnh lẻ, nếu vị trí dự án không thực sự thuận lợi thì thanh khoản sẽ khó khăn bởi không phải khu vực nào người dân cũng có nhu cầu, hơn nữa sức mua ở các tỉnh cũng kém hơn nhiều so với ở thành phố lớn.

Thậm chí, một số điểm nóng khi nhiều dự án cùng lúc được triển khai nhà đầu tư sẽ mắc kẹt trong cơn sốt đất cục bộ và bài toán hạ tầng. Cùng với đó, sự phát triển quá nhanh, mang tính phong trào và tự phát ở một số nơi cũng đang gây ra những lo ngại nhất định.

Bởi bài học 10 năm trước vẫn còn đó khi thời điểm giá đất các tỉnh còn thấp, doanh nghiệp cũng đổ về các tỉnh. Song những dự án, khu đô thị mọc ra quá nhanh, quy mô quá nhỏ, hạ tầng thiếu hụt, không thu hút được cư dân về sinh sống...

Hệ quả là không ít doanh nghiệp “mắc cạn” tại các dự án bất động sản tỉnh lẻ, khó "thoát thân" khi muốn triển khai dự án mới.

Theo Hải Lan/ Sở hữu trí tuệ

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm