Làn sóng Covid lần 2 khiến nhu cầu mua BĐS vừa nhen nhóm tăng đã giảm mạnh

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 17-08-2020, 04:14 | Thị trường 24h

Nhu cầu mua BĐS tiếp tục giảm mạnh ngay sau thông tin bùng phát dịch Covid-19. Bất chấp thực tế nguồn cung chào bán vô cùng hạn chế, thị trường vẫn diễn ra tình trạng cung vượt cầu.

Xáo trộn mọi kế hoạch bán hàng

Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 bắt đầu từ Đà Nẵng và đang lan ra nhiều tỉnh, thành phố khác như một gáo nước lạnh tạt vào thị trường BĐS vừa gắng gượng trở lại. Mọi kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp và các sàn BĐS gần như đảo lộn khi mà làn sóng tích trữ tiền mặt, rút khỏi các hoạt động đầu tư rục rịch diễn ra. Theo tìm hiểu trước đó của Batdongsan.com, trong tháng 8 nhiều doanh nghiệp địa ốc đã lên kế hoạch bung sản phẩm ra thị trường. Song trước sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 lần này, khả năng kế hoạch của nhiều doanh nghiệp sẽ bị đình hoãn.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại quận 3 chia sẻ, mọi hoạt động bán hàng giờ buộc phải sắp xếp lại. Kế hoạch dự kiến sẽ chào bán một dự án nhà phố tại Long An vào đầu tháng 8 của doanh nghiệp phải dừng lại vì thông tin dịch bùng pháp khiến sức mua từ khách hàng giảm mạnh. Một số nhà đầu tư đã chốt kèo trước đó cũng có ý ngưng giao dịch. “Thị trường có người bán nhưng lại không tìm được người mua, khách hàng vẫn hỏi thăm thông tin, vẫn tìm hiểu sản phẩm nhưng bảo họ xuống tiền ngay trong lúc này là rất khó khăn. Vì vậy công ty đành phải hoãn kế hoạch mở bán sang một thời điểm khác thích hợp hơn, có thể là khi dịch được kiểm soát”, vị này cho hay.

Nhiều dự án BĐS buộc phải thay đổi kế hoạch chào bán dự kiến trước đó vì sự bùng phát trở lại của dịch Covid- 19. Ảnh: Phương Uyên

Cùng cảnh ngộ trên, một chủ đầu tư đang chuẩn bị công bố dự án căn hộ quy mô tại Bình Dương cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, kế hoạch bán hàng tập trung phải gác lại, chuyển sang bán trực tuyến hoặc bán rải rác. Dù đã chuẩn bị cho kế hoạch tung sản phẩm từ tháng 6 nhưng mọi dự kiến đều thay đổi. Ngoài việc không thể tổ chức sự kiện bán hàng tập trung, việc rao bán thời điểm này cũng được xem là không thích hợp do người mua đang có tâm lý e ngại và không muốn ra tiền.

Nếu tình trạng dịch bệnh lần này được khống chế trong thời gian ngắn thì các hoạt động sẽ chỉ tạm dừng và sớm khởi động lại, còn nếu kéo dài hơn nữa, khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp địa ốc nhỏ lẻ phá sản vì không đủ sức cầm cự. Nhiều doanh nghiệp cho biết, để cầm cự qua đợt dịch Covid-19 tháng 4 đã phải cắt giảm nhiều khoản ngân sách và tinh giản bộ máy vận hành, nhân sự. Điều này khiến không ít doanh nghiệp thương tổn nghiêm trọng. Việc quay trở lại thị trường lần này rất quan trọng vì quyết định doanh nghiệp có khả năng trụ vững hay giải thể. Tuy nhiên với tình hình phức tạp như hiện nay, một gáo nước lạnh lớn lại dội mạnh vào thị trường, khiến cho hầu hết các hoạt động mua bán nhà đất đóng băng trở lại.

Cung thiếu vẫn cao hơn sức cầu

Theo dữ liệu lớn (big data) của Batdongsan.com.vn, tính riêng trong tháng 7, toàn thị trường TP.HCM có khoảng 2.652 căn hộ được chào bán (chủ yếu đến từ 1 dự án tại quận 9). Đây là lượng nguồn cung khá thấp nếu theo như kế hoạch bán hàng trước đó từ các chủ đầu tư. Tuy nhiên bất chấp nguồn cung hạn chế, nhu cầu mua BĐS đang có xu hướng giảm mạnh và lượng giao dịch trên thị trường cũng ảm đạm hơn tháng trước đó. Ngay khi Covid-19 bùng phát trở lại tại TP. Đà Nẵng, lan rộng ra các tỉnh thành khác, mức độ quan tâm BĐS ghi nhận dấu hiệu giảm sút thấy rõ, nhất là tại Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM.

Nguồn cung nhà đất chào bán trong tháng 7 khá hạn chế nhưng vẫn không kéo được sức cầu cho thị trường. Ảnh: Phương Uyên

Báo cáo thị trường BĐS tháng 7/2020 của Batdongsan.com cho thấy, nhu cầu tìm kiếm BĐS tại hầu hết các phân khúc đều sụt giảm. Nhu cầu tìm kiếm nhà đất toàn thị trường giảm 7% trong khi loại hình đất nền giảm hơn 8%. Riêng ở TP.HCM tổng lượng tìm kiếm nhà đất trong tháng giảm 7% so với tháng trước. Biệt thự, nhà phố liền kề là phân khúc chịu tác động mạnh nhất với nhu cầu tìm mua giảm đến 14% chỉ trong 1 tháng. Nhà riêng cũng có mức độ quan tâm giảm nhẹ trong khi nhà mặt phố giảm thêm 4%. Với loại hình căn hộ, nhu cầu tìm mua trong tháng 7 giảm đến 7% so với tháng trước và chủ yếu ở phân khúc trung cấp, bình dân. Tình hình cũng không khá khẩm hơn với thị trường cho thuê, đặc biệt là loại hình ki ốt, cửa hàng chào thuê có tỷ lệ tìm kiếm sản phẩm giảm 15% chỉ sau 1 tháng.

Với các doanh nghiệp BĐS vừa trải qua đợt khó khăn, mới hoạt động trở lại sau vài tháng lại tiếp tục gặp dịch bệnh nên sự tổn thất về nhân sự, tài chính được đánh giá là khá lớn. Nếu phải có một đợt giãn cách xã hội lần 2, thị trường sẽ lại tiếp tục rơi vào trạng thái "ngủ đông" và có thể dẫn đến sức cầu suy giảm mạnh. Với khách hàng có nguồn tài chính eo hẹp hơn, xu hướng tích lũy tiền mặt sẽ được ưu tiên, ảnh hưởng đến sức mua của BĐS. Riêng nhà đầu tư, tâm lý thận trọng với việc đầu tư BĐS sẽ khiến dòng tiền chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Ở góc nhìn lạc quan, giới chuyên gia cho rằng dịch Covid-19 bùng phát sẽ tác động không lớn đến thị trường do người dân và Chính phủ hiện đã có kinh nghiệm đối phó dịch. Các gói hỗ trợ vẫn đang được tiến hành nên những sản phẩm BĐS đủ pháp lý, có chất lượng, giá bán phù hợp với lựa chọn của nhà đầu tư, người mua ở thực thì vẫn được tiêu thụ tốt.

Phương Uyên


> BĐS mùa covid: Đất nền, nhà phố “hẻo” khách, chung cư vẫn tự tin hét giá
> Chuyên gia mách nước, có tiền mặt nên gom BĐS nào, ở đâu?
Làn sóng Covid lần 2 khiến nhu cầu mua BĐS vừa nhen nhóm tăng đã giảm mạnh
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm