Cập nhật top những quán ăn lâu đời vẫn hút khách ở Sài thành

| 21-08-2020, 12:20 | Thị trường 24h

Không chỉ là địa chỉ được nhiều người sành ăn đánh giá cao, những quán ăn lâu đời dưới đây còn lưu giữ nhiều ký ức về Sài thành xưa với tuổi đời trên 50 năm.

1. Chè Châu Giang – Quán ‘chè ma’ bán suốt 80 năm ở Sài Gòn

Quán chè gốc Hoa nằm lọt thỏm trong khoảng vỉa hè trống trước trạm biến áp cũ thời Pháp. Quán chè nằm khiêm tốn gần khu chợ vải Soái Kình Lâm (Q.5, TP. HCM) hoạt động nhộn nhịp nhất vào lúc 21h đến 0h trong căn nhà cổ kính, lưu truyền qua 4 thế hệ nên người xung quanh thường gọi tên quán là “chè ma”, “chè âm phủ” hay “chè cột điện”.



Gắn bó với nhiều thế hệ người Sài thành đã hơn 80 năm, chè Châu Giang thu hút thực khách bởi vị ngọt thanh của hơn 20 loại chè. Đến đây, bạn có thể ăn no căng bụng với các loại chè truyền thống như hạt sen, nhãn nhục, bạch quả, củ năng, sâm bổ lượng, quay linh cao… Chè hột gà là món “best seller” của quán bạn không nên bỏ qua. Ở đây, không gian khá nhỏ, vì thế mọi người thường chọn mua về để thưởng thức.


Địa chỉ: số 450 Trần Hưng Đạo, Phường 14, Quận 5, TP.HCM
Giờ mở cửa: 17h đến khuya (khi nào bán hết mới đóng cửa)

2. Phở Cao Vân – Quán phở Bắc gần một thế kỷ đun củi ‘lấy công làm lời’ ở Sài Gòn

Quán phở Cao Vân của ông Phồn quen thuộc với khách Sài Gòn đã mấy mươi năm rồi. Bước vào quán này, cái gì cũng cũ kỹ, quen thuộc như nụ cười tuổi cổ lai hi của ông chủ: bức tường gạch men, sàn nhà gạch ô vuông nhỏ xíu, cái tivi đời cũ mấy mươi năm, lò nấu phở bằng củi truyền thống, bài Phở đức tụng trên tường, và bảng hiệu cùng lời cam kết “Phở Cao Vân – Lấy công làm lời” treo ngay trên đầu chỗ ông ngồi.




Là một trong những người đầu tiên mang món phở từ Hà Nội vào Sài Gòn, ông Phồn có thể kể vanh vách những xe phở đẩy trên đường phố ngày ấy cùng với mình, sau này đã trở thành những quán phở quen thuộc, nổi tiếng: phở Bình, phở Quyền, phở Hòa, phở Tương Lai… Trong khi các quán phở ấy phần lớn đều đã truyền đến đời thứ hai, thứ ba hoặc thay đổi chủ thì ông vẫn ở đó, là người chủ đầu tiên trong quán phở cũ kỹ, truyền thống của mình.


Địa chỉ: 25 Mạc Đĩnh Chi, Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Giờ mở cửa: 6h – 21h

3. Cháo lòng Bà Út – Quán cháo lòng gần 90 năm trên đường Cô Giang

Gánh cháo lòng Cô Út trên đường Cô Giang, quận 1 là địa chỉ quen thuộc của thực khách trong khu vực và người sành ăn. Gánh cháo lòng này đã gần 90 năm và do bà Lê Thị Út mở. Hiện bà Út đã già nên cháu ngoại đứng bán. Và nếu tính luôn mẹ của bà Út, thì gánh cháo đã truyền qua 4 thế hệ.



Cháo lòng ở đây được chế biến khá cầu kỳ. Xương ống, xương vai mua về, rửa sạch, hầm lấy nước. Lòng làm sạch, luộc lấy nước. Nước hầm xương trộn với nước luộc lòng thành để nấu với gạo tẻ rang vào. Người nấu sẽ canh thời điểm cho huyết tươi đã được sơ chế vào. Nhờ vậy, cháo thơm, ngọt, béo, có độ sánh mịn đặc trưng cùng cục xương to khi dọn cho khách.


Địa chỉ: 193 Cô Giang, Phường Cô Giang, Quận 1, TP.HCM
Giờ mở cửa: 6h – 14h

4. Hủ tiếu Nam Lợi – Vị ngon hơn 70 năm của Sài Gòn

Người sành ăn món Hoa ở Sài Gòn không ai là không biết quán hủ tiếu cá Nam Lợi này. Quán nằm trên con đường yên tĩnh Tôn Thất Đạm khúc gần với Hàm Nghi (ngó sang bên kia là Chợ Cũ), mở đã gần 70 năm nay. . Quán phục vụ các món như hủ tiếu gà, bò kho,… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món hủ tiếu cá. Là tiệm hủ tiếu lâu năm, quán vẫn giữ cách ăn hủ tiếu kèm bánh pateso.



Cập nhật top những quán ăn lâu đời vẫn hút khách ở Sài thành


Hủ tiếu cá đúng điệu cọng bánh phải gần gấp đôi cọng bánh phở, cá phải là loại cá lóc tươi ngon xắt lát. Khác với các phiên bản hủ tiếu cá thường thấy, nước lèo ở đây lại mờ mờ đục đục nhìn thoáng qua như một làn sương mờ, có lẽ một phần tỏa ra từ tóp mỡ được chan ở phía trên. Vị ngọt ngào mà thanh đạm của nước lèo hầm từ xương heo cùng những miếng cá tươi ngon sẽ dễ dàng chinh phục những thực khách khó tính nhất.


Địa chỉ: Hủ tiếu Nam Lợi – 43 Tôn Thất Đạm, Quận 1, TP.HCM
Giờ mở cửa: 6h – 12h và 14h – 21h. Chiều CN nghỉ.

5. Bánh mì Bảy Hổ – Bánh mì qua bao năm không đổi vị, pate ăn “bao ghiền”

Bánh mì Bảy Hổ nằm tên đường Huỳnh Khương Ninh đã gắn bó với người Sài thành gần 90 năm nay. Không phải bỗng dưng hàng bánh mì này lại nổi tiếng và cứ đông khách suốt gần 1 thế kỉ cha truyền con nối, điều đặc biệt giữ chân dân sành ăn chính là qua bao năm không đổi vị và nhân (pate, thịt, chả) luôn đầy ắp, tươi ngon.



Các nguyên liệu được chính gia đình mấy thế hệ chế biến lại theo công thức gia truyền, mọi thứ đều nguyên chất và không có phụ gia gì hết. Từ pate, chà bông đến chả, gà,… đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng bằng cả tâm huyết của người nấu. Với mức giá hợp lý, quán luôn đông khách đến ăn hoặc mang về.


Địa chỉ: 19 Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Giờ mở cửa: 14h – 19h

6. Bánh mì Hòa Mã – Bánh mì chảo Hòa Mã xưa hơn nửa thế kỉ mê hoặc người Sài Gòn, Việt kiều

60 năm sống cùng Sài Gòn, bánh mì chảo Hòa Mã không chỉ giữ lại nét đặc trưng ẩm thực cũ xưa, mà còn gắn bó với biết bao thế hệ thực khách ở thành phố tất bật này.




Bánh mì chảo Hòa Mã xưa hơn nửa thế kỉ mê hoặc người Sài Gòn, Việt kiều

Mở ra từ tận năm 1958, bánh mì Hòa Mã là một trong những tiệm bánh mì lâu đời nhất ở Sài Gòn. Thương hiệu bánh mì Hòa Mã vẫn được duy trì bởi 3 thế hệ trong gia đình, đến anh Nguyễn Đình Dũng (41 tuổi), chủ quán hiện tại, đã là đời cháu. Ban đầu, tiệm bánh tọa lạc tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) với một chiếc tủ nhỏ. Nhưng chỉ 2 năm sau, bánh mì Hòa Mã dời về đầu hẻm số 53 Cao Thắng, Q.3 và yên vị cho đến nay.

Thực đơn của tiệm bánh mì Hòa Mã đơn giản và không thay đổi. Tiệm phục vụ 2 món “bánh mì ốp-la đủ thứ” với các nguyên liệu được chiên trong chảo và “bánh mì kẹp thịt” với nhân là các loại thịt nguội. Thức uống cũng đơn giản không kém, chỉ có cà phê đá, cà phê sữa và nước suối, trà…


Địa chỉ: 53 Cao Thắng, Phường 3, Quận 3, TP.HCM
Giờ mở cửa: 6h – 11h

7. Cơm thố Chuyên Ký – Quán cơm thố hơn 7 thập kỷ ở trung tâm Sài Gòn

Chuyên Ký nằm ẩn sau những dãy kiosk cũ kỹ trong chợ Cũ, trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Với người Sài thành muốn thưởng thức cơm thố nổi tiếng một thời thì đây là địa chỉ thân quen. Bà Trần Mỹ Mỹ (50 tuổi) cho biết, quán do bà ngoại của bà mở từ năm 1948.



Sau khi kế thừa sản nghiệp của gia đình, bà Mỹ vẫn duy trì công thức chế biến: Gạo sau khi cho vào từng thố mới thêm nước, đặt trong nồi hấp nhiều tầng, cơm chín bằng hơi nước. Theo bà Mỹ, món cơm thố theo chân người Hoa gốc Quảng Đông đến Sài Gòn, được gọi là “chung phàn”. Chung là cái thố, phàn là cơm. Nhờ cách nấu độc đáo và cầu kỳ, cơm ăn dẻo và thơm. Độ nóng của cơm cũng giữ được lâu hơn. So với các quán cơm thố khác, những chiếc thố ở địa chỉ này được làm từ lò gốm mấy chục năm trước, với kiểu dáng xưa.

Hiện quán bà Mỹ bán 3 loại cơm thố kèm đồ ăn: cơm thố thịt gà, cơm thố lạp xưởng, cơm thố bò, giá 60.000 đồng mỗi suất. Ngoài ra, thực khách có thể gọi cơm trắng cùng các món ăn thêm.


Địa chỉ: 65-67 Tôn Thất Đạm, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
Giờ mở cửa: 11h đến 14h và 17h đến 21h

8. Hàu chiên trứng Phùng Hưng – Nổi danh Sài Gòn

Đã nửa thế kỷ trôi qua, xe hàu Phùng Hưng ở khu Chợ Lớn vẫn tồn tại, an nhiên thách thức mọi của ngon vật lạ giữa đất Sài Gòn phồn hoa.




Từ vài chục năm nay, xe hàu chiên trứng ở đường Phùng Hưng, quận 5 vẫn đều đặn phục vụ một món ăn ngon lạ. Trước năm 1975 cứ tầm 6 giờ chiều trở đi dù nắng hay mưa, ngày nào người ta cũng thấy hai vợ chồng lui cui dọn hàng, nổi lửa, chiên chiên, xào xào cho đến tận nửa đêm dưới ánh đèn đường nơi góc phố.

Những chiếc trứng đập vội vàng nhưng vô cùng chuyên nghiệp, bỏ vào một chiếc chảo lớn chỉ xiu xíu dầu. Chúng hoà với những con hàu sữa béo ngậy và mớ bột trắng tinh được pha chế theo công thức đặc biệt để khi ra dĩa, có ngay miếng hàu chiên trứng vừa vàng ươm, vừa giòn rụm lại đậm đà hương vị. Tất cả những thứ ấy chỉ gói gọn trên một chiếc xe đẩy cũ kỹ, trong bàn tay của một anh đầu bếp lâu năm.


Địa chỉ: góc đường Phùng Hưng – Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5, , TP.HCM
Giờ mở cửa: từ 18h30 đến 12h đêm

9. Mì “cải chua” trong Chợ Lớn

Tọa lạc trên đường Minh Phụng (Q. 11), tiệm mì “cải chua” – người dân ở đây gọi quán tên như thế vì do cách ăn chung với tô cải chua dưa giá rất đặc biệt có thâm niên hơn 50 năm.
Mì thập cẩm khô với phần nhân đựng trong chén riêng để giữ nóng.


 


Dù được một gia đình người Hoa gốc Triều Châu nấu, nhưng món mì ở đây đã có thay đổi đôi chút so với cách truyền thống. Cụ thể mì không có nhân thịt bằm, phần cải chua được “cải biên”, từ nồi nước lèo hầm cải chua thành cách ăn khô như kiểu ăn dưa giá miền Nam.

Món thú vị nhất tại đây là mì thập cẩm (khô hay nước đều rất ngon). Riêng với tô khô, phần “đạm” gồm tôm, mực, cá viên, thịt heo, phèo, gan, cật… được cho vào một chén riêng để giữ nóng.


Địa chỉ: Mì “cải chua”, 311/3 Minh Phụng, P. 2, Q. 11, TP. HCM.
Giờ mở cửa: 6h sáng đến 12h trưa.

10. Bánh mì phá lấu Tâm Ký – Phát ghiền với món bánh mì Phá lấu Nguyễn Trãi

Xe bánh mì phá lấu Tâm Ký đã trải qua ba thế hệ, bán ở ngay khúc đường Nguyễn Trãi từ những năm 60 thế kỷ trước. Bánh mì phá lấu Tâm Ký này của một cô chú người hoa thành lập nên người ta còn hay gọi là bánh mì phá lấu Tiều. Hàng chục năm qua, xe bánh mì này nổi tiếng khắp cả Sài Gòn vì hương vị phá lấu được nấu đúng kiểu người hoa, đặc trưng văn hóa của các nước có món phá lấu như Đài Loan, Singapore hay Malaysia…




Khác với kiểu thưởng thức thường thấy gồm một chén phá lấu đính “chấm mút” cùng bánh mì nóng hổi làm mê mẩn bao thế hệ học trò của Sài Gòn, phá lấu Tâm Ký, hàng chuyên kinh doanh phá lấu Tiều chọn cho mình cách kinh doanh không đụng hàng: rạch đôi bánh mì cho phá lấu vào giữa.

Ngoài điểm cộng phá lấu được chế biến đậm đà, lạ miệng, hình thức bán gọn tiện, dễ mang đi, phá lấu Tâm Ký còn hút thực khách với những món dưa chua ăn kèm giải ngấy được chế biến theo công thức riêng.


Địa chỉ: 823 Nguyễn Trãi, Phường 14, Quận 5, TP. HCM.
Giờ mở cửa: 11h – 20h30

11. Phở Hòa Pasteur – Món ngon nhớ mãi

Phở Hòa là quán phở nổi tiếng ở TP. HCM, có mặt ở đường Pasteur từ những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, lúc đầu chỉ là xe phở, sau trở thành quán phở khang trang cũng trên con đường này. Cho tới nay đã hơn 50 năm, khách du lịch trong và ngoài nước cũng như khách quen thuộc yêu mến quán phở này vẫn nườm nượp tới ăn phở.



Phở Hòa cũng “gây thương nhớ” bằng thực đơn 24 món với giá khá đắt đỏ. Ở đây, nước lèo được ninh từ xương ống cùng bánh phở cán mỏng, dai dai làm nên tô phở đúng điệu. Quán không chỉ ghi điểm thực khách bởi bí quyết làm nên tô phở ngon mà còn trong phong cách phục vụ chuyên nghiệp, chu đáo.


Địa chỉ: 260C Pasteur, Phường 8, Quận 3, TP.HCM
Giờ mở cửa: 6h – 23h

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm