Vụ “treo” hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, UBND huyện Hóc Môn nợ công dân một câu trả lời?

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 25-08-2020, 18:08 | Thị trường 24h


8 tháng qua, người dân mong ngóng một câu trả lời rõ ràng từ phía cơ quan chức năng, tuy nhiên UBND huyện Hóc Môn, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn vẫn im lặng.

Bỗng dưng mất quyền định đoạt tài sản của mình

Ông L.V.T (Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Tình hình dịch bệnh Covid kéo dài đã ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình ông. Để tháo gỡ khó khăn, tìm nguồn tài chính trang trải tiền lương, BHXH cho công nhân lao động, vợ chồng ông buộc lòng phải dùng “sổ đỏ” để tín chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, 8 tháng qua hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bị “treo” tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn, giao dịch hợp đồng thế chấp với ngân hàng không thể thực hiện được. Tình trạng này đã khiến cho cơ sở sản xuất của gia đình ông vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng trở nên khó khăn hơn”.

Theo ông T, ngày 17/12/2017, vợ chồng ông có thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bên chuyển nhượng là ông Vy Liêm Phúc, bà Lê Thị Mỹ Duyên. Đối tượng của hợp đồng này là quyền sử dụng đất tại thửa đất số xxx, tờ bản đồ xx, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi chuyển nhượng, vợ chồng ông bà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Vụ “treo” hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, UBND huyện Hóc Môn nợ công dân một câu trả lời?

Mảnh đất của ông T có giấy tờ hợp pháp, không vướng tranh chấp; đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho Nhà nước hằng năm, nhưng không thể vay vốn ngân hàng.


Ngày 15/12/2017, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn đã đăng ký thay đổi quyền sử dụng đất (do chuyển nhượng) cho vợ chồng ông bà. Ngày 18/12/2017, ông bà đã thực hiện thành công hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông, Chi nhánh Chợ Lớn – Phòng giao dịch Sài Gòn, sau đó đã giải chấp.

Đến ngày 11/10/2018, ông bà lại thực hiện thành công tiếp hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Tân Sơn Nhất, sau đó giải chấp.

Tuy nhiên đến ngày 4/12/2019, ông bà đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn để đăng ký xóa thế chấp và thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Bình Tân theo hợp đồng thế chấp số 01/2019/10508113/HĐBĐ do Phòng Công chứng số 5 chứng nhận đối với phần đất nêu trên thì bị “treo” hồ sơ.

Cũng theo thông tin phản ánh từ ông Lê V. T, ngày 09/12/2019, ông bà có nhận được công văn số 2560 của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn về việc giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn có trả lời ông bà rằng do địa chỉ thửa đất và số vào sổ cấp Giấy chứng nhận nêu trên có trong danh sách 1392 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến ngày 5/7/2016 đang được cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra. Vì vậy Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn tạm thời chưa giải quyết hồ sơ đăng ký xóa thế chấp và thế chấp của ông. Sau khi có ý kiến của UBND huyện Hóc Môn, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn sẽ giải quyết hồ sơ theo quy định.

“Đồng ý rằng, địa chỉ thửa đất và số vào sổ cấp Giấy chứng nhận nêu trên có trong danh sách 1392 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến ngày 5/7/2016 đang được cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra. Nhưng việc rà soát, kiểm tra đó phải có thời hạn rõ ràng. Quá trình thanh, kiểm tra hiện tại đã kết thúc hay chưa, có kết luận chưa, bao giờ chúng tôi được phép thực hiện quyền giao dịch trở lại… thì phía Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn, UBND huyện Hóc Môn phải cho chúng tôi biết, nhất là khi chúng tôi đã có văn bản kiện nghị, phản ánh, chứ không thể im lặng, thoái thác trách nhiệm mãi thế được” – ông T nói.

Lạ lùng thông tin “việc thực hiện theo chỉ đạo miệng”

Ủy ban nhân dân xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.


Ông T bức xúc: “Chúng tôi là hộ kinh doanh, vì vậy việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để đảm bảo, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng. Trong khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang tìm mọi cách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn và các đơn vị liên quan lại chậm trễ giải quyết thủ tục hồ sơ nhưng không cho chúng tôi được một câu trả lời thích đáng; thậm chí có biểu hiện thoái thác trách nhiệm, không minh bạch thông tin. Điều này khiến chúng tôi bế tắc và thất vọng”.

Để tìm hiểu, làm rõ thông tin phản ánh của ông Lê V.T, mới đây phóng viên đã đến đặt lịch làm việc với UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Mộng Nghi - Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh cho biết, cá nhân bà mới nhận nhiệm vụ được 12 ngày, nên các vấn đề về quản lý đất đai trên địa bàn xã bà cần thời gian xem xét, chuẩn bị hồ sơ và sẽ làm việc với cơ quan báo chí sau.

Cũng theo bà Nghi, hiện tại xã Đông Thạnh không chỉ có Chủ tịch UBND xã, mà ngay cả cán bộ địa chính xã cũng là người mới từ nơi khác chuyển về nhận nhiệm vụ nên cũng chưa nắm rõ hết thông tin.

Trong một diễn biến khác, ông T cũng đã cung cấp cho phóng viên đoạn ghi âm cuộc trao đổi điện thoại giữa ông và bà Trần Huỳnh Châu - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn. Ông T rất mong cơ quan báo chí làm rõ thêm nội dung thông tin từ file ghi âm này.

Trong đoạn ghi âm, người được cho là Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn trả lời đại ý với ông T rằng, sở dĩ hồ sơ của ông chưa thể giải quyết được do vụ việc đã chuyển lên Thanh tra TP. Hồ Chí Minh. Nếu ông T muốn giải quyết vấn đề thì cần lên hỏi Văn phòng quản lý đất đai TP. Hồ Chí Minh và thanh tra TP. Hồ Chí Minh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn nhận được chỉ đạo không giải quyết vụ việc này. Đây là chỉ đạo miệng từ phía nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn và cả Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đương nhiệm.

Ông T cho biết: "Khi trao đổi, tôi lấy làm ngạc nhiên khi nghe thấy rằng, cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn lại có thể tiếp nhận và làm theo chỉ đạo miệng của lãnh đạo cấp trên, mà không phải từ văn bản. Không biết nó có phù hợp với quy định của pháp luật và có vấn đề gì khuất tất hay không? Tôi đã đưa thắc mắc này cho cá nhân bà Trần Huỳnh Châu - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn nhưng bà Châu từ chối trả lời".

Chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai huyện Hóc Môn.


Tìm hiểu về danh sách 1392 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở tại huyện Hóc Môn từ năm 2015 đến ngày 5/7/2016, chúng tôi được biết tháng 11/2018, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Thanh tra TP. Hồ Chí Minh thanh tra vụ việc này. Sau quá trình tiến hành thanh tra, Cơ quan này đã kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân chủ trì, tham mưu để xảy ra các sai phạm, thiếu sót, khuyết điểm…

Xâu chuỗi với thông tin “thực hiện theo chỉ đạo miệng”, liệu rằng điều này có liên quan gì đến kết luận thanh tra từ năm 2018 hay không, nhất là liên quan đến trách nhiệm, vi phạm của các cán bộ trong giai đoạn đó? Điều này cần tiếp tục tìm hiểu, làm rõ.

Hiện, PV đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Hóc Môn; Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Đề nghị UBND huyện Hóc Môn; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn và các cơ quan liên quan để tiếp tục phản ánh tới bạn đọc. 

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm