Địa ốc Long Thành: Từ cơn sốt đất đến kiểm soát các dự án

| 7-02-2019, 15:23 | Thị trường 24h

Từ vài trăm lên trục triệu

Từ một vùng đất vốn không được nhiều người chú ý, thế nhưng cách đây 4 năm, khi dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua, đất Long Thành bỗng trở thành một hiện tượng và bắt đầu đón nhận sự quan tâm chú ý của thị trường, nhất là giới đầu tư. Điều này ngay lập tức đẩy đất tại khu vực này tăng giá và thiết lập nhiều mức giá mới.

Có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi kể từ khi dự án sân bay Long Thành được triển khai tại khu vực này thông qua biểu hiện giá đất. Thời kỳ đầu, các dự án chỉ là phân lô từ đất nông nghiệp, giá lúc đầu chỉ vài trăm ngàn đồng/m2 song đã được đẩy lên 5 triệu đồng/m2 vào năm 2016 và tới năm 2017, đã lên tới 10 triệu đồng/m2, đẩy thị trường vào cảnh sốt ảo.

Địa ốc Long Thành: Từ cơn sốt đất đến kiểm soát các dự án

Chính vì sự phát triển sôi động, tự phát, phá vỡ quy hoạch của thị trường bất động sản Long Thành, tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành đã có nhiều động thái siết lại thị trường như cấm phân lô bán nền, cấm giao dịch bất động sản ồ ạt, trái phép. Những cố gắng này đã có hiệu quả khi thị trường Long Thành được hạ nhiệt ngay sau đó.

Tuy nhiên, từ tháng 11/2018 tới nay, khi dự án sân bay bắt đầu giai đoạn giải phóng mặt bằng trên phạm vi rộng, cùng với đó là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giá đất tại đây lại bước vào thời kỳ tăng nóng. Đặc biệt, khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính để phục vụ xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được công bố. Đây chính là nguồn lực cho cơn sốt đất Long Thành trở lại.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường bất động sản Long Thành sôi động nhất là khu vực xung quanh quy hoạch sân bay. Tuy nhiên, vì khu vực này đang bị địa phương kiểm soát khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng nên việc ra dự án mới gặp khó khăn, giao dịch chủ yếu ở các dự án phân lô trước đó. Giá đất tại đây đang được giao dịch quanh mức 14 triệu đồng/m2, trong khi năm 2018, khi thị trường đóng băng, giá chào bán chỉ từ 7 đến 9 triệu đồng/m2.

Trên các tuyến đường nhỏ khu vực xã An Lộc (một trong những xã giáp Quốc lộ 51), những biển hiệu của các công ty bất động sản, môi giới địa ốc mọc lên như nấm. Ghé vào một sàn môi giới cạnh chợ An Lộc, phóng viên được một nhân viên môi giới tên Thúy giới thiệu một dự án khu đô thị cao cấp gần sân bay Long Thành.

Đưa chúng thôi tới một khu đất đang được đào bới để làm đường nội khu và lắp ống nước, môi giới này giới thiệu, dự án này có hơn 200 nền, hiện mở bán được 4 ngày và đã bán được hơn 50 nền; diện tích mỗi nền là 5 x 20 m, 4 x 20 m, giá chào bán từ 1,3 - 1,4 tỷ đồng. Nếu khách đồng ý mua thì đặt cọc trước 40%, sau 3 tháng có sổ riêng thì thanh toán toàn bộ.

Gần khu vực này, một nhóm môi giới khác giới thiệu những lô đất rộng 100 m2 với giá 1,6 tỷ đồng/lô. Một nhân viên khoe đã bán được hơn 200 lô, hiện chỉ còn lại 2 lô là đất của khách Hà Nội gửi bán.

Liên hệ với UBND xã Lộc An để xác minh tính pháp lý của các dự án này, chúng tôi được ông Nguyễn Tấn Long, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết, không nắm được các dự án nêu trên.

Theo ông Mai Văn Thắng, Giám đốc một công ty bất động sản tại Long Thành, các dự án trên đều phát triển từ các khu đất trồng cây cao su, cây ăn quả lâu năm. Sau đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp mua lại các lô đất này với giá chỉ vài trăm ngàn tới hơn 1 triệu đồng/m2 rồi tự vẽ quy hoạch và bán dự án. Khách hàng mua chủ yếu là dân đầu cơ thứ cấp tại TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai…, không hề có người mua ở thực.

Kiểm soát dự án “ma” trên đất nông nghiệp

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án “ma” phát triển chủ yếu ở huyện Long Thành. Điểm chung của các dự án này là xây dựng trên đất nông nghiệp, có diện tích không lớn, sản phẩm chủ yếu là phân lô bán nền, chưa làm hạ tầng, pháp lý không có, các đơn vị bán chủ yếu là công ty mới thành lập.

Phương thức làm các dự án trên là một cá nhân đứng tên mua đất với diện tích lớn, rồi giao cho công ty môi giới phân lô bán. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản nêu rõ, muốn làm dự án bất động sản để bán thì pháp nhân phải là một công ty có ngành nghề đăng ký là kinh doanh bất động sản phát triển, chứ không phải là cá nhân.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2019 tới nay, tỉnh đã xử phạt hành chính 4 dự án tại huyện Long Thành vì xây dựng, phát triển trái phép. “UBND tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân khi muốn giao dịch mua bán đất, cần hỏi cán bộ địa phương để tránh thiệt hại”, ông Chánh nói.

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, huyện chưa phát sinh bất kỳ dự án phân lô bán nền nào mới kể từ tháng 5/2018 tới nay. Cơ quan chức năng của huyện đang lập hồ sơ chuẩn bị cưỡng chế một số trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn trong thời gian này và tiếp đó.

Các nhân viên công ty môi giới khách hàng tại Long Thành

Dai dẳng và bát nháo tại Đồng Nai là câu chuyện của Công ty Địa ốc Alibaba tại Đồng Nai.

Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần họp báo, cung cấp thông tin liên quan đến việc Địa ốc Alibaba quảng cáo, phân lô, bán nền tại huyện Long Thành.

Theo đó, tỉnh này đã phát hiện công ty này tự đặt tên cho 27 dự án đất nền và tiến hành rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, website và tờ rơi.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khi chính quyền chưa cho phép thực hiện dự án, Địa ốc Alibaba đã tự ý san lấp mặt bằng, làm đường nội bộ, phân lô bán nền... khiến việc quản lý đất đai trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Cty CP Địa ốc Alibaba vừa bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM xử phạt hành chính 15 triệu vì hành vi cung cấp thông tin không đúng quy định. Thời gian qua, doanh nghiệp này dính đến “lùm xùm” với việc rao bán hàng loạt dự án bất động “bánh vẽ” tại Đồng Nai khi chưa thực hiện các thủ tục pháp lý.

Cũng tại Đồng Nai, ngoài Long Thành, huyện Xuân Lộc cũng đã trở thành nạn nhân của những vụ xẻ thịt, phân lô bán nền trái phép của Địa ốc Alibaba.

Đấu giá 50 ha đất tại Long Thành, Đồng Nai

Minh Thuận

[i][/i]

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm