Bản tin bất động sản sáng ngày 3/7: Dự án nhà ở xã hội hơn 500 tỷ “ngủ ngon” trên giấy

| 3-07-2019, 12:04 | Thị trường 24h

Nhùng nhằng tình trạng tranh chấp đất rừng ở Bắc Kạn

Dù các cấp chính quyền đã nhiều lần vào cuộc nhưng cho đến thời điểm này, những vướng mắc giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết.

Nhiều năm qua, giữa các lâm trường trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn và nhiều hộ dân xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng với diện tích lên đến hàng trăm ha. Dù các cấp chính quyền đã nhiều lần vào cuộc nhưng cho đến thời điểm này, những vướng mắc giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết.

Từ năm 2017, người dân tổ Chí Lèn (phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn đã có các cuộc đối thoại nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đồi Khau Chủ từ hàng chục năm nay, ông Đinh Quang Én cùng nhiều hộ dân tại tổ Chí Lèn, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) vẫn không thể trồng rừng trên diện tích này.

Lý do là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn khẳng định, toàn bộ diện tích đai tại khu vực đồi Khau Chủ đã được nhà nước giao cho đơn vị này quản lý, sử dụng từ năm 1992.

Thanh Hóa: Dự án nhà ở xã hội hơn 500 tỷ “ngủ ngon” trên giấy

Sau 5 năm được phê duyệt, dự án Nhà ở xã hội AMC1 có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng vẫn “ngủ ngon” trên giấy cho dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần thúc giục đơn vị triển khai dự án.

Bản tin bất động sản sáng ngày 3/7: Dự án nhà ở xã hội hơn 500 tỷ “ngủ ngon” trên giấy

Hàng nghìn m2 đất bờ xôi ruộng mật của người dân bỏ hoang chờ triển khai dự án

Dự án Khu Nhà ở xã hội AMC1 tại phường Quảng Thành (TP. Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2014 cho Công ty Cổ phần phát triển AMC Toàn Cầu làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định.

Dự án có tổng diện tích 22.300 m2, trong đó đất Nhà ở xã hội 11.462 m2, đất cây xanh là 7.441 m2, còn lại là đất giao thông. Theo thiết kế được phê duyện, dự án xây 3 tòa nhà cao 15 tầng với 900 căn hộ chung cư, có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 80.234 m2. Tổng mức đầu tư của dự án là 526,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 36 tháng.

Ngày 22/10/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 26121000132 cho Công ty AMC Toàn Cầu. Theo kế hoạch công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác kinh doanh tháng 7/2017.

Xử lý tình trạng bán đất mặt ruộng lúa làm gạch tại Đồng Tháp

Sau phản ánh của các cơ quan báo chí về việc nhiều hộ dân ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp bán đất lúa làm gạch, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Nguyễn Văn Dương đã yêu cầu UBND huyện Tân Hồng kiểm tra, chấn chỉnh ngay sự việc này.

Ông Huỳnh Văn Nhã, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác của huyện chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, xác lập thủ tục, đề xuất xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Qua thời gian phối hợp kiểm tra, lực lượng chức năng và tổ công tác đã bắt quả tang 3 vụ tại địa bàn 3 xã Tân Hộ Cơ, Tân Thành và Tân Phước. Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng ban hành quyết định tạm giữ 5 phương tiện vi phạm; trong đó, có 2 xe cuốc (kobe), 1 xe chở đất, 1 ghe sắt và 1 phà sắt tải trọng 145 tấn.

Ông Huỳnh Văn Nhã cho biết, tổ công tác đang hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để xử lý các đối tượng vi phạm đúng quy định pháp luật. Sau khi bắt quả tang 3 vụ và tạm giữ một số phương tiện có giá trị để chờ xử lý thì hiện nay tình hình đã tạm lắng, không còn trường hợp nào đang hoạt động; đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm; định kỳ sẽ báo cáo kết quả về UBND tỉnh nắm và chỉ đạo thực hiện.

Hàng trăm hộ dân bức xúc vì tài sản bị người khác rao bán công khai

Hàng trăm hộ dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa gửi đơn tố giác đến cơ quan công an tỉnh về việc đất được phân lô tại dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam, xã An Ngãi thị trấn Long Điền, huyện Long Điền (gọi tắt là Khu dân cư Tây Nam) của họ cách đây 10 năm đã bị chủ đầu tư là Công ty Cổ phần phát triển nhà Ô Cấp âm thầm bán cho doanh nghiệp khác. Để rồi giờ đây, tài sản này đang được rao bán một cách công khai.

Theo phản ánh của người dân, hơn 10 năm trước, vì tin tưởng dự án Khu dân cư số 1 Tây Nam nên họ đã góp vốn đầu tư. Đến thời điểm 2011, dự án trên đã có 950 khách hàng là cổ đông góp vốn. Mỗi cổ đông đã góp từ 50% đến 90%, một số đã đóng 100% số tiền theo giá trị hợp đồng.

Bà Vũ Thanh Hằng, người dân ở thành phố Vũng Tàu chia sẻ, sau khi đóng gần 80% giá trị đất (khoảng 160 triệu đồng), chủ đầu tư đã bàn giao nền đất để tự quản lý tài sản của mình. Số tiền còn lại được thỏa thuận sẽ thanh toán cho chủ đầu tư ngay sau khi nhận sổ đỏ cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, đó vẫn chỉ là lời hứa.

Hàng ngàn lô đất bán trái thẩm quyền không thể giải quyết dứt điểm

Về thực trạng đang tồn tại hàng ngàn lô đất bán trái thẩm quyền ở huyện Quảng Xương, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện chính quyền địa phương không thể giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Ngày 1/7, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến thực trạng đang tồn tại hàng ngàn lô đất bán trái thẩm quyền ở huyện Quảng Xương (Báo Thanh Niên phản ánh ngày 13/6 qua bài Hàng ngàn lô đất không được cấp sổ đỏ vì xã làm trái thẩm quyền), ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện chính quyền địa phương không thể giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Theo ông Xứng, cách duy nhất hiện nay là giữ nguyên hiện trạng, khi nào có dự án phải thu hồi đất của người dân thì chính quyền sẽ xem xét đền bù, hỗ trợ theo quy định.

Việc bán đất trái thẩm quyền ở huyện Quảng Xương diễn ra trong một thời gian dài, từ 20 - 25 năm trước. Nhiều lô đất bán chỉ có giấy viết tay giữa những bên không có chức năng, nhiệm vụ bán đất, nên không đủ cơ sở cấp sổ đỏ theo luật hiện hành.

Đức Hậu

[i][/i]

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm