Nóng: Điều chỉnh quy hoạch một số nhà ga metro... tại TP. HCM

| 2-07-2019, 15:45 | Thị trường 24h

Bên cạnh đó, thành phố cũng chấp thuận chủ trương lập quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 xung quanh các nhà ga của tuyến metro 1 (đoạn từ ga Văn Thánh đến ga Suối Tiên) và tuyến metro số 2.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được giao sớm nghiên cứu thực hiện các đầu việc về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 dọc các tuyến đường có động lực phát triển và các khu vực xung quanh các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế khu vực nhà ga Trung tâm Bến Thành theo hình thức thi tuyển quốc tế. Việc thi tuyển ý tưởng thiết kế đảm bảo yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và hài hòa với không gian đô thị xung quanh.

Kết quả thi tuyển hoàn thành trước ngày 31/12/2019

UBND thành phố dự kiến sử dụng công trình trụ sở Hỏa xa tại số 136 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1 làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị của Thành phố.

Theo quy hoạch, TP. HCM có 8 tuyến đường sắt đô thị (metro) với tổng chiều dài khoảng 220 km trong đó, hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (giai đoạn 1, Bến Thành - Tham Lương) và số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đang được triển khai. Những tuyến chuẩn bị đầu tư gồm: 3a, 3b, 4, 4b và 6; hai tuyến tàu điện một ray (monorail) số 2 và 3, tuyến tramway số 1 và Nhà ga Trung tâm Bến Thành.

Cùng với đó là 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt một ray (monorail).

Để hình thành hoàn chỉnh các tuyến metro, bắt buộc phải có quỹ đất cho xây dựng công trình phụ trợ, kết nối để người dân tiếp cận. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất cho các công trình liên phương thức kết nối những khu vực liền kề với nhà ga như đường tiếp cận, quảng trường ga, các bãi đậu xe trung chuyển... chưa được quy hoạch hay có kế hoạch đầu tư xây dựng cụ thể. Chưa kể, giá trị bất động sản xung quanh các công trình metro cũng tăng lên rất lớn mặc dù chưa được tận dụng một cách hiệu quả.

Hiện Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố rà soát lại quỹ “đất vàng” xung quanh nhà ga trong bán kính 1 km và dọc tuyến metro.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã triển khai thi công đạt 63,9% và đang điều chỉnh tổng mức đầu tư để đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác. Dự kiến, trong năm 2020 sẽ chạy thử tuyến metro số 1 và năm 2021 sẽ vận hành tuyến này.

Tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km (đoạn đi ngầm dài 2,6 km; đoạn đi cao dài 17,1 km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao). Dự án có vốn đầu tư ban đầu 17.388 tỷ đồng, được UBND TP. HCM phê duyệt năm 2009. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án đã tăng lên 47.325 tỷ đồng. Trong năm 2019, dự kiến dự án sẽ hoàn thành 80% tổng khối lượng.

Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang điều chỉnh tổng mức đầu tư. Sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh sẽ triển khai các bước tiếp theo sớm khởi công, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.

UBND TP. HCM vừa giao Ban Quản lý đường sắt đô thị thực hiện kết nối tuyến tàu điện ngầm số 2 (metro số 2) với tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1) tại nhà ga Bến Thành bằng một dự án riêng. Dự án kết nối sẽ thực hiện với yêu cầu đảm bảo hoàn thành đồng thời tuyến tàu điện ngầm số 2.

Nóng: Điều chỉnh quy hoạch một số nhà ga metro... tại TP. HCM
 

Thông tin một số tuyến

Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7 km; nghiên cứu kéo dài tới thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương như sau:

+ Kéo dài đến TP. Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai: Từ ga Suối Tiên, đi dọc theo quốc lộ 1 đến ngã 3 Chợ Sặt, thành phố Biên Hòa;

+ Kéo dài đến Bình Dương: Từ ga Suối Tiên - Mỹ Phước - Tân Vạn - Đường XT1 - ga trung tâm (Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương).

Tuyến số 2: Đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) - quốc lộ 22 - Bến xe Tây Ninh - Trường Chinh - (nhánh vào Depot Tham Lương) - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 48,0 km;

Tuyến số 3a: Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - ga Tân Kiên, chiều dài khoảng 19,8 km. Nghiên cứu kéo dài tuyến số 3a kết nối thành phố Tân An (tỉnh Long An) từ ga Hưng Nhơn đi dọc theo quốc lộ 1;

Tuyến số 3b: Ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước, chiều dài khoảng 12,1 km. Nghiên cứu kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương;

Tuyến số 4: Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trung - Bến Thành - Nguyễn Thái Học -Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước, chiều dài khoảng 36,2 km;

Tuyến số 4b: Ga Công viên Gia Định (tuyến số 4) - Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Công viên Hoàng Văn Thụ - Ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5), chiều dài khoảng 5,2 km;

Tuyến số 5: Bến xe Cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn, chiều dài khoảng 26,0 km;

Tuyến số 6: Bà Quẹo - Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - Vòng xoay Phú Lâm, chiều dài khoảng 5,6 km.

 

 

 

Yến Thanh

[i][/i]

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm