26.000 ha đất nông nghiệp tại TP. HCM sẽ ra sao?

| 4-07-2019, 10:45 | Thị trường 24h

Tại hội thảo, ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới cho rằng, quy hoạch, sử dụng quỹ đất sẽ thúc đẩy cơ hội kinh tế cho TP. HCM phát triển. Ông cho rằng trong sự phát triển dịch vụ và hạ tầng dịch vụ (bao gồm hạ tầng kỹ thuật (cầu đường, metro, điện, nước…), hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học, cơ sở đào tạo), hạ tầng tài chính - ngân hàng - giao dịch chứng khoán…) thì TP. HCM cần được đặt trong nền tảng khu vực và xem xét nhu cầu của cả vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long…
26.000 ha đất nông nghiệp tại TP. HCM sẽ ra sao?
Các đại biểu tham dự hội thảo

Ông Halvard Dalheim, Giám đốc quy hoạch chiến lược Bộ Quy hoạch, Công nghiệp và Môi trường bang New South Wales, Úc cho rằng, đối với công tác quy hoạch hạ tầng dịch vụ cần một tầm nhìn dài hạn cho TP. HCM. Để thúc đẩy ngành dịch vụ cần tăng cường những cơ sở hạ tầng cứng tạo động lực thúc đẩy kinh tế thành phố dựa vào việc xem xét quy hoạch hạ tầng giao thông, logistics…

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hơn 30 năm qua, dịch vụ luôn là ngành kinh tế lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của thành phố, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế thành phố và sắp tới sẽ tiếp tục như vậy.

“Khảo sát ở các quận, huyện, đất hiện nay hầu hết đã có chủ, đã có mục đích sử dụng nhất định, là nhà ở, cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất” - ông Nhân nói và đặt câu hỏi với nhu cầu phát triển dịch vụ trong thời gian tới, để dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao thì chúng ta phải chuẩn bị gì để khuyến khích sự phát triển này? Quy hoạch đất như thế nào cho dịch vụ?

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan cho rằng, quy hoạch phải đi trước một bước và gắn liền với quy hoạch từng ngành. Mỗi ngành tự phát triển thì không thể tạo nên hiệu ứng tích cực, không thể thay đổi mạnh mẽ về chất.

Ông Hoan thông tin, quỹ 26.000 ha đất nông nghiệp đã được Chính phủ cho phép thành phố chuyển mục đích sử dụng sang đất công nghiệp, đất dịch vụ, bất động sản… “Phải dành thích đáng một phần đất cho phát triển hạ tầng của ngành dịch vụ thành phố. 

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Như vậy, với kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thành phố sẽ điều chỉnh tăng cho hạ tầng dịch vụ. Từng ngành phải có trách nhiệm nhanh chóng nghiên cứu xây dựng dự án. Về vốn, nguồn lực nhà nước có hạn, phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong dân, nguồn vốn của tư nhân trong và ngoài nước.

Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, ông Hoan lưu ý, phải thay đổi tư duy, có chiến lược phát triển lâu dài, không chỉ đầu tư công trình nhà ở, mà xem đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ là chiến lược, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để từ đó có đầu tư đúng mức.

Lãnh đạo các ngành, đơn vị công lập, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm để đáp ứng mong muốn của người dân. Tiếp theo phải có cơ chế chính sách mạnh mẽ, ưu đãi về đất đai, về thuế, đầu tư, xây dựng, tổ chức quản lý và vận hành cơ sở vật chất mà người dân - doanh nghiệp đầu tư liên quan đến đất đai, đất công mới thúc đẩy được đầu tư. Hạ tầng phát triển thì dịch vụ sẽ phát triển, dịch vụ thành phố phát triển chính là mục tiêu phát triển lâu dài, mang tính chiến lược của thành phố trong tương lai.

"Nếu chúng ta chậm trễ thì coi chừng không còn đất cho phát triển hạ tầng dịch vụ”, ông Hoan nói.

Yến Thanh



Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm