Dự án Khu đô thị Đại Ninh đang bị kiến nghị thu hồi “về tay” đại gia Nguyễn Cao Trí?

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 26-02-2021, 16:35 | Thị trường 24h

Đại gia Nguyễn Cao Trí “thâu tóm” dự án Khu đô thị Đại Ninh?

Vừa qua, Tài chính Doanh nghiệp đã đăng tải bài viết: “"Siêu" dự án Khu đô thị Đại Ninh - Lâm Đồng vốn 25.000 tỷ bị kiến nghị thu hồi”. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất Dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng - Lâm Đồng do Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư. Theo Thanh tra Chính phủ, sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính.

Cơ quan Thuế tỉnh Lâm Đồng xác định, dù đôn đốc nhiều lần số tiền sử dụng đất phải nộp, nhưng công ty này vẫn không nộp. Tính đến tháng 10/2018, số tiền phạt chậm nộp thuế đã lên tới trên 104 tỷ đồng. Công ty này còn nợ số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng trên 6,66 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị Đại Ninh đang bị kiến nghị thu hồi “về tay” đại gia Nguyễn Cao Trí?

Khu đô thị Nam Đà Lạt (Đại Ninh) chưa có gì nhưng đã được nhiều sàn bất động sản rao bán rầm rộ trong nhiều năm qua.


Đáng chú ý, cho đến đầu tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định số 2020/QĐ-UBND điều chỉnh nội dung quyết định trước đây. Theo đó, tỉnh này yêu cầu chưa thực hiện việc chuyển mục đích sang đất ở với diện tích đất trên 166,56ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012.

Theo đó, diện tích đất ở được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và Công ty không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với số tiền hàng trăm tỷ này. Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng Hội trường không phép khoảng 560 m2, 15 căn nhà chuyên gia không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng…

Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ đã cho rằng: "Việc UBND tỉnh Lâm Đồng không ra quyết định thu hồi đất là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư trong quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng". Cũng theo kết luận thanh tra, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh hiện chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng mà đã tiến hành làm đường giao thông.

Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu, theo Giấy chứng nhận đầu tư, đến ngày 31/12/2018 dự án trên đã hết hạn đầu tư. Nhưng qua xác minh của đoàn thanh tra, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh có nhiều vi phạm, tiến độ không thực hiện đúng cam kết nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng của tỉnh này đã không có cương quyết xử lý, chấm dứt hoạt động dự án theo quy định tại khoản 1, Điều 48 của Luật Đầu tư 2014.

Năm 2019, báo chí phanh phui Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 1, đại gia Nguyễn Cao Trí để doanh nghiệp của mình cơi nới cao ốc không phép tại trung tâm TP.HCM


Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, Sài Gòn Đại Ninh Corp được thành lập vào đầu năm 2010, trụ sở hiện đặt tại phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group - 85%), và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại là Hoàng Văn Thọ (2%), Đào Thúy Hằng (5%), Phan Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Lam (0,5%), Trần Tấn Công (1%), Trần Hồng Thắng (0,5%) và Nguyễn Đình Tùng (1%). Đến tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp.

Tới ngày 10/10/2017, Sài Gòn Đại Ninh Corp nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, phần vốn chi phối 88,5% lúc này được chuyển sang bà Phan Thị Hoa. Song về bản chất chưa có gì thay đổi, bởi nữ doanh nhân sinh năm 1958 là chủ sở hữu của Phương Nam Group.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ được ban hành tháng 7/2020, thì tới cuối tháng 1/2021, một diễn biến đáng chú ý tại Sài Gòn - Đại Ninh là bà Phan Thị Hoa không còn là người đại diện theo pháp luật, mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí, với vai trò Tổng giám đốc. Phải chăng "siêu" dự án Khu đô thị Đại Ninh - Lâm Đồng vốn 25.000 tỷ bị kiến nghị thu hồi đã về tay đại gia này?   

Đại gia nhiều “tai tiếng”  

Đại gia Nguyễn Cao Trí là doanh nhân không xa lạ ở Sài Gòn khi sở hữu hàng loạt Hệ sinh thái Capella Holding của vị doanh nhân sinh năm 1970 này trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, kinh doanh quán bar, nhà hàng (F&B), trung tâm hội nghị tiệc cưới, giáo dục. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Cao Trí cũng là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 1, TP.HCM (nhiệm kỳ 2018 - 2023) và Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Văn Lang.

Tập đoàn Capella Holdings bao biện cho sai phạm tại cao ốc The One Saigon là để phục vụ lãnh đạo cấp cao?


Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, việc làm ăn của đại gia Nguyễn Cao Trí cũng dính nhiều tai tiếng. Trong đó, năm 2019, Sở Xây dựng TP.HCM công văn phản hồi về việc tự ý cơi nới, xây dựng trái qui định, hàng loạt hạng mục tại cao ốc The One SaiGon do Công ty CP Tập Đoàn Capella làm chủ đầu tư. The One SaiGon trước đây có tên gọi là Ben Thanh Time Square do Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Ben Thanh Land) làm chủ đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư đã đổi tên pháp nhân thành Tập đoàn Capella Holdings. 

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cao ốc này đã được chủ đầu tư cơi nới để  xây thêm 2 tầng trên sân thượng từ cuối năm 2014 và UBND TP.HCM sau đó đã có văn bản số 5290/PC-ĐT ngày 7 tháng 3 năm 2017 chuyển nội dung vụ việc, đề nghị Sở Xây dựng xem xét giải quyết.

Đến ngày 23/7/2019, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM tiếp tục phối hợp với UBND phường Nguyễn Thái Bình, UBND quận 1 kiểm tra hiện trạng các tầng vi phạm tại dự án trên và yêu cầu Chủ đầu tư tạm ngưng kinh doanh nhà hàng, quán bar tại các tầng vi phạm.  

Mặc dù chính quyền đã cảnh báo nhiều lần và yêu cầu tạm ngừng kinh doanh nhưng chủ đầu tư dường như cố tình phớt lờ khiến không ít người bức xúc. Điều đáng nói, vấn đề trên đã diễn ra gần 3 năm nay… Mặc dù các hộ dân tại cao ốc The One SaiGon đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng quán bar này vẫn “ngang nhiên” hoạt động, chưa bị xử lý dứt điểm.  

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, công trình xây dựng trái phép tại Trung tâm hội nghị - Tiệc cưới – Nhà hàng Riverside Palace (Nhà hàng tiệc cưới Riverside Palace) tọạ lạc số 360 – 360D Bến Vân Đồn, Phường 1, quận 4, TP.HCM do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông làm chủ đầu tư bị UBND quận 4 ban hành quyết định cưỡng chế và lập kế hoạch cưỡng chế vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, theo khảo sát và ghi nhận thực tế của chúng tôi, hiện nay công trình này vẫn sừng sững tồn tại như để thách thức dư luận và cơ quan chức năng.

Bao giờ mới xử lý sai phạm tại nhà hàng tiệc cưới Riverside Palace của doanh nhân Nguyễn Cao Trí?


Cụ thể, sau khi nhà hàng tiệc cưới Riverside Palace được đưa vào hoạt động, cơ quan chức năng phát hiện công ty Lâu Đài Ven Sông đã xây dựng công trình không phép có tổng diện tích vi phạm hơn 261m2. Thay vì sử dụng đúng phần diện tích đã được cấp phép thì chủ nhà hàng Riverside Palace lại tự ý xây dựng công trình không phép, lấn chiếm phần lớn vỉa hè của người đi bộ, được lắp kính cường lực chắc chắn, quây xi măng kiên cố và sử dụng để kinh doanh dịch vụ ăn uống, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

UBND quận 4 ra văn bản cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nhưng đã gần 1 năm nay, những sai phạm về trật tự xây dựng tại nhà hàng tiệc cưới Riverside Palace vẫn chưa có quyết định cuối cùng của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. 

Điều này khiến người dân, dư luận đặt ra không ít câu hỏi, nghi vấn trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM nói chung và quận 4 nói riêng. Đến bao giờ thì những sai phạm này sẽ được xử lý dứt điểm hay phần công trình vi phạm này sẽ được cơ quan chức năng cho phép hợp thức hoá để tồn tại? Liệu rằng có một thế lực nào đó che chở phía sau nên không thể cưỡng chế những sai phạm tại công trình này? 

Được biết, công ty Lâu Đài Ven Sông thành lập vào tháng 6/2010 với vốn điều lệ 40,2 tỷ đồng. Công ty Lâu Đài Ven Sông có 12 cổ đông sáng lập, trong đó có 5 cá nhân và 7 pháp nhân. Người đại diện theo pháp luật ban đầu của công ty Lâu Đài Ven Sông là ông Nguyễn Cao Trí. Đến nay, bà Ngô Thị Kiều Liên là người đại diện pháp luật.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm