Hải Phòng: Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở

| 12-07-2019, 23:10 | Thị trường 24h

Được đánh giá là thị trường bất động sản tiềm năng với nhiều dự án cao cấp thế nhưng quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại Hải Phòng lại vô cùng “eo hẹp” trong khi nhu cầu rất lớn.




Hải Phòng: Người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở

Khu chung cư Bắc Sơn ở khá xa trung tâm thành phố

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc phát triển nhà ở xã hội đến thời điểm này mới chỉ đạt khoảng 33% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.

Thiếu nguồn cung, thừa nguồn cầu

Tại Hải Phòng hiện nay mới có 1 vài dự án nhà ở xã hội, đó là Khu chung cư Bắc Sơn (Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển đầu tư Hải Phòng đầu tư), Dự án nhà ở xã hội Pruksa (Liên doanh Tập đoàn Tài chính Hoàng Huy và Tập đoàn Pruska International đầu tư).

Dự án nhà ở xã hội Pruksa gồm 480 căn hộ chung cư 5 tầng, 2.001 căn hộ chung cư 3 tầng, 11 căn hộ tái định cư với tổng số 2.480 căn hộ. Đại diện ban quản lý dự án Pruksa cho biết, tỉ lệ lấp đầy của khu nhà ở này đạt 100%. Nhiều người không mua được phải chấp nhận “sang tay” với giá chênh lệch hoặc thuê lại để ở.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho biết, vài năm trở lại đây, thị trường BĐS Hải Phòng chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của nhiều dự án cao cấp nhưng nhà ở xã hội hiện vẫn được số đông người tiêu dùng chú ý vì giá cả phù hợp và đáp ứng nhu cầu ở đích thực. Tuy nhiên, dù nhu cầu khá lớn nhưng thị trường hiện nay vẫn chưa đáp ứng được.

Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; thành phố chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chưa mặn mà.

Khó tiếp cận nhà ở

Cũng theo ông Thành, dù là đối tượng ưu tiên chính trong dự án nhà ở xã hội nhưng chính người lao động, người có thu nhập thấp lại khó tiếp cận bởi… cơ chế.

Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ nêu rõ: “Nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp” là nhà dành cho đối tượng có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị, nhằm phân biệt với “nhà ở sinh viên” và “nhà ở công nhân khu công nghiệp.” Theo đó, người mua phải chứng minh thuộc diện thu nhập thấp, có đăng kí hộ khẩu thường trú đô thị, phải có BHXH. Thực tế, người lao động có thu nhập thấp ở Hải Phòng phần lớn là lao động nhập cư và không phải ai cũng được kí hợp đồng lao động, được nộp BHXH. Bởi vậy, dù có nhu cầu cao nhưng nhiều người phải “chùn bước”, tìm đến các căn hộ cho thuê.

“Một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế, nhất là điều kiện đăng kí mua nhà còn phức tạp, điều kiện ràng buộc... khiến lượng người dân được mua nhà ở xã hội còn hạn chế dù nhu cầu thực tế chiếm hơn 50% nhu cầu của thị trường”, ông Thành cho biết.

Trên thực tế, Nhà ở xã hội ở Hải Phòng vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, khuyết điểm ngay từ khi vừa đưa vào sử dụng. Chung cư tái định cư Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), từ khi Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng quản lý năm 2016 đến nay vẫn chưa làm thủ tục ký lại Hợp đồng mua bán căn hộ đối với cư dân, dẫn đến việc chậm trễ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Còn chung cư Bắc Sơn (quận Kiến An, Hải Phòng), hạ tầng chưa đủ, lại ở khá xa trung tâm thành phố, bất tiện trong việc đi lại, sinh hoạt của cư dân…

Về phía doanh nghiệp, nhà ở xã hội không được chủ đầu tư “thiết tha” bởi lợi nhuận có từ nhà ở xã hội rất thấp, chi phí đầu tư cao. Bên cạnh những chính sách ưu đãi dành cho chủ đầu tư, vẫn còn rất nhiều rào cản như thủ tục pháp lý, hay các ưu đãi về đấu nối cơ sở hạ tầng… gây trở ngại cho quá trình hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở xã hội.

Nguồn vốn dài hạn để hỗ trợ chủ đầu tư vay xây dựng, cũng như hỗ trợ các đối tượng được hưởng chính sách vay mua nhà chưa ổn định. “Hầu hết chủ đầu tư phải tự huy động vốn, bởi dù có nguồn vốn vay nhưng cơ chế chính sách chưa phù hợp khiến doanh nghiệp ngao ngán”, ông Thành chia sẻ.

Cũng theo ông Thành, Hải Phòng là địa phương đi đầu trong phát triển nhà ở xã hội với nhiều dự án tốt nhưng quỹ đất của thành phố còn hạn chế, chủ yếu tập trung cho các phân khúc tầm cao hơn. Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô trên 10ha, tuy đã xác định 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội nhưng nhiều dự án chưa quan tâm tới quy định này.

"Nếu không kịp thời có những chính sách điều chỉnh, thu hút nhà đầu tư thì dù nhu cầu rất cao nhưng nhà ở xã hội vẫn chưa thể phát triển theo đúng định hướng và thiếu tính bền vững" - ông Thành khẳng định.

Minh Hương
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm