Mặt bằng siêu thị - sức hút không giảm

| 14-07-2019, 06:30 | Thị trường 24h

Sau ông lớn bán lẻ Châu Âu Auchan rời thị trường Việt Nam, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ nhìn từ góc độ mặt bằng hay hạ tầng địa ốc làm siêu thị đang được nhìn nhận lại.




Mặt bằng siêu thị - sức hút không giảm

Giá thuê mặt bằng tại các khu vực đắc địa, Việt Nam cao thứ 3 trong khu vực

Thị trường địa ốc phân khúc mặt bằng bán lẻ được đánh giá tiếp tục nóng lên từng ngày, từng địa bàn sôi động dân cư sinh sống bao gồm cả các khu vực trong trung tâm và ngoài trung tâm.

Vẫn giữ hấp dẫn dài hạn

Nhìn nhận tổng quan, ông Desmond Sim-Phụ trách Nghiên cứu Singapore và Châu Á Thái Bình Dương của CBRE cho rằng, đối với các nhà đầu tư kinh doanh khu vực, Việt Nam là 1 con rồng đã lớn dậy sau nhiều năm. “Với tăng trưởng GDP xấp xỉ 7% được duy trì ổn định, hoạt động thương mại mở cửa hội nhập đa thị trường, nhiều ngành hàng mở rộng quy mô… Việt Nam còn hứa hẹn trong 10 năm tới sẽ tiếp tục là thị trường phát triển về bán lẻ, kéo theo là thị trường phát triển về mặt bằng bán lẻ”, ông Sim nói.

Một yếu tố mà ông Desmond Sim phân tích khiến bán lẻ Việt Nam sẽ vượt mặt nhiều quốc gia, là số lượng dân số xấp xỉ 100 triệu dân, thu nhập ngày càng tăng cao và mức chi tiêu cũng ngày càng tăng cao. “Trong khi Trung Quốc, Hồng Kong đang có dấu hiệu tăng chậm lại về bán lẻ thì 6 tháng đầu năm 2019 cũng như dự báo 6 tháng cuối năm nay, Việt Nam sẽ có nhiều thương hiệu bán lẻ gia nhập tại đây”.

Tại TP HCM, nếu nhìn ở một số dự án khu đô thị quy hoạch trong khu dân cư đông đúc, có sức tiêu thụ lớn và mức tăng giá cao trong vòng 2 năm trở lại đây, có thể cảm nhận được sôi động thanh khoản của nhóm nhà phố phục vụ nhu cầu ở và cho thuê thương mại kinh doanh.

Một chủ đầu tư lớn ở khu vực Bắc Gò Vấp cho biết trong quá trình xây dựng khu đô thị tại đây, các dự án có mặt bằng kinh doanh thương mại của Cty luôn có sức mua cao. Đại đa số nhà đầu lựa chọn sản phẩm đa mục tiêu như có thể để ở, kinh doanh hoặc cho thuê thương mại...

Mặt bằng bán lẻ vẫn thiếu

Trong khi đó ở phân khúc mặt bằng bán lẻ dạng trung tâm thương mại tập trung, nguồn cung cho thuê trung tâm và ngoài trung tâm đều có tỷ lệ hấp thụ cao.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý cấp cao BP Nghiên cứu và Phát triển thị trường CBRE Việt Nam, đánh giá, sự dịch chuyển diện mạo của thị trường mặt bằng bán lẻ đang khá rõ, khi các chủ đầu tư là nhà bán lẻ lớn đã phát triển được nền tảng của mình và hòa nhịp được với xu hướng chi phối từ cung lẫn cầu.

Theo thống kê, TP HCM hiện có hơn 1 triệu m2 phục vụ bán lẻ với 58 dự án, đứng đầu trên cả nước về diện tích mặt bằng bán lẻ. Đứng thứ 2 là Hà Nội. Tuy nhiên, 6 tháng qua, thị trường TP HCM không có thêm nhiều nguồn cung mới. Sự chậm lại tiến độ của một số dự án khiến nguồn cung loãng và có khả năng sẽ rải đều thay vì bùng nổ trong một khoảng thời gian.

Về giá, mức thuê mặt bằng cũng theo CBRE, đang tiếp tục tăng đều. Khu vực trung tâm đạt 136USSD/m2/tháng chưa bao gồm phí và thuế vat, ngược lại giá thuê khu vực ngoài trung tâm chỉ 38USD/m2/tháng, tăng lần lượt 1,5% và 1,2% so với quý trước.

“Sở dĩ khu vực trung tâm vẫn luôn có giá mặt bằng bán lẻ cao và gần như không có điều chỉnh giảm, tăng dần đều là bởi nếu so với ngoài trung tâm còn thiếu thốn cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, bất chấp mức giá thuê tăng, các dự án ở ngoài mở rộng đều được phát triển tốt, tỷ lệ trống rất thấp”, bà Thanh nói.

Một điều đáng chú ý, trong kế hoạch hiện tại và trung hạn những nhà bán lẻ lớn như VinRetai, Saigon Coop, Emart, Lotte… đều đang có kế hoạch phát triển, mở rộng thị trường. Nhiều thương hiệu lớn cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại đây. Điều này cho thấy các ứng dụng mua sắm có thể tác động hành vi mua hàng của khách hàng, nhưng không xóa bỏ mô hình kinh doanh xuất phát từ mặt bằng thực tế.

THUẬN HOÁ

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm