Nhà đầu tư địa ốc "hốt bạc" tháng Ngâu

| 26-08-2019, 06:30 | Thị trường 24h

Tháng Ngâu, trong khi môi giới phân khúc căn hộ đối mặt với cảnh ế ẩm thì môi giới đất nền, đất thổ cư ở các thị trường vùng ven vẫn “túc tắc” giao dịch.




Nhà đầu tư địa ốc "hốt bạc" tháng Ngâu

Phân khúc đất nền, đất thổ cư ở các thị trường ven Hà Nội vẫn “túc tắc” giao dịch

Trần M.L – nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch tại Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết tháng Ngâu là tháng mà phân khúc căn hộ giao dịch ảm đạm nhất so với các tháng khác trong năm. Do có nhiều thời gian rảnh nên M.L quyết định đi phượt cùng nhóm bạn.

Hai thái cực trái chiều

Dù tích cực chạy quảng cáo cho 1 dự án căn hộ ở phía Tây nhưng nửa tháng trôi qua, nhóm môi giới của anh Phạm Quốc Chính vẫn chưa chốt được căn hộ nào, trong khi cùng khoảng thời gian, vào các tháng trước, nhóm anh có thể chốt từ 1-2 căn.

Cũng vào các tháng trước, các thành viên trong nhóm vẫn tất bật với hoạt động dẫn khách đi xem dự án, thì từ đầu tháng đến nay mọi người đều khá rảnh rang vì có rất ít khách liên hệ dù chủ đầu tư đã tung nhiều chương trình khuyến mại kích cầu tháng Ngâu.

Nếu phân khúc căn hộ chung cư ế ẩm, nhỏ giọt giao dịch trong tháng Ngâu thì phân khúc đất nền, đất thổ cư ở 1 số khu vực Hà Nội lại ghi nhận sự nhộn nhịp người đi xem đất và “túc tắc” giao dịch. Sự nhộn nhịp của thị trường vùng ven Hà Nội hoàn toàn đến từ sự góp mặt của giới đầu tư.

Nhà đầu tư Hoàng Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết sở dĩ căn hộ ế ẩm, giao dịch nhỏ giọt còn đất nền vẫn có sự nhộn nhịp nhất định trong tháng Ngâu là do từ lâu căn hộ Hà Nội không còn là kênh đầu tư hiệu quả ở cả thị trường mua bán và cho thuê.

Do đó, người có nhu cầu với căn hộ chủ yếu là người mua ở thực – đây cũng là nhóm khách hàng “nặng” tâm lý kiêng kị mua nhà trong tháng cô hồn. Trong khi đó, phân khúc đất nền, đất thổ cư vẫn luôn được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của giới đầu tư. Với giới đầu tư, chỉ cần “hàng tốt và giá tốt” thì bất cứ thời điểm nào, họ cũng sẵn sàng xuống tiền.

Trên thực tế, thời điểm đầu năm 2019, hàng loạt khu vực ven Hà Nội như Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm đồng loạt dậy sóng khi có thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020. Mức tăng giá được thiết lập giai đoạn này ghi nhận đạt 20-30%, thậm chí nhiều khu vực mức tăng đạt 70-100% chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, cơn sốt này chỉ bùng lên trong ngắn hạn với khoảng thời gian là 2 tháng (thời điểm sau Tết Nguyên đán) là tháng 2, tháng 3 dương lịch và dần xẹp lép vào những tháng kế tiếp. Đến thời điểm hiện tại, thị trường những khu vực này ghi nhận sự sụt giảm mạnh cả về giá và giao dịch.

Thời điểm đầu năm, nhiều nhà đầu tư lao vào cơn sốt theo đám đông đang “dở sống dở chết”. Tuy nhiên, trong bối cảnh trầm lắng, thị trường khu vực vùng ven đã hình thành một lớp nhà đầu tư mới.

Thị trường xoay trục

Ông Nguyễn Văn Kha, một nhà đầu tư đến từ Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, thị trường trầm lắng cộng với yếu tố tháng Ngâu là thời điểm lý tưởng để tìm kiếm cơ hội đầu tư và xuống tiền. Cũng theo ông Kha, những nhà đầu tư vốn ngắn lao vào cơn sốt đất ven Hà Nội đang muốn đẩy hàng để thu vốn, giảm gánh nặng lãi suất tiền vay sẽ buộc phải cắt lỗ, giảm sâu giá đất. Tháng Ngâu là thời điểm dễ “ép giá” với những chủ đất đang trong tình trạng này.

Anh Văn Thuật, một môi giới nhà đất ở Hoài Đức cho biết, thị trường sụt giảm là lúc nhà đầu tư mua vào. Mua trong thời điểm tháng Ngâu – tháng mà người Việt có tâm lý kiêng kị mua đất, mua nhà, nhà đầu tư có thể mua được với giá hời.

Anh Thuật cũng cho biết, một nhà đầu tư lướt sóng trước đó do không chịu được lãi suất từ việc đi vay đã chấp nhận cắt lỗ từ nhiều tháng nay và gửi anh bán giúp. Thế nhưng nếu các tháng trước, dù đã cắt lỗ và rao bán nhưng không có người mua thì đầu tháng Ngâu, 1 số nhà đầu tư đã liên hệ với anh Thuật tìm hiểu mảnh đất và vin vào lý do tháng Ngâu, những nhà đầu tư này đề nghị chủ đất giảm giá tiếp.

Do đang cần tiền, nhà đầu tư gửi anh bán giúp đã chấp nhận tiếp tục giảm giá bởi càng “ôm” hàng lâu thì càng phải đối mặt với lãi suất đi vay đang đè nặng. Tháng Ngâu mới đi được nửa chặng đường nhưng anh Thuật đã chốt được 2 lô.

Theo khảo sát của phóng viên, tại các khu vực Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm… cũng ghi nhận nhiều nhà đầu tư đến khảo sát thị trường trong tháng Ngâu. Các nhà đầu tư này đều kì vọng vào sự trầm lắng của thị trường, thời điểm tháng Ngâu và sự chới với của những nhà đầu tư vốn mỏng lao theo đám đông trước đó để có được “hàng đẹp, giá tốt”.

Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thừa nhận, việc kiêng cữ dường như đã hạn chế bởi dân trí Việt Nam hiện đã tăng cao, người trẻ thường ít đặt nặng quan niệm mua nhà tháng Ngâu, trong khi lượng khách hàng mua nhà, xây và sửa nhà hiện nay đa phần là người trẻ. Điều này cho thấy, thị trường bắt đầu xoay trục.

THUÝ AN

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm