Hệ lụy homestay ở Hội An (Kỳ II): Liệu có “vỡ trận”?

| 26-08-2019, 14:10 | Thị trường 24h

“Homestay không chỉ là ăn và ở, không có trải nghiệm thì không thể gọi là homestay. Cần có cơ chế quản lý, quy định riêng về loại hình homestay nếu như muốn phát triển bền vững”.


Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng Văn Hóa Thông Tin TP Hội An.



Hệ lụy homestay ở Hội An (Kỳ II): Liệu có “vỡ trận”?

Homestay không chỉ là loại hình lưu trú đơn thuần, mà là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có hàm lượng văn hóa, kiến trúc và trí tuệ (Ảnh: Du khách trải nghiệm cuộc sống, công việc nhà nông ở Hội An).

Theo thống kê, vào cuối năm 2018, Hội An chỉ có 151 homestay với khoảng 500 phòng. Nhưng chỉ sau nửa năm, con số này đã lên tới hơn 300 homestay với trên 1.200 phòng. Ngoài ra còn hàng trăm homestay khác đã được cấp giấy phép nhưng chưa đi vào hoạt động. Cuộc đua phát triển homestay đang nảy sinh những bất cập.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định số 3267/QĐ-UBND “về việc sửa đổi một số nội dung quy chế (có từ năm 2017) quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (gọi là homestay) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nội dung sửa đổi tập trung vào các điều kiện kinh doanh loại hình này (điều 3, chương 2). Quy chế hiện chỉ còn yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn Hóa Thông tin TP Hội An cho rằng, vốn dĩ homestay mở theo cơ sở vốn có của người dân, những ai có đủ cơ sở hạ tầng mới được cấp phép kinh doanh dịch vụ. Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ người kinh doanh vẫn chưa nhìn nhận đúng về ý nghĩa của homestay, chưa thực hiện đúng với mục đích và cam kết ban đầu dẫn đến sai phạm. Và phần lớn những cơ sở kinh doanh thua lỗ đều không phải cơ sở của người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, hiện nay, nhiều người dân, du khách, thậm chí cả ngành du lịch cũng không hiểu đúng về homestay. Họ cho rằng đó là loại hình lưu trú đơn thuần, chứ không phải là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có hàm lượng văn hóa, kiến trúc và trí tuệ.

Ong Sơn cho biết, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chủ trương về việc giảng dạy chuyên môn kinh doanh homestay cho các hộ kinh doanh, nhưng phần lớn các hộ không tham gia học tập. Người kinh doanh hiện nay chỉ chú tâm đến việc phát triển kinh tế chứ không nghĩ đến việc thay đổi tư duy để phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Ông Lanh cho rằng, đây là dịch vụ du lịch đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội đảm bảo các yếu tố về thân thiện với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật kinh doanh loại hình lưu trú du lịch homestay là cần thiết.

Theo các chuyên gia, cần có thêm những định hướng, cơ chế quản lý để đảm bảo rằng, trong tương lai, Hội An vẫn giữ được giá trị du lịch của mình, tạo được thương hiệu cũng như dấu ấn tốt trong lòng du khách.

Tuấn Vỹ
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm