Yêu cầu thực hiện nghiêm công tác phòng chống rửa tiền trong kinh doanh địa ốc

| 3-09-2019, 15:10 | Thị trường 24h

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng các quy định nội bộ liên quan đến vấn đề phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố theo luật định.


Theo đó, Sở yêu cầu các doanh nghiệp, các môi giới và sàn giao dịch địa ốc đang hoạt động trên địa bàn TP cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về nhận biết đối tượng khách hàng, cập nhật các thông tin khách hàng và rà soát đối với các giao dịch, áp dụng biện pháp tăng cường với những đối tượng người mua tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đối với những giao dịch sửa tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, cần lập báo cáo và gửi về các cơ quan quản lý như: Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng và Cục Phòng chống rửa tiền- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Yêu cầu thực hiện nghiêm công tác phòng chống rửa tiền trong kinh doanh địa ốc
Những giao dịch sửa tiền mặt có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong kinh doanh địa ốc đều phải báo cáo Bộ Xây dựng.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được đề nghị đánh giá mức độ rủi ro tiền, tài trợ khủng bố về các giao dịch bất động sản tại chính cơ sở kinh doanh của mình, gửi kết quả về các cơ quan đã nêu trên trước thời điểm ngày 15/9/2019 để phục vụ công tác thống kê, theo dõi, thanh tra, giám sát.

Cùng với đó, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cũng yêu cầu Thanh tra Sở đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh - kiểm tra về việc thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền trong kinh doanh địa ốc, gửi báo cáo tổng hợp về Bộ cũng như Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng trước đó cũng đã gửi công văn 1590/BXD-QLN ngày 8/7/2019 liên quan đến việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh bất động sản đến Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các Sở yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ cùng Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Toàn TP.HCM có tất cả 28.465 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 456.007 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa ốc chiếm 7,3% nhưng nếu xét về vốn đăng ký thì chiếm tỷ trọng cao nhất với 39,6%, bỏ xa vị trí thứ hai là xây dựng tới 32,3% (chiếm 17,3%).

Cũng trong 8 tháng đầu năm, TP đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 816 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt 754,07 triệu USD. Kinh doanh bất động sản cũng là ngành chiếm số vốn đầu tư lớn nhất với 33,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đứng ở vị trí thứ hai với 30,1%; vị trí thứ ba thuộc về lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 18,7%..., số liệu theo báo cáo của UBND TP.HCM.


(Theo TTXVN)
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm