Doanh nghiệp địa ốc gặp khó vì xung đột pháp lý

| 7-09-2019, 00:20 | Thị trường 24h

Tình trạng chồng chéo, thậm chí xung đột giữa các quy định pháp luật, nhất là trong đầu tư xây dựng đang tạo rào cản cho nhà đầu tư, chủ đầu tư và cả cơ quan quản lý.


Tại tọa đàm “Xung đột pháp lý trong đầu tư xây dựng” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tấn Phong - Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn chứng, liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, riêng Bộ Xây dựng là cơ quan soạn thảo và chỉ đạo, theo dõi thực hiện 4 luật, gồm Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở. Bộ Kế hoạch - Đầu tư soạn thảo và chỉ đạo Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Bộ Tài nguyên - Môi trường soạn thảo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Tài nguyên - Môi trường…

Làm khó doanh nghiệp

"Chính việc nhiều luật xung đột trong quy định một vấn đề là nguyên nhân gây nên tình trạng xây dựng không phép, trái phép diễn ra phổ biến thời gian qua. Đó là chưa kể nghị định, thông tư liên quan của các luật này. Song điều quan trọng, cùng một vấn đề nhưng giữa luật nọ và luật kia có sự khác biệt trong quy định, gây nhiều khó khăn cho các đơn vị thực thi" - ông Phong chia sẻ.



Doanh nghiệp địa ốc gặp khó vì xung đột pháp lý

Nhiều dự án "bất động" do xung đột, chồng chéo về Luật

Đứng trên góc độ của một chuyên gia về pháp chế, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, đây là một vấn đề nhạy cảm, có thể gây ra nhiều hệ quả lớn làm mất thời gian, làm tăng chi phí rủi ro và lỡ cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

Ông Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã thu thập, hệ thống lại, làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật. Từ đó, VCCI đã có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng Chính phủ về 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.

Cụ thể, xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai; xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư.

Chồng chéo thủ tục xin phép chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản; không thống nhất về quyền chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai; có sự khác nhau về trình tự, thủ tục đầu tư dự án quy mô 5.000 tỷ đồng trở lên giữa Luật Đầu tư, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Xây dựng.

Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn còn cho rằng, hiện nay đang tồn tại tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật của các Bộ khiến mỗi địa phương thực hiện 1 kiểu, còn các cơ quan thực thi chính sách lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do pháp luật Việt Nam hiện đang trong tình trạng bị phân mảng, chưa phải là hệ thống đồng bộ, minh bạch.

Bên cạnh đó, hiện đang thiếu một một cơ chế phù hợp, một cơ quan trung gian đủ mạnh để thúc đẩy rà soát và có tiếng nói phản biện đủ khách quan và độc lập để tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi để khắc phục và ngăn chặn những chồng chéo, xung đột trong quá trình xây dựng và sửa đổi pháp luật.

Hiện nay, việc giải quyết xung đột, chồng chéo chủ yếu phụ thuộc vào việc tranh luận và thỏa hiệp giữa các bộ ngành trong quá trình soạn thảo.

Giải quyết triệt để

Liên quan đến khái niệm “chủ đầu tư” và “nhà đầu tư”, bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách Pháp chế, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ TN-MT, cho biết hiện nay Bộ đang sửa các quy định liên quan đến nhà đầu tư, chủ đầu tư và địa điểm đầu tư dự án tại Luật Đầu tư, Luận Nhà ở và Luật Xây dựng.

Chẳng hạn, thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng trong quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở không thống nhất thời điểm giới thiệu trước hay sau, khi nhà đầu tư nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo Luật Đầu tư, địa điểm được xác định trước khi có quyết định chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, Luật Xây dựng quy định cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho chủ đầu tư khi có yêu cầu, tức không bắt buộc và không nói rõ phải có trước hay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư.

Sự chồng chéo này khiến các địa phương có cách hiểu và vận dụng khác nhau, gây lúng túng cho nhà đầu tư. Có địa phương thực hiện thủ tục hành chính giới thiệu địa điểm trước thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Có địa phương lại thực hiện sau đó và cũng có nơi đồng thời thực hiện 2 thủ tục. Như vậy làm đúng quy định luật này đồng nghĩa làm sai quy định của luật kia và ngược lại.

Ở một góc độ khác, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng: Về nguyên tắc, luật ban hành sau được ưu tiên so với luật ban hành trước. Nhưng trên thực tế, bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ ngành mình. Việc xử lý của cơ quan thanh kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán nên hiện tượng né tránh, sợ sai, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn về phía người dân và doanh nghiệp vẫn khá phổ biến.

Lỗ hổng trên xuất phát từ hiện tượng “cát cứ quyền lực”, lợi ích nhóm của một số bộ ngành. Vấn đề này chỉ giải quyết triệt để bởi một cơ quan độc lập tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để sửa đổi trong các kỳ họp của Quốc hội.

"Do vậy, đối với những đạo luật ban hành trong tương lai, cần giao các cơ quan có năng lực chuyên môn soạn thảo, tiến hành nghiêm túc và thực chất các khâu tham vấn, phản biện xã hội độc lập" - GS Võ đề xuất.

ĐÌNH ĐẠI

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm