Hạn chế đầu tư ra nước ngoài: Bước lùi hội nhập

| 14-09-2019, 06:50 | Thị trường 24h

Việc hạn chế đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS là một bước lùi trong tiến trình hội nhập và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh, tự do sở hữu nhà ở của người dân tại nước ngoài.




Hạn chế đầu tư ra nước ngoài: Bước lùi hội nhập

Các lĩnh vực Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất 8 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Bộ KH-ĐT

Do lo ngại dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực BĐS.

Việc đầu tư hay không đầu tư là do kinh tế thị trường quyết định, và cụ thể nhà đầu tư cảm thấy việc đầu tư ở đâu có thể mang lại lợi nhuận thì họ có quyền quyết định đầu tư. Cấm cản hay hạn chế thậm chí sẽ phát sinh làm chui và khi đó việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn, ngoại tệ thất thoát sẽ nhiều hơn.

Bản thân các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài cũng mong muốn có lợi nhuận, mang tiền về nước chứ không ai muốn làm ăn thua lỗ, để mất vốn. Điển hình là Việt kiều sau những năm tích lũy, rất nhiều người cũng mang ngoại tệ về VN đầu tư.

Khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp không những chỉ đem tiền trong nước đi đầu tư mà đôi khi còn mang về những đối tác khác cùng liên kết và đầu tư ngược lại ở VN, mang ngoại tệ về cho đất nước.

Hơn nữa, trong khi các nước đều khuyến khích các doanh nghiệp, người nước ngoài đầu tư vào nước họ, nhưng chúng ta lại hạn chế cũng có nghĩa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nội bị co hẹp, gây khó khăn cho công dân, doanh nghiệp Việt và như vậy, quy định trên thậm chí đi ngược với quy luật đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã gia nhập WTO, chúng ta cần tôn trọng các mục đích đầu tư. Việc thu hút đầu tư trong nước, số lượng các doanh nghiệp FDI đang rất lớn có nghĩa các doanh nghiệp của Việt Nam cũng có thể mở rộng thị trường đầu tư ra nước ngoài.

Chính sách pháp luật Việt Nam trước tiên cần tôn trọng quy luật quốc tế cũng như quan điểm của nền kinh tế thị trường. Khi người dân, doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài bằng con đường “chính ngạch”, chúng ta có thể dễ dàng kiểm soát dòng tiền.

Chưa kể, sau khi có kinh nghiệm từ môi trường đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư sẽ đúc rút được các bài học về pháp luật, về kinh nghiệm đầu tư nước ngoài và trở thành các chuyên gia bất động sản trở về đầu tư tại thị trường trong nước, khi đó sẽ tuân thủ các quy định, quy chuẩn quốc tế và sẽ phát triển tốt hơn rất nhiều.

Do đó, tôi cho rằng thay vì việc hạn chế, nếu Nhà nước muốn khuyến khích các nhà đầu tư trong nước thì cần có chính sách tốt để khuyến khích, thu hút đầu tư chính các doanh nghiệp nội, để họ không tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài nữa.

Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm