Treo 15 năm, dự án công viên Safari bị cắt chức năng ở, nghỉ dưỡng

| 26-09-2019, 15:10 | Thị trường 24h

UBND TP HCM vừa giao Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất chủ trương điều chỉnh quy hoạch Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Safari) và 10 phân khu dọc sông Sài Gòn.




Treo 15 năm, dự án công viên Safari bị cắt chức năng ở, nghỉ dưỡng

Mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu lập qui hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 (điều chỉnh) Khu đô thị Tây Bắc TP HCM với qui mô dân số 300.000 người theo đồ án qui hoạch chung xây dựng thành phố được duyệt. Đồng thời bố trí dành quỹ đất phát triển để triển khai quy hoạch này thành KĐT trong tương lai với quy mô dân số khoảng 600 nghìn người.

Theo chủ trương của UBND TP, dự án Công viên Sài Gòn Safari, TP yêu cầu điều chỉnh quy hoạch theo đúng mục tiêu và chức năng là công viên, không bố trí chức năng ở, nghỉ dưỡng.

Tại dự án này, TP giao huyện Củ Chi thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát và đề xuất cụ thể các nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương và công bằng cho các hộ dân có đất bị thu hồi.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với diện tích còn lại nằm trong quy hoạch của dự án theo đúng quy định.

Đối với khu vực dọc sông Sài Gòn thuộc 10 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà ven sông Sài Gòn, TP giao Sở Quy hoạch kiến trúc tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị theo 10 đồ án quy hoạch đã được duyệt; chọn thí điếm 1 hay 2 phân khu có vị trí, điều kiện địa lý, kết nối giao thông thuận lợi, để tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo hướng phát triển du lịch sinh thái.

TP nhấn mạnh, khu vực dọc sông Sài Gòn sẽ không phát triển các khu nhà cao tầng mà người dân trong khu vực này được ở, sinh sống, khai thác du lịch theo mô hình, quy hoạch được duyệt.

Đặc biệt, cả 2 dự án trên sẽ được TP sẽ xúc tiến mời gọi đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án.

Được biết, dự án Công viên Sài Gòn Safari nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (thuộc huyện Củ Chi), có diện tích 456,85 ha, cấp phép từ năm 2004 và được UBND TP HCM giao Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Dự án được triển khai với mục tiêu trở thành công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á, là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loại động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam.

Năm 2004, UBND TP HCM có văn bản chấp thuận chủ trương tuyển chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên, 13 năm sau, đồ án quy hoạch dự án Sài Gòn Safari mới hoàn thành và được phê duyệt.

Đây là dự án lớn, tuy nhiên lại được giao cho chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm thực hiện dự án, lại phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao, không phù hợp quy định nhà nước nên chủ đầu tư không thực hiện được các kế hoạch đề ra, khiến dự án kéo dài nhiều năm.

Bên cạnh đó, theo kết luận thanh tra toàn diện của Thanh tra Chính phủ, dự án có tổng số 705 hồ sơ đền bù thì có đến 578 hồ sơ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hằng năm (màu, lúa màu) hoặc đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn).

Trong khi đó, huyện đã áp giá “đất vườn gò trong khu dân cư” với đơn giá 150.000 đồng/m², cao gấp đôi đất trồng cây lâu năm. Việc này khiến số tiền phải chi tăng thêm hơn 104,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo quy định pháp luật thì việc xây dựng khu tái định cư phải làm đồng thời với việc giải phóng mặt bằng, trường hợp chưa có khu tái định cư thì phải di dời người dân đến nơi bố trí tạm cư.

Thế nhưng, tại dự án Sài Gòn Safari, trong suốt 14 năm “treo” dự án, những hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng ở đây cũng không được bố trí tạm cư, không được chi tiền tạm cư mà các cơ quan chức năng có liên quan lại cho phép người dân tạm cư tại chỗ.

Việc sai phạm và chậm trễ đã khiến nhiều năm qua người dân liên tục khiếu nại, không chịu bàn giao mặt bằng, biến Củ Chi thành điểm nóng của bất động sản TP HCM.

DIỆU HOA

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm