Tác động ghê gớm của dịch Covid-19 tới bất động sản nghỉ dưỡng

| 9-03-2020, 07:53 | Thị trường 24h

Là nền kinh tế thứ 2 thế giới, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu, dịch viêm phổi cấp Covid-19 bắt nguồn tử Trung Quốc đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Từ sự sụt giảm của du lịch…

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Trung Quốc là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Năm 2000, quy mô của thị trường này mới chỉ là 4,5 triệu người thì đến năm 2018, quy mô đã phình to gấp hàng chục lần, đạt 150 triệu người. Khách Trung Quốc cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu du lịch quốc tế toàn cầu, đạt 16%, tương đương 277 tỷ USD.

Tương tự tại Việt Nam, theo Tổng cục Du lịch, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đóng vai trò áp đảo. Theo thống kê, năm 2019, khách Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế, dao động từ 30-50%. Trước khi có lệnh cấm, số liệu từ Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, trong tháng 1/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,99 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 16,6% so với tháng liền kề trước đó. So với cùng kỳ năm 2019, khách Trung Quốc tăng 72,6%.

Dịch cúm Corona đã khiến hàng loạt tour du lịch đến các địa điểm trên thế giới bị hủy, gây tổn thất lớn trong lĩnh vực này. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, lượng khách Trung Quốc - nguồn khách lớn nhất đến Việt Nam, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 đã sụt giảm đáng kể thời điểm đầu năm 2020. Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển bị ảnh hưởng mạnh, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số khách quốc tế đến đây.

Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại Châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Dự kiến trong thời gian tới, khu vực này sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn. Một số điểm đến du lịch như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ Châu Âu, Úc, Mỹ… do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch vì lo ngại dịch bệnh.

Tác động thứ ba phải kể đến nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí.

Tác động ghê gớm của dịch Covid-19 tới bất động sản nghỉ dưỡng

Dịch bệnh Corona tiếp tục là cú bồi mạnh mang tính chất tiêu cực vào thị trường nghỉ dưỡng vốn ảm đạm.

... đến cú giáng mạnh vào thị trường nghỉ dưỡng

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết năm nay sẽ là năm rất khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng. Trước đó, giới đầu tư từng kì vọng pháp lý dành cho loại hình condotel có thể sẽ được quy định cụ thể trong năm 2020, trở thành điểm sáng của thị trường, sau khoảng 2 năm thị trường này giảm tốc liên tiếp do sự bội thực nguồn cung, giá bán bị đẩy cao, pháp lý chưa rõ ràng, Cocobay vỡ trận cam kết lợi nhuận.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2020 dịch bệnh Corona tiếp tục là cú bồi mạnh mang tính chất tiêu cực vào thị trường nghỉ dưỡng vốn ảm đạm. Trên thực tế, ông Mauro Gasparotti cho biết các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả đối tượng khách lẻ.

Các thủ phủ du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang… đều đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh của lượng khách, đồng nghĩa với công suất phòng giảm mạnh

Theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa, trong dịp Tết Canh Tý, công suất phòng khách sạn chỉ đạt 50%, giảm gần một một nửa so với cùng kỳ 2019. Ông Hoàng Văn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cũng cho biết, sự bùng phát của dịch virus Corona khiến lượng khách Trung Quốc giảm mạnh. Công suất buồng phòng của nhiều khách sạn chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc hiện dưới 20%. Một số khách sạn đứng trước nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, ông Đính cho rằng thực trạng đầy thách thức này sẽ là cơ hội, buộc ngành du lịch phải tìm kiếm các giải pháp nhằm tái cơ cấu nguồn khách để phát triển bền vững. “Cần thúc đẩy lượng khách từ các quốc gia khác, hạn chế sự phụ thuộc vào một nguồn khách duy nhất”, ông Đính nhấn mạnh.

Ông Mauro Gasparotti cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam sẽ có sự hồi phục vào nửa cuối năm 2020 và tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Đối với khách sạn và resort, đặc biệt là những nơi phục vụ lượng lớn khách hàng đến từ các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương khuyến nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho cả khách hàng và nhân viên làm việc tại đây.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm