Nhà đầu tư BĐS chấp nhận giảm lợi nhuận kỳ vọng để ra được hàng

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 16-03-2020, 04:11 | Thị trường 24h

Nhiều khách hàng và nhà đầu tư bất động sản đang gặp khó vì những khoản đầu tư không ra được hàng trong khi các khoản vay trở thành gánh nặng lớn do tình hình kinh doanh khó khăn. Một số nhà đầu tư chấp nhận giảm lợi nhuận kỳ vọng để sớm đẩy được hàng.

Đầu tư 2 lô đất thuộc một dự án nhà phố tại Thuận An, Bình Dương từ tháng 8/2019, anh Đỗ Mạnh Hùng, nhà đầu tư TP.HCM cho biết đang đau đầu vì áp lực phải trả gốc và lãi từ khoản vay đầu tư trước đó. Được biết, để mua 2 lô đất trên, anh Hùng đã vay hơn 50% giá trị sản phẩm. Theo dự kiến, trong vòng 1 năm nhà đầu tư này sẽ sang nhượng lại 2 lô đất trên với giá chênh trung bình vào khoảng 20-30% nếu thị trường tăng trưởng tốt. 

Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, mới bước sang tháng 2/2020, tình hình kinh doanh của gia đình anh gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Bên cạnh đó, một mặt bằng cho thuê trước đó của gia đình bị trả lại do khách thuê làm ăn ế ẩm. Mỗi tháng cả gốc và lãi anh Hùng phải trả một khoản rất lớn cho ngân hàng, nếu trước kia vẫn gánh nổi vì có thu nhập ổn định thì nay anh không còn xoay sở được. Để giải tỏa áp lực vay, nhà đầu tư này quyết định bán sớm 2 lô đất với giá thấp hơn dự kiến. Thế nhưng môi giới cho biết việc ra hàng vào lúc này là rất khó khăn, dù bán với giá gốc thì trong ngắn hạn cũng không dễ thu hồi tiền về do thị trường nhà đất, nhất là đất nền, nhà phố tại tỉnh đang có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tình trạng của anh Hùng là không hiếm trong điều kiện hiện nay, nhiều nhà đầu tư khan khó vì không ra được hàng. Sang nhượng nhà đất có lời trong bối cảnh hoạt động giao dịch gần như bị đình trệ là chuyện không dễ. Thậm chí nếu không tính lời, bán với giá gốc cũng rất khó khăn, nhất là với những ai trót mua vào năm 2019 khi giá . Đã có những khách hàng chấp nhận cắt lỗ để ra hàng. 

Không chỉ giới đầu tư, ngay cả người mua ở thực cũng gặp không ít khó khăn trong việc mua bán nhà đất vào thời điểm hiện tại. 

Không chỉ đất nền/nhà phố, ngay cả phân khúc căn hộ vốn có lượng người mua ở thực cao cũng khốn đốn với việc ra hàng. Nhiều dự án căn hộ đã chuẩn bị bàn giao, nhà đầu tư thứ cấp muốn bán nhanh đều phải chủ động giảm giá. Chị Nguyệt Anh, một nhà đầu tư căn hộ cao cấp thuộc khu vực quận 2 cho biết, dự án của chị đầu tư đã hoàn tất cất nóc từ tháng 1/2020 và chuẩn bị bước vào kỳ thanh toán còn lại. Theo kế hoạch chị sẽ ra hàng trong thời điểm tháng 2 đến tháng 3 để tránh phải thanh toán khoản thu sau đó. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh gần như làm thị trường đóng băng, không chỉ dân đầu tư mà cả người mua thực cũng có tâm lý thủ tiền, chưa muốn đầu tư trong giai đoạn này khiến việc bán lại căn hộ khó khăn. 

“Khoản thanh toán còn lại đang đè nặng lên vai tôi, việc kinh doanh không thuận lợi, xoay sở tiền bạc trong lúc này rất khó. Nhưng nếu không bán ra được thì sẽ phải tiếp tục vi phạm hợp đồng. Tôi đã chấp nhận sang nhượng không lời dù theo thị trường thì giá thứ cấp của dự án đã tăng gần 15% so với trước đó. Tuy nhiên sàn môi giới lại cho biết sẽ không dễ tìm được người mua lại do tình hình hoạt động chung không tốt. Đã qua hơn 1 tháng nhưng tôi vẫn chưa tìm được cách xoay sở để ra hàng”, chị Nguyệt Anh cho biết. 

Trước tình hình kinh tế khó khăn, thị trường giảm nhiệt, không ít nhà đầu tư rơi vào tình trạng bán không được mà giữ không xong. Họ không bán ra được hàng và cũng không đủ tài chính để thanh toán các khoản vay. Liên hệ một số sàn môi giới nhờ ký gửi bán lại các gói đầu tư, hầu hết đều tư vấn khách hàng không nên kỳ vọng mức chênh cao, thậm chí nhiều nơi còn phải giảm giá bán đến gần 10-15% để ra hàng. 

Anh Nghiệm Nguyễn, một môi giới đất tại Đồng Nai cho biết, suốt 2 tháng qua gần như rất khó để sang nhượng lại đất đai, nhất là đất nền dự án. Tình hình này có thể sẽ còn tiếp diễn khi dịch bệnh phức tạp hơn. Trong 2 tháng tới thị trường chưa chắc đã phục hồi nên những ai lỡ đầu tư mà cần ra hàng gấp hay áp lực khoản vay sẽ phải chấp nhận bán lỗ nếu muốn thoát hàng nhanh.

Không chỉ nhà đầu tư, bản thân môi giới BĐS cũng chịu ảnh hưởng mạnh khi giao dịch thị trường đình trệ. Thu nhập giảm từ 50-60% so với 2 năm trước đây, doanh thu và lợi nhuận kế hoạch năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết phải điều chỉnh giảm xuống ít nhất 30% so với dự kiến. Nhiều khách hàng mua nhà để ở cũng khốn đốn vì thu nhập thường nhật bị ảnh hưởng, khó khăn trong thanh toán lãi ngân hàng theo tháng.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm