Vincom muốn chuyển đổi mô hình trung tâm thương mại

| 19-06-2019, 16:08 | Thị trường 24h

Vincom Retail cho biết đang lên kế hoạch phát triển mô hình trung tâm thương mại mới, kết hợp giữa mua sắm và trải nghiệm nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng đòi hỏi tính tiện lợi và trải nghiệm cao hơn của khách hàng.
Vincom muốn chuyển đổi mô hình trung tâm thương mại

Bên trong một trung tâm thương mại Vincom tại TP.HCM. Ảnh: Forbes Việt Nam


Vincom dự kiến phát triển các trung tâm thương mại đầu tiên theo mô hình mới này, kết hợp giữa mua sắm truyền thống và hiện đại, gia tăng các tính năng trải nghiệm cho khách hàng, theo bà Trần Thu Hiền - Phó tổng giám đốc kinh doanh và marketing Vincom Retail.

Mô hình mới này được triển khai tại các dự án trung tâm thương mại Vincom Mega Mall có quy mô lớn, khoảng 150.000 m2/dự án. Các trung tâm đầu tiên theo mô hình này đặt trong khu đô thị Vincity tại Hà Nội và TP.HCM, dự kiến sẽ bắt đầu chào thuê trong năm nay và khai trương vào năm 2020-2021.

Tại sự kiện "Tương lai của bán lẻ Việt Nam" tổ chức hôm 28.2, bà Hiền không tiết lộ chi tiết về số trung tâm sẽ phát triển theo mô hình mới, nhưng tự tin về khả năng thành công của dự án nhờ lượng dân cư đông đúc trong các khu Vincity.

Vincom Retail là nhà vận hành hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam hiện nay, với 66 trung tâm trên cả nước với tổng diện tích sàn bán lẻ đạt gần 1,5 triệu m2 tính đến cuối năm 2018. Dự kiến 13 trung tâm thương mại mới sẽ được phát triển trong năm 2019 này, đưa tổng diện tích sàn bán lẻ lên 1,6 triệu m2.

Là nhà vận hành hệ thống trung tâm thương mại lớn hàng đầu Việt Nam nhưng nặng mô hình truyền thống, cũng như nhiều nhà vận hành khác, Vincom Retail đang chịu áp lực thay đổi nhằm đáp ứng xu hướng mới của người tiêu dùng.

"Hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh, tạo ra các xu hướng mới, áp lực lên các nhà bán lẻ phải thay đổi để bắt kịp và đáp ứng thị trường," bà Rebecca Pearson - Phó giám đốc dịch vụ bán lẻ của CBRE châu Á, nhận định.

Các trung tâm thương mại hiện nay dành nhiều diện tích hơn để phát triển không gian trải nghiệm khách hàng, đang trở thành xu hướng của thị trường bán lẻ, sẽ dần thay cho các mô hình cung cấp dịch vụ mua sắm truyền thống đơn thuần.

"Khắp châu Á, các trung tâm thương mại thu hút ngày càng nhiều thương hiệu giải trí, F&B và trải nghiệm thực tế hơn, thay vì mua sắm đơn thuần," bà Rebecca Pearson nói tại sự kiện bán lẻ này, "Các cửa hàng trải nghiệm phải làm cho khách hàng ngạc nhiên, phải có gì đó khác biệt."

"Các cửa hàng của những thương hiệu lớn trên thế giới giờ đây không chỉ đơn giản là nơi trưng bày hàng hoá,", theo ông Geoffrey Morrison - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty thiết kế Concept I. Đó là nơi được đầu tư công nghệ, gia tăng tính trải nghiệm, cung cấp thông tin về xu hướng hay cả các công đoạn sản xuất sản phẩm...

"Những cửa hàng mẫu này còn được xem là lối sống, phong cách, đẳng cấp của một thương hiệu," ông nói.

"Khách hàng của chúng tôi giờ tìm kiếm gì đó khác, không chỉ là một cốc cà phê," theo bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam, chuỗi cà phê có 48 cửa hàng trên cả nước.

"Chúng tôi đã mở vài cửa hàng trải nghiệm thực tế tại Việt Nam (Starbucks Reverse) và tiếp tục cải tiến dựa trên những gì khách hàng mong muốn. Khách hàng giờ cũng có thể mua hàng, tích điểm và thanh toán qua chiếc thẻ khách hàng thân thiết của Starbucks," bà Patricia cho biết.

Theo đánh giá của công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản Savills, khách hàng đang dần được công nghệ hoá với thương mại điện tử, thiết bị thông minh, mạng xã hội hay những tiện ích công nghệ khác, buộc các nhà phát triển bán lẻ phải thấu hiểu và nắm bắt được xu hướng để đưa ra ý tưởng phát triển về kiến trúc dự án cũng như cơ cấu khách thuê phù hợp.

"Một số xu hướng phát triển mặt bằng bán lẻ mà các chủ đầu tư và nhà vận hành có thể lưu ý, bao gồm các tiện ích giải trí trong không gian bán lẻ, tích hợp thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống, các mô hình lai ghép mặt bằng bán lẻ và không gian làm việc chung," Savills nhận định.

Vincom cho biết đã đón 160 triệu lượt khách đến các trung tâm thương mại tính đến nay. Hiện nhà bán lẻ này thu hút nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, trong đó nhiều thương hiệu nước ngoài chọn Vincom là điểm đến đầu tiên trong chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam.

Với gần 90 trung tâm thương mại và tổng diện tích sàn bán lẻ gần 1,6 triệu m2 dự kiến vào cuối năm nay, theo các chuyên gia, sự chuyển đổi của Vincom nếu thành công, có sức ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.



Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm