Khuấy động thị trường bất động sản với big data

| 19-06-2019, 23:00 | Thị trường 24h

Mùa hè năm 2015, Ranjit Bosu, nhà quản trị mạng 46 tuổi tại General Motors, có cơ hội chuyển từ Phoenix đến Austin, Texas. Anh cùng vợ, Natasha, 41 tuổi, rao bán nhà với giá 335 ngàn đô la Mỹ.

Ba tháng trôi qua, khách hàng đến rồi đi. Gia đình Bosu cố gắng giảm giá bán còn 320 ngàn đô la Mỹ. “Phía môi giới cứ bảo chúng tôi: ‘sẽ bán được, sẽ bán được,’ nhưng đã là cuối tháng chín rồi, trễ quá rồi,” Natasha nói. Không bán được nhà tức là họ lỡ kế hoạch.



Sau khi một nhà môi giới không bán được ngôi nhà ở Phoenix của họ, Ranjit và Natasha Bosu tìm đến Opendoor.

Một năm sau, họ cố gắng lần nữa. Lần này họ nhờ đến Opendoor, công ty khởi nghiệp trụ sở tại San Francisco chuyên mua nhà bằng tiền mặt dựa trên thuật toán giá cả tinh vi.



Gia đình Bosu điền vào bảng câu hỏi online của Opendoor, và trong vòng vài ngày, họ chấp nhận bán ngôi nhà năm phòng ngủ của mình với mức giá 334 ngàn đô la Mỹ.

“Ban đầu, tôi nghĩ họ sẽ dìm giá tôi,” Natasha nói, “nhưng khi họ gửi tôi đề nghị, tôi đã ngạc nhiên và thấy dễ chịu.” Hai bên chốt thương vụ vào tháng 8, gia đình dọn vào một căn hộ trong lúc chờ hoàn tất đợt luân chuyển. Tháng 11, họ mua được nhà mới ở Austin.

Opendoor đang đánh cược rằng có hàng trăm ngàn người Mỹ coi khả năng bán được của một ngôi nhà quan trọng hơn bán được với giá cao nhất mong muốn.

Công ty kiếm tiền nhờ thu phí dịch vụ 6% (tương đương phí hoa hồng truyền thống) cộng thêm khoản phí phụ trội tùy vào mức độ rủi ro của giao dịch (dựa theo tính toán của công ty), khiến tổng phí trung bình họ thu vào khoảng 8%. Rồi công ty sẽ đưa ra mức giá sau cùng theo đề nghị của thẩm định viên và cố gắng bán căn nhà với giá cao hơn giá họ mua vào.

Người mua sau đó có thể đến thăm nhà tùy thời gian họ muốn, dùng mã khóa để vào và được đảm bảo rằng Opendoor sẽ mua lại căn nhà trong vòng 30 ngày nếu họ không hài lòng, cùng với chế độ bảo hành hai-năm cho hệ thống điện và những đồ gia dụng nhỏ khác.

“Tôi bị ám ảnh bởi những phiền toái của việc chuyển nhà,” Eric Wu, nhà sáng lập kiêm CEO 34 tuổi của Opendoor, nói.

Từ lâu đã luôn có những công ty quy mô nhỏ, thường không đáng tin cậy, chuyên mua những ngôi nhà của những người chủ đang tuyệt vọng cần bán bằng tiền mặt.

Và có nhiều công ty ở Phố Wall, tiêu biểu như Blackstone, luôn là những khách hàng cơ hội chuyên thu mua bất động sản nhà ở. Tuy nhiên, Opendoor đang đánh cược hoàn toàn khác.

Wu tin Opendoor có thể mua và bán nhà số lượng lớn bằng cách sử dụng thuật toán phân tích dữ liệu đang được nhiều công ty ở thung lũng Silicon sử dụng, cũng như nhằm vào phân khúc tầm trung của thị trường.

Họ chuyên làm việc với những ngôi nhà dành cho một hộ gia đình, xây sau năm 1960, có giá từ 125 ngàn đến 500 ngàn đô la Mỹ. Họ không quan tâm đến những bất động sản đang gặp khó khăn tài chính vì đòi hỏi nhiều sức lực hay những bất động sản xa xỉ vì khó định giá hơn.

Đương nhiên, thu mua nhà để tạo thị trường đòi hỏi rất nhiều vốn và rủi ro cũng lớn. Opendoor gần đây nhất đã gọi được 110 triệu đô la Mỹ (đổi lấy cổ phần) từ Khosla Ventures, GGV Capital và Access Industries cùng nhiều hãng khác và đạt mức định giá hơn 580 triệu đô la Mỹ.

Công ty cũng gọi vay được hơn 400 triệu đô la Mỹ để mua nhà. Để thành công, họ phải định giá chính xác căn nhà họ mua mà không nhìn thấy chúng, và phải bán thật nhanh để giảm thiểu tối đa chi phí duy trì.

Trong bối cảnh lãi suất tăng còn giá nhả giảm, Opendoor sẽ phải tìm cách ứng phó cho phù hợp. Khi rủi ro thị trường tăng, công ty có thể thu phí cao hơn.

Nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely, người không liên quan gì đến Opendoor, tin rằng người ta sẵn lòng bán nhà với giá thấp hơn mong muốn nếu bớt phiền hà và bán đúng lúc họ muốn, và điều này đặc biệt đúng trong những giai đoạn thị trường bán nhà chững lại. “Thị trường càng chậm và kém thanh khoản bao nhiêu thì những ai đang muốn bán nhà càng trân trọng quy trình này bấy nhiêu,” ông nói.

Opendoor đã hoạt động ở hai thị trường là Phoenix và Dallas, và họ đang mua nhà ở Las Vegas trước khi chính thức ra mắt tại đó.

Forbes ước tính doanh thu công ty sẽ đạt 50 triệu đô la Mỹ trong năm 2016 và vượt qua ngưỡng 200 triệu đô la Mỹ trong năm 2017. Công ty có kế hoạch hoạt động tại thành phố thứ tư vào cuối năm 2016, và nếu mọi chuyện tốt đẹp, họ sẽ mở rộng ra 10 thành phố trong năm 2017 và phủ toàn quốc ở 30 thành phố vào năm 2018.

Nếu mở rộng thành công, khi đó họ sẽ có lãi. Opendoor là tay chơi lớn và lì lợm trong thị trường trị giá 1,4 ngàn tỉ đô la Mỹ (lượng giao dịch thường niên), mà suốt nhiều thập niên qua hầu như chưa có thay đổi lớn.

Những số liệu này giúp giải thích tại sao Opendoor chiếm được một vị trí trong danh sách “Những startup tỉ-đô tiếp theo 2016” tại Mỹ của chúng tôi. Keith Rabois, chủ tịch điều hành của Opendoor kiêm đối tác cấp cao tại Khosla, người nảy ra ý tưởng thành lập công ty cách đây hơn một thập kỷ, nhớ lại ông đã choáng váng ra sao trước những gì mà mô hình mới mẻ này làm được.

"Sau vài năm, chúng tôi dự báo sẽ đạt được mức doanh số của Wal-Mart,” ông nói. “Tôi không nghĩ Opendoor sẽ đạt tầm doanh số như Wal-Mart trong năm 2017, nhưng chúng tôi sẽ kiếm được hàng tỉ đô la Mỹ rất nhanh.”

Là thành viên trong cái-gọi-là “băng mafia PayPal,” nơi những nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao đầu tiên tại nền tảng thanh toán này về sau đã thành lập nhiều công ty khác, Rabois, 47 tuổi, nảy ra ý tưởng cho Opendoor vào năm 2003 trong lúc làm việc tại hãng đầu tư của Peter Thiel, Clarium Capital.

Rabois nhớ lại có lần ông và đồng nghiệp trình bày ý tưởng tương tự Zillow – kho dữ liệu bất động sản trực tuyến – mà theo Rabois, Thiel thấy nó nhàm chán đến mức ông đuổi họ khỏi phòng họp. (Thiel không bình luận về điều này.)

Lúc ấy, Rabois bắt đầu nghĩ về việc làm thế nào để các chủ xe hơi có thể bán xe cũ của họ cho các đại lý dựa trên mức định giá Kelley Blue Book và làm thế nào để ông tạo ra khả năng thanh khoản tương tự cho các chủ sở hữu nhà.

Chủ tịch điều hành của Opendoor, Keith Rabois và CEO Eric Wu. “Có 50 đến 70 thành phố có thể dùng sản phẩm của chúng tôi ngay lập tức.”


Ông đặt tên cho dự án là Homerun và nói chuyện với những nhà đầu tư tiềm năng. Nhưng họ chỉ sẵn lòng chi một nửa trong số tiền 10 triệu đô la Mỹ ông cần.

Trong cơn hoang mang, ông từ bỏ kế hoạch để trở thành COO tại Square trước khi gia nhập Khosla vào năm 2013. Nhưng ông không bao giờ quên Homerun. “Tôi dành năm đến mười năm sau của cuộc đời để thuyết phục người ta làm điều đó,” ông nói.

Wu là một trong những người đó. Trong cuộc họp gần đây tại trụ sở Opendoor ở khu South of Market của San Francisco, Wu, đeo kính đồi mồi và áo vest Opendoor màu đen, hướng dẫn khách tham quan.

Văn phòng của công ty mang vẻ đặc trưng của công ty khởi nghiệp công nghệ, có không gian mở lớn cho nhân viên và khu vực bếp nấu những thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

Trên tường, chi tiết về mô hình kinh doanh của Opendoor được sơn màu xanh dương với hình vẽ vui nhộn của những căn lều tuyết và nhà trên cây, kèm biển báo “Open House” (nhà mở) và “Sold” (đã bán).

Wu khoe kế hoạch tái xây dựng thương hiệu anh đang làm, chỉ về những biển báo “đang rao bán” và sách quảng cáo in hình những gia đình hạnh phúc trong căn nhà mới của họ.

Wu lớn lên ở Glendale, Arizona ở khu ngoại ô Phoenix, là con trai của những người di cư từ Đài Loan. Cha anh qua đời khi anh 4 tuổi, để lại anh cùng hai chị em gái cho mẹ anh nuôi.Bà là nhân viên công tác xã hội với thu nhập khoảng 30 ngàn đô la Mỹ/năm.

Khi học năm hai tại ĐH Arizona State, anh cùng bạn dùng tiền học bổng để mua bất động sản cho thuê đầu tiên, và dùng tiền cho thuê nhà để mua thức ăn và chỗ ở. Năm 2005, anh tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế học và có một danh mục nhà. “Bất động sản là một phần trong DNA của tôi,” Wu nói.

Khi Wu chuyển đến San Francisco sau khi tốt nghiệp, những khó khăn của việc chuyển chỗ ở khiến anh lóe lên ý tưởng khởi nghiệp đầu tiên của mình. Rent Advisor, là công ty đánh giá căn hộ cho thuê đã gọi được 7,5 triệu đô la Mỹ trước khi được bán cho Vertical Brands.

Startup thứ hai của anh, Movity, công ty dữ liệu trực quan (data-visualization), chuyên thu thập thông tin về các khu dân cư (như tỉ lệ tội phạm, trường học…) và nghĩ ra những cách để chủ nhà lẫn khách thuê hiểu được các dữ liệu này dễ dàng, chẳng hạn dùng hệ thống thang điểm an toàn từ 0 đến 100.

“Phần chấm điểm là do Eric nghĩ ra,” đồng sáng lập Movity, Vaughn Koch nói. “Anh ấy thích kiếm lời nhờ chênh lệch giá với mọi thứ bằng cách áp dụng dữ liệu và thông tin.”

Wu cùng những nhà sáng lập Movity đến Y Combinator vào năm 2010, giúp anh gặp được Rabois. “Anh ấy là người thầy của tôi,” Wu nói.

Anh tìm kiếm cả vốn lẫn lời khuyên từ vị triệu phú hay nói nhanh này. Rabois đồng ý rót tiền vào Movity nhưng cũng thuyết phục Wu nghĩ về ý tưởng sau này trở thành Opendoor. “Tôi cố bảo anh ấy ‘ý tưởng của cậu rất hay, nó có thể thành công – nhưng tôi có ý tưởng còn hay hơn cho cậu,’” Rabois nói.

Mất thêm hai năm để Wu đồng ý. Sau khi bán Movity cho Trulia (giờ thuộc về Zillow), trụ sở tại San Francisco, với giá không tiết lộ, anh đã sẵn sàng.

“Tôi muốn làm điều gì đó mạo hiểm liên tục hơn 10 năm trong lĩnh vực tôi quan tâm sâu sắc,” anh nói. Anh liên lạc lại với Rabois, và họ gặp trong quán cà phê ở phòng tập gym của ông. Rabois đến trong bộ phần áo tập gym. Lần này, Wu đã sẵn sàng để thử.

Để thăm dò, anh xây dựng một trang chào mời đơn giản với thông điệp tiếp thị cho những người bán nhà tiềm năng. Rồi anh mời họ điền địa chỉ, và gọi điện cho họ để xem liệu họ có sẵn lòng bán nhà qua mạng không. “Phản hồi tích cực đến nỗi tôi cảm thấy có điều gì đó thật sự ở đây,” Wu nói.


Wu soạn thảo kế hoạch kinh doanh để trình bày cách anh giảm thiểu những phiền toái bằng cách cung cấp khả năng thanh khoản.

Tháng 5.2014, Khosla dẫn đầu vòng gọi vốn Series A, đầu tư 6 triệu đô la Mỹ trong tổng cộng 10 triệu đô la Mỹ.

Với cái tên Rabois tham gia dự án, một loạt “tinh hoa” của thung lũng Silicon cũng nhảy vào, bao gồm MAx Levchin (PayPal), David Sacks (Yammer và Zenefits), Jawed Karim (YouTube), Logan Green (Lyft), Sam Altman (Y Combinator) và Jeremy Stoppelman (Yelp).

Wu là cổ đông lớn nhất của Opendoor. Rabois, do vướng vai trò tại Khosla, không có cổ phần trực tiếp nào ngoài khoản đầu tư của ông vào quỹ của Khosla.

Bước đầu tiên là xây dựng mô hình định giá tự động mà cả công ty dựa vào.

Để làm điều này, Rabois đưa về Ian Wong, 30 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ nhưng bỏ ngang ở Stanford, làm về khoa học dữ liệu đầu tiên cho Square, trở thành đồng sáng lập thứ ba của Opendoor (đồng sáng lập thứ tư của công ty là JD Ross, 26 tuổi, đến từ hãng công nghệ quản lý đầu tư Addepar, chuyên về trải nghiệm người bán của Opendoor).

Mô hình định giá tính đến nhiều ngàn biến số, bao gồm diện tích và số phòng ngủ của ngôi nhà, độ gần các sân golf, công viên và đường cao tốc, độ hấp dẫn và điều kiện nội thất. Wong thuê 18 nhà khoa học và kỹ sư dữ liệu từ Square, Google, Black-Rock và những hãng khác về để liên tục điều chỉnh mô hình.

Wong nói chìa khóa cho mô hình của Opendoor không chỉ là số dữ liệu (mô hình công ty dựa trên nhiều bộ dữ liệu, vài cái có sẵn còn một số cái do công ty tự phát triển) mà còn là mối quan hệ giữa các mảnh dữ liệu.

Ví dụ phần lớn các ngôi nhà ở Phoenix đều có hồ bơi, một chi tiết phụ có thể được thẩm định viên thoải mái định giá ở mức 10 ngàn đô la Mỹ.

“Một bể bơi có thể có giá 10 ngàn đô la Mỹ, song vài hồ bơi chỉ có giá 1.000 đô la Mỹ, và bể bơi tốt trong khu dân cư tốt có thể có giá 20 ngàn đô la Mỹ,” Wong nói.

Bảng câu hỏi trực tuyến của Opendoor hỏi người bán về những chi tiết nhà cửa tưởng chừng vặt vãnh song lại quan trọng với người mua, như liệu bề mặt bếp làm từ thạch anh, cẩm thạch hay granite, và liệu đồ gia dụng có làm bằng thép không rỉ không – những chi tiết sẽ được Opendoor xác nhận trong quá trình thẩm định.

Những cuộc thẩm định diễn ra sau khi Opendoor đề nghị mua ngôi nhà nhưng chưa trả tiền sẽ giúp Opendoor không mua hớ.

Tuy nhiên, theo Robert Shiller, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel của ĐH Yale từng giúp tạo ra chỉ số định giá nhà Case-Shiller, câu hỏi lớn cho Opendoor (ông chưa nghe về công ty trước khi Forbes hỏi ông) sẽ là mô hình của họ có đặt giá chính xác hay không.

Theo ông, giá mua vào/giá bán ra (bid-ask spreads) phản ánh thông tin phi đối xứng, và nếu người bán nhà biết nhiều hơn về bất động sản của họ hơn là Opendoor, thì công ty dễ bị thiệt hại.

Với nhiều biến số như vậy, Shiller cho rằng vài biến số có thể là thừa, chẳng hạn những ngôi trường trong khu dân cư có đang tệ đi không, và do đó thật khó để xây dựng mô hình chính xác.

Trong lúc ông xây dựng chỉ số giá nhà ở, Shiller ghi chú: “Tôi đã cố gắng sử dụng những mạng lưới trung tính và những thuật toán màu mè khác, nhưng chúng tôi vẫn gặp phải những thất bại lớn.”

Còn nhiều rủi ro khác. Chủ sở hữu nhà có thể không muốn dựa vào dịch vụ không cho họ giá cao nhất. Và Opendoor có thể không có khả năng bán nhà nhanh như họ muốn, hoặc với giá họ muốn.

Ví dụ, ngôi nhà của Bosu, đã được rao bán suốt nhiều tháng, và giá bị giảm tới 331 ngàn đô la Mỹ – thấp hơn mức trả của Opendoor – trước khi nó được mua vào tháng 11. Quan trọng nhất, mô hình này vẫn chưa được kiểm chứng trong cơn suy thoái hoặc đổ vỡ của thị trường, vốn có thể khiến ngay cả những tay chơi sừng sỏ nhất trở tay không kịp.

Wu nói anh xây dựng mô hình trong suốt cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn (subprime crisis) để hiểu rõ rủi ro. Anh phát hiện rằng trong một thị trường sụt giá, Opendoor chỉ đơn giản là thu phí cao hơn để bù đắp rủi ro.

Anh biện giải rằng chủ sở hữu nhà sẽ đồng ý trả nhiều hơn cho Opendoor trong một thị trường sụt giá hơn mức họ chịu chi khi giá tăng (và bán cũng dễ hơn). “Khi có nhiều rủi ro và biến động,” Wu nói, “đề xuất giá trị (value proposition) sẽ thậm chí còn mạnh hơn.”

Tháng 12.2014, Opendoor ra mắt tại Phoenix, nơi tính trung bình của thị trường là điểm cộng cho công ty.

Giá bán lại nhà trung bình ở đó là 230 ngàn đô la Mỹ, kém hơn chút so với mức trung bình toàn nước Mỹ là 240.900 đô la Mỹ, và một ngôi nhà mất trung bình 76 ngày để bán được – mức phổ biến với nhiều thành phố ngoại trừ San Francisco và New York. Và là khu đô thị lớn thứ 12 nước Mỹ, Phoenix diễn ra rất nhiều giao dịch, khoảng 88 ngàn giao dịch/năm.

Trong vòng sáu tháng, những tấm biển “rao bán” màu xanh dương và trắng của Opendoor mọc lên khắp Phoenix, Scottsdale và nhiều thị trấn sa mạc khác. “Ban đầu ai cũng cười giễu sau lưng,” nhà môi giới cho HomeSmart International ở Scottsdale nói. “Giờ họ hết cười rồi.”

Opendoor duy trì giấy phép môi giới tại những bang họ hoạt động nhưng không thu phí của người mua. Tuy một số hãng môi giới bất động sản địa phương sợ hãi đối thủ mới, vài hãng khác lại đang tìm cách hợp tác cùng Opendoor.

Ví dụ, Brooks gần đây được Opendoor giới thiệu cho một cặp vợ chồng già muốn chuyển đến thị trấn cho gần con họ hơn. Sau khi bán cho Opendoor, họ cần một nơi để ở, và Brooks đại diện cho họ trong vụ này.

“Điều tuyệt vời là Opendoor mua bằng tiền mặt,” anh nói, có nghĩa người nào bán nhà cho công ty sẽ không cần một điều khoản những vấn đề phát sinh bất ngờ (contingency clause) nào trong hợp đồng của họ khi họ mua.

Trong vòng chưa đầy hai năm, Opendoor đã chiếm 2% thị trường Phoenix. Công ty nói khi họ đưa ra đề nghị cho những người thực sự muốn bán (theo định nghĩa của công ty là muốn bán nhà trong chưa đầy sáu tháng), 1/3 trong số đó đồng ý ngay, mức cao hơn nhiều so với Wu dự đoán và sẽ còn tăng.


Opendoor hoạt động ra sao



1. Opendoor dùng thuật toán do họ tự phát triển để xác định đưa ra mức giá nào cho người bán tiềm năng, sau khi họ điền vào bảng câu hỏi trực tuyến. Công ty chỉ mua những ngôi nhà cho một hộ, xây sau năm 1960, trong khoảng giá 125 ngàn đến 500 ngàn đô la Mỹ.



2. Sau khi người bán chấp nhận, Opendoor gửi thẩm định viên đến để xác nhận tình trạng căn nhà. Khi đó họ sẽ chuẩn bị chốt thương vụ bằng tiền mặt vào thời điểm người bán muốn, trong vòng từ ba đến 60 ngày sau.



3. Opendoor thu phí dịch vụ 6% - tương đồng phí hoa hồng bất động sản thông thường – cộng thêm phí phụ trội tùy thuộc vào rủi ro của giao dịch. Tính trung bình, hai phí cộng lại thành 8%.



Với một căn nhà giá 300 ngàn đô la Mỹ, công ty sẽ thu phí dịch vụ 18 ngàn đô la Mỹ cộng thêm phí rủi ro 6.000 đô la Mỹ, tổng cộng 24 ngàn đô la Mỹ.


Nếu Opendoor tin rằng một ngôi nhà nào đó sẽ khó bán, hoặc điều kiện thị trường khó khăn hơn, họ có thể thu đến 6% phí rủi ro, nâng tổng mức phí lên thành 36 ngàn đô la Mỹ cho ngôi nhà giá 300 ngàn đô la Mỹ giả định đó.



4. Khi đã mua xong, Opendoor thực hiện công tác sửa chữa cần thiết và rao bán căn nhà cho người mua với giá cao hơn chút đỉnh. Khách mua tiềm năng có thể đến thăm nhà bất cứ lúc nào bằng cách dùng mã chìa khóa để mở cửa. Mục tiêu công ty là bán nhanh, tối thiểu hóa chi phí duy trì nhà.



5. Opendoor không thu phí hay hoa hồng từ người mua, nhưng nếu thuật toán của họ chính xác, thì họ bỏ túi doanh thu phụ trội từ việc bán chênh giá. Nếu ngôi nhà 300 ngàn đô la Mỹ giả định phía trên được bán ở giá 2% cao hơn mức Opendoor chi để mua nó, thì họ lời 6.000 đô la Mỹ. Tuy nhiên, nếu thuật toán của họ sai, và giá bán thấp hơn 2% mức họ chi, thì họ cũng mất sạch mức phí rủi ro họ thu từ người bán ban đầu.


Tháng 2, Opendoor ra mắt tại Dallas, khu đô thị lớn thứ tư nước Mỹ, và mô hình của họ đã bén rễ còn nhanh hơn ở Phoenix.

Trong số những người bán nhà đầu tiên cho công ty có Shannon Mims, 43 tuổi, làm việc trong ngành giáo dục, cùng chồng, Richard, 45 tuổi, làm việc trong ngành hành pháp.

Chưa từng bán nhà bao giờ, họ lo lắng khi nhận ra ngôi nhà ba phòng ngủ bằng gạch đỏ ở khu Balch Springs là quá chật cho gia đình năm người.

“Việc phải dọn nhà để sẵn sàng cho người ta xem cũng làm tôi chết đứng,” Shannon nói. Sau khi nghe tin phát thanh quảng cáo về Opendoor trên đường đến nhà thờ, bà rất thích thú. Bà điền vào bảng câu hỏi của Opendoor và nhận đề nghị mua với giá 148 ngàn đô la Mỹ (trước phí), gần mức ước tính sơ bộ 150 ngàn đô la Mỹ từ một nhà môi giới bà quen thông qua người bạn.

Tiếp theo cho Opendoor là Las Vegas, nơi họ đã bắt đầu thu mua nhà. Tuy Wu không tiết lộ thành phố nào tiếp theo đó, nhiều khả năng đó sẽ là những nơi có nhiều giao dịch nhà cho một hộ gia đình ở phân khúc giữa của thị trường.

Hãy nghĩ về Denver hay Portland, Oregon chứ không phải TP New York hay San Francisco. “Có 50 đến 70 thành phố có thể sử dụng sản phẩm này ngay lập tức,” Rabois nói.

Vào một ngày chói chang cuối hè ở San Francisco, Evan Moore, giám đốc sản phẩm của Opendoor, trình diễn bản mẫu ứng dụng người mua cho Wu xem.

Có mặt trong buổi đó là bốn thành viên của đội nhóm sản phẩm đã làm việc suốt tám tuần để giúp ứng dụng sẵn sàng ra mắt vào tháng 10. Wu, đang bị viêm họng, phải uống thuốc ho và viết ghi chú bằng tay.

Ứng dụng hiện ra những chấm xanh là những ngôi nhà của Opendoor và cho phép người dùng nhìn thấy hình ảnh. Moore, 31 tuổi, cùng đội nhóm của anh đang mày mò ứng dụng để xem cần tiếp thị nó ra sao.

Khi Wu xem màn trình bày, anh đặt ra các câu hỏi, yêu cầu nhóm kỹ sư xây dựng lại phần hướng dẫn và thường bình luận: “Ồ cái đấy hay thế” hoặc “Cái này tuyệt quá.”

Kể từ khi Moore, đồng sáng lập của dịch vụ giao thức ăn nhà hàng theo yêu cầu DoorDash, được tuyển về công ty hai năm về trước, Opendoor đã giới thiệu nhiều tính năng được thiết kế để thu hút người mua. Wu nói những ngôi nhà của công ty nhận được gấp ba lần số viếng thăm so với cách niêm yết thông thường, chủ yếu bởi khách mua tiềm năng không phải hẹn gặp hoặc vội vã đến đó.

Trong tầm nhìn của Wu, Opendoor cuối cùng sẽ cung cấp dịch vụ mua nhà một điểm đến duy nhất (one-stop) cho những giao dịch bất động sản, cho phép người mua nhà nhận tiền thế chấp và thậm chí cả trang hoàng ngôi nhà mới của họ.

Nếu Opendoor có được chỉ 1% của hơn năm triệu giao dịch bất động sản diễn ra mỗi năm ở Mỹ, với giá trung bình 250 ngàn đô la Mỹ, họ sẽ kiếm được hơn 1 tỉ đô la Mỹ.

Và như Glenn Solomon, đối tác quản lý tại GGV Capital và là một thành viên ban quản trị của Opendoor, chỉ ra: “Kinh nghiệm ban đầu tại những thị trường đầu tiên của họ là Phoenix và Dallas cho thấy nhu cầu từ cả người bán lẫn người mua cao hơn thế nhiều.” Solomon không thấy lý do nào để Opendoor không đạt được mức xâm nhập thị phần hai chữ số ở những thị trường đã chín muồi của họ.

Opendoor có thể đối mặt với nhiều cạnh tranh, song đây là một mảng kinh doanh vô cùng khó khăn để lập nghiệp (sự chờ đợi hơn một thập niên của Rabois đã cho thấy điều đó), vì nó đòi hỏi một mô hình định giá hoạt động được lẫn nguồn vốn dồi dào. “Đây đúng là một cuộc cách mạng,” Rabois nói. “Ý tưởng về việc bất cứ ai cũng có thể bán nhà của họ mỗi khi họ muốn, không bị phiền toái đã thay đổi cách người ta sống.”

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm