Trình Quốc hội điều chỉnh phương án đầu tư một số đoạn trên cao tốc Bắc - Nam

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 8-06-2020, 03:08 | Thị trường 24h

Chuyển từ PPP sang đầu tư công một số dự án thành phần

Ngay sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trình bày tỷ suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra, trước khi các đại biểu quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về nội dung này.

Trước đó, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ngày 5/6, một số dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được điều chỉnh từ phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Bộ Chính trị yêu cầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế về khả năng huy động vốn tín dụng để thực hiện từng dự án đối tác công - tư và có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (ngày 3/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thống nhất chủ trương chuyển đổi 3/8 dự án thành phần từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công gồm các đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

 

Suất đầu tư bao nhiêu là hợp lý?

Hiện tại, dư luận đang rất quan tâm vị tư lệnh ngành giao thông sẽ báo cáo về suất đầu tư 1km cao tốc Bắc - Nam giảm ra sao? Chênh lệch so với giá Bộ xây dựng như thế nào? Liệu trước kia có tính "vống" tổng mức đầu tư hay không?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, ngày 14/1/2020, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 44 công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2018.

Theo đó, suất đầu tư xây dựng đường ô tô 4 làn ở khu vực 2 là 157,48 tỷ đồng/km và suất xây dựng đường ô tô 4 làn (chưa bao gồm chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu) ở khu vực 2 là 124,98 tỷ đồng/km.

Như vậy, suất đầu tư do Bộ Xây dựng công bố gồm: Chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; Chưa gồm chi phí thực hiện một số loại công việc theo yêu cầu riêng của dự án như: Chi phí bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư; lãi vay trong thời gian thực hiện đầu tư xây dựng (đối với các dự án có sử dụng vốn vay); chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư.

Trong khi đó, theo tính toán của Bộ GTVT, dự kiến suất vốn đầu tư 1km (4 làn) cao tốc Bắc - Nam là 115,8 tỷ đồng/km (5 triệu USD) đã bao gồm cả chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu… thấp hơn mức 124,985 tỷ đồng/km (chưa gồm chi phí xây dựng cầu và xử lý nền đất yếu) được Bộ Xây dựng công bố.

Như vậy, báo cáo trước Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ phải làm rõ, tại sao Dự án đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 653km lại có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 118.716 tỷ đồng?

Bộ đã tính toán thế nào để đến tháng 10/2018, Bộ GTVT có báo cáo tổng mức đầu tư giảm 16.203 tỷ đồng?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tại, cách tính tỷ suất đầu tư 1km cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT như sau: Tổng chi phí xây dựng và thiết bị (67.922 tỷ đồng) + chi phí quản lý dự án, tư vấn (7.782 tỷ đồng) = 75.704 tỷ đồng)/(tổng chiều dài 653,6km) = 115,8 tỷ đồng/km.

“Nếu không tính dự án Cam Lộ - La Sơn (quy mô 2 làn xe, chiều dài 98,4km) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 (dài 6,6km) thì suất vốn đầu tư xây dựng bình quân của cao tốc Bắc - Nam chỉ khoảng 95,6 tỷ đồng/km”, Bộ GTVT cho biết.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm