PGS.TS. Trần Đình Thiên: 'Lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần định nghĩa thế nào là bình thường mới'

| 9-06-2020, 16:16 | Thị trường 24h

Nhàđầutư Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, chính trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần định nghĩa thế nào là "bình thường mới". Nếu không làm rõ được thì e rằng những lựa chọn chính sách trong tương lai sẽ dễ dãi, không thoát được lối quản lý cũ.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng.   Ảnh: Reatimes


Vào sáng 9/6, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã tổ chức buổi tọa đàm "Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu COVID-19", với sự góp mặt của lãnh đạo Hiệp hội, các chuyên gia kinh tế vĩ mô, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng, luật sư và lãnh đạo các doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 khiến thị phần khách quốc tế giảm, nhưng xu thế tất yếu là sự gia tăng của thị phần du lịch nội địa, mở ra nhiều cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc..., khi có quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn, đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhìn về tiềm năng, thị trường ở những khu vực này còn dư địa phát triển rất lớn, do khả năng khai thác dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao, nhiều lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi thuế…

Trên cơ sở đó tọa đàm sẽ luận bàn, phân tích xu hướng phát triển của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu COVID-19.

Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm phát triển những sản phẩm bất động sản của các thương hiệu lớn, uy tín, tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn, Phú Quốc...

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, Việt Nam có những khu vực "lột xác" về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, như Phú Quốc hay mới nhất là Vân Đồn. Kéo theo đó là sự sôi động của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở những khu vực này.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VNREA lưu ý rằng thị trường cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế để níu chân du khách.

Đồng thời, cần hoàn thiện hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế điều tiết cho thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, qua đó tạo ra một nền tảng vững chắc giúp thị trường phát triển nhanh chóng trong dài hạn.

Trong khi đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng chính trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần định nghĩa thế nào là "bình thường mới". Nếu không làm rõ được thì e rằng những lựa chọn chính sách trong tương lai sẽ dễ dãi, không thoát được lối quản lý cũ.

"Cách hồi phục và tạo nền kinh tế mới rất quan trọng. Việc cứu doanh nghiệp có năng lực, doanh nghiệp mạnh là rất quan trọng. Hai lựa chọn ưu tiên của bình thường mới theo quan điểm của tôi là khác với cách truyền thống. Chúng ta cần nhìn nhận rằng, thời điểm này như một cơ hội khó tìm để đạt được sự thay đổi căn bản trong nền kinh tế", ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, bình thường mới của Việt Nam chưa được định nghĩa một cách rõ nét. Bình thường mới có nghĩa là Việt Nam đang có những cơ hội gì? Những hấp dẫn đang có và có cơ hội vượt trước không? Thứ nữa là bình thường mới là có phù hợp với thế giới hay không, có xung đột và liên kết phát triển toàn cầu hậu COVID-19 sẽ thế nào?.

Covid làm “đứt” chuỗi cung ứng, gây “sốc” cả cung lẫn cầu, làm ngưng trệ kinh tế thế giới hay đóng vai trò “kích phát”, cộng hưởng? "Vấn đề đặt ra là đứt chuỗi thì nối lại, nhưng tôi nghĩ là không chỉ nối chuỗi mà còn cần thay chuỗi, có những chuỗi phải bỏ đi để tạo chuỗi mới, thay đổi dần dần trong kế hoạch 3 năm, 5 năm", ông Thiên nói.

Ông Thiên dẫn ví dụ như Samsung thay vì rủi ro trong sử dụng người lao động thì họ có phương án tự động hóa, robot hóa hệ thống lắp ráp. "Tôi cho rằng, nếu không phản ứng được với điều này, hậu quả sẽ là rất lớn", ông Thiên nhấn mạnh và cho rằng: "Chúng ta cần bàn không chỉ hệ thống kết nối chuỗi gắn với không gian mà còn cần gắn với công nghệ nữa. Đặc biệt nghỉ dưỡng của Việt Nam phải gắn với chuỗi vừa về không gian, vừa về đẳng cấp".

Theo ông Thiên, tình hình thế giới hiện tại vẫn có tính bất ổn, bất định cao, dịch bệnh Covid-19 chưa được kiểm soát và khả năng lây lan trở lại vẫn còn lớn. Sau câu chuyện dịch bệnh ấy, hệ giá trị, tiêu chuẩn sống đã thay đổi và ảnh hưởng đến bất động sản cũng như bất động sản nghỉ dưỡng. Thống kê của Tổng Cục du lịch cho hay, nhu cầu du lịch hiện nay đặt sự an toàn lên đầu tiên, mối quan tâm về chi phí chỉ ở vị trí thứ 3. Tới đây, về chiến lược, sẽ hướng đến việc đặt tin cậy lên vị trí đầu tiên. Việt Nam đang đáng tin cậy về nhiều mặt trên trường quốc tế.

Về bất động sản và bất động sản nghỉ dưỡng, câu hỏi đặt ra là hai lĩnh vực này chuyển sang giai đoạn mới chưa hay vẫn tiếp tục cái cũ, nếu mới thì mới như thế nào? Đô thị hóa hiện nay phải theo kiểu mới? Nhưng kiểu mới như thế nào thì phải định hình ra. "Tôi tin chắc rằng đô thị hóa của Việt Nam không thể theo logic cũ, bởi để thay đổi, phát triển bất động sản thì vấn đề đầu tiên phải là đô thị", ông Thiên thẳng thắn.

Tiếp đến, công nghiệp hóa phải kiểu mới, nếu vẫn phát triển theo kiểu cũ. Rất dễ mất đi cơ hội. Nên phát triển gắn với khái niệm kinh tế số, thông minh,… Đặc biệt, muốn phát triển du lịch nghỉ dưỡng kiểu mới, cần có tiêu chuẩn khác, đẳng cấp khác.

Bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng cần có câu trả lời nhất định là có chuyển sang giai đoạn mới hay chưa, yêu cầu nội hàm là gì?

Không thể ngay lập tức chuyển sang giai đoạn mới, cần phục hồi sau Covid-19 rồi mới chuyển sang giai đoạn mới về cấu trúc.

Việt Nam 3 năm liền là điểm sáng thực sự giữa bối cảnh kinh tế bất ổn, thị trường ổn định, có sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong điểm sáng này Quảng Ninh là tâm điểm, 3 năm liền tăng trưởng kinh tế là hai chữ số, thay Đà Nẵng trở thành điểm có nhiều sức hút với nhiều nhà đầu tư.

Để có được thành quả này, Quảng Ninh tập trung mời gọi các nhà đầu tư lớn, điều đó rất có lợi cho tương lai. Quảng Ninh biết cách phát triển ổn, đang xác lập tốt các điều kiện nền tảng hạ tầng kết nối, thể chế, nhân lực một cách đẳng cấp.

Quảng Ninh vài năm qua cũng đã tập trung được nhiều nhà đầu tư lớn của Việt Nam như CEO Group, Sun Group… 

Do đó, Nhà nước phải tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp bỏ vốn vào đầu tư ở Quảng Ninh. Để địa phương này trở thành đẳng cấp thì tài sản của doanh nghiệp lúc này chính là tài sản Quốc gia và cần được Nhà nước hỗ trợ tích cực.

Phục hồi của Việt Nam tốt nhưng xu thế bình thường mới không dễ. Vì thể chế Việt Nam khó thay đổi, nội lực chưa mạnh, doanh nghiệp nhỏ, thường có phong cách “dễ thì làm khó thì bỏ”. Đặc biệt, cơ hội lớn, nội lực chưa mạnh rất dễ tuột mất cơ hội. Thế giới hiện nỗ lực phục hồi kinh tế nhanh nhưng kết nối thận trọng. Định hướng nghỉ dưỡng cần mang tính đẳng cấp, cần định hình xu hướng.

Bài liên quan

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm