[Thi viết Nghề môi giới BĐS] Những trăn trở sau mỗi giao dịch thành công

| 29-01-2019, 09:30 | Thị trường 24h

[Thi viết Nghề môi giới BĐS] Những trăn trở sau mỗi giao dịch thành công


Tôi đã từng chứng kiến có bạn trẻ mới vào nghề bán được hai hoặc ba sản phẩm đã tự mãn và dậm chân tại chỗ rồi tự đào thải chính mình.



LTS: Đó là chia sẻ của bạn Trần Như Ngọc tại TP.HCM trong bài thi viết "Những trăn trở sau mỗi giao dịch thành công" tại "Cuộc thi viết Nghề môi giới BĐS" gửi tới chúng tôi. Quý độc giả có thể gửi bài viết của mình về địa chỉ email: batdongsan@cafef.vn

*****************

Nhắc tới nghề môi giới bất động sản chắc hẳn điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là mức thu nhập "khủng" và nụ cười hạnh phúc khi nhận hoa hồng từ vài chục triệu cho đến trăm triệu đồng trên tay.


Nhưng chỉ có ai trong nghề mới hiểu được, đằng sau những ánh hào quang vinh danh "Super sale" và xấp tiền polyme dày cộm ấy là biết bao nước mắt và mồ hôi đã rơi. Từ những cực nhọc đi tìm kiếm khách hàng có đúng nhu cầu cho đến những đêm thao thức khi khách đã cọc tới ngày kí hợp đồng là cả một quá trình gian nan.

Tuy vậy, không phải bạn bán xong cho khách hàng là có thể thoải mái cầm những đồng tiền ấy tiêu xài không lo lắng điều gì, còn biết bao trăn trở mà cả khách hàng đầu tư hay an cư đều gửi gắm nơi bạn.

Với khách hàng đầu tư, họ bỏ ra số tiền lớn và tin tưởng vào những giá trị tương lai bạn chia sẽ thì ai cũng muốn tìm một môi giới chuyên nghiệp, có tâm với nghề. Để sau này, khách hàng còn làm việc lâu dài với bạn và nhờ đến sự trợ giúp của môi giới khi cần thanh khoản thu lợi nhuận. Thế nên sau một giao dịch thành công, người môi giới thực sự có tâm với nghề sẽ còn những băn khoăn, trăn trở về sản phẩm mình đã bán cho khách.

Về tiến độ hạ tầng, giấy tờ pháp lý hay giá cả thị trường bất động sản khu vực mình bán cho khách diễn biến như thế nào rồi. Để mỗi khi khách hỏi thăm, chúng ta còn có câu trả lời khiến họ an tâm nhất khi đã lựa chọn mua sản phẩm bạn giới thiệu. Tôi còn nhớ giao dịch đầu tiên của mình cũng đến từ một chị khách hàng đầu tư và dù chưa mua đất dự án bao giờ nhưng chị vẫn quyết định lấy hai nền liền kề vì đặt niềm tin ở một môi giới như tôi chứ không phải là chủ đầu tư hay đại diện công ty.

Với khách hàng an cư, họ mong muốn tìm được nơi có môi trường sống tốt và phù hợp nhất với mình. Vì vậy, là một môi giới bất động sản chuyên nghiệp thì bạn cần xác định nhu cầu thực sự của khách hàng và nắm bắt tâm lý của họ.

Ví như gia đình của khách hàng đó có con nhỏ, hãy giới thiệu cho họ thấy những tiện ích và trường học phục vụ khi về đây định cư. Sau khi đã chốt được giao dịch thành công, dĩ nhiên không phải là lúc bạn bỏ mặc tất cả để tìm kiếm khách hàng mới.

Hãy hỗ trợ khách hàng một số vấn đề về cách thức xin giấy phép xây dựng, đến chọn thiết kế nhà và chủ thầu có giá cả hợp lý. Đến khi khách hàng có căn nhà mới để mở tiệc mừng tân gia và mời bạn đến tham dự thì lúc đó chính là giây phút hạnh phúc nhất của người làm nghề môi giới bất động sản.

Nghề môi giới bất động sản có lẽ là một trong những nghề áp lực tinh thần nhiều nhất, bạn phải nhận nhiều sức ép từ khách hàng hay từ sếp và cân bằng mọi thứ để có một giao dịch thành công. Khi có một người sếp tốt, công việc của bạn có thể suôn sẽ hơn và học hỏi được nhiều cách xử lý khách hàng hơn, nhưng khi cấp trên của bạn hạn chế về năng lực thì chắc chắn mọi thứ đều gặp rắc rối.

Và môi trường làm việc của nghề môi giới bất động sản tuy năng động nhưng cũng rất khắc nghiệt, đặc biệt là tính thanh lọc, đào thải rất cao. Đến với nghề thì rất dễ bởi ở Việt Nam, môi giới bất động sản vẫn chưa chính thức công nhận như một ngành nghề nên nhà tuyển dụng cũng không cần đòi hỏi phải có chứng chỉ môi giới chuyên nghiệp.

Nhưng sống được với nghề và đạt được mục tiêu đề ra hay bị đào thải chính là đòi hỏi năng lực của bạn có thể làm được tới đâu và phát triển bản thân tới mức độ nào. Một môi giới bất động sản chuyên nghiệp cần trao dồi rất nhiều kỹ năng và kiến thức, cần phải cập nhật liên tục thông tin thị trường.

Tôi đã từng chứng kiến có bạn trẻ mới vào nghề bán được hai hoặc ba sản phẩm đã tự mãn và dậm chân tại chỗ rồi tự đào thải chính mình. Bên cạnh đó cũng có những chiến binh vào nghề không gặp được may mắn như thế, nhưng bằng sự kiên trì học hỏi cộng với nổ lực hết mình nên gặt hái được nhiều thành công và tiến xa hơn trong môi trường bất động sản đầy cạnh tranh.

Làm nghề nào cũng cần đặt cái tâm vào đấy, môi giới bất động sản cũng vậy, bạn làm việc chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân thì đến lúc nào đó khách hàng và đồng nghiệp sẽ quay lưng với bạn. Khách hàng bỏ tiền ra để nhận được giá trị tốt nhất và thông tin chính xác từ bạn, đừng nên vì lợi ích trước mắt mà cung cấp thông tin sai lệch hay bỏ mặc khách hàng khi họ cần hỗ trợ.

Cái tâm ở đây chính là vào thời điểm đó, bạn đã hỗ trợ khách hàng hết khả năng mình có thể để tâm trí được thanh thản chứ không phải đè nặng mỗi khi khách hàng cũ gọi đến. Cho đến giờ, từ lúc còn là một nhân viên kinh doanh rồi đến cấp quản lý của công ty, tôi vẫn luôn giữ gìn những mối quan hệ với khách hàng cũ và hỗ trợ khi họ cần đến.

KHỞI ĐỘNG CUỘC THI VIẾT NGHỀ MÔI GIỚI BĐS


Trần Như Ngọc


Theo Trí thức trẻ

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm